Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL nêu rõ, đây là diễn đàn mở để các đại biểu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm; phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng (DLNN, DLCĐ) của tỉnh trong những năm gần đây. Đồng thời, đề xuất các chiến lược và biện pháp; xây dựng mối quan hệ hợp tác và đối tác giữa các bên liên quan để thúc đẩy sự phát triển của du lịch Quảng Ngãi.
Sau khi nghe các đại biểu trình bày các tham luận tại hội thảo, ông Trần Hoàng Tuấn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo: Sở VH-TT&DL cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp thu tối đa các tham luận, ý kiến phát biểu, đề xuất tại hội thảo để chủ động triển khai các giải pháp có tính tổng quát, chiến lược. Đồng thời, khẩn trương phát huy, nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm thành công trong thực tiễn phát triển DLNN, DLCĐ trong thời gian tới; Tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch; Chú trọng phát triển và khai thác các phân khúc thị trường theo các sản phẩm chuyên đề mà Quảng Ngãi có thế mạnh như: Du lịch biển đảo, DLNN, DLCĐ, du lịch văn hóa lịch sử; Các địa phương cần triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với thực tế. Trong đó, nghiên cứu ưu tiên nguồn lực, tăng cường hỗ trợ các điểm DLNN, DLCĐ. Phấn đấu mỗi địa phương hình thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Phát triển DLCĐ có mục tiêu là tạo sinh kế cho người dân trên cơ sở tài nguyên, văn hóa sẵn có để người dân thấy trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị. Thời gian tới các sở, ngành, địa phương cần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để tăng cường vai trò và tính kết nối của các chủ thể tham gia phát triển DLNN, DLCĐ. Qua đó, giúp du lịch Quảng Ngãi phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại hội thảo đã nghe các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị, cá nhân trình bày 6/21 tham luận xoay quanh các chủ đề: Phát triển DLCĐ, nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Ngãi - tiềm năng, lợi thế và thách thức; Tiếp cận nguyên lý sinh thái để phát triển kinh tế du lịch tỉnh Quảng Ngãi trong thời kỳ mới; DLNN, nông thôn, DLCĐ Quảng Ngãi - Các bước tiếp cận và triển khai; Phát triển DLCĐ ở bàu Cá Cái trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa; Bàn về tính bền vững của DLNN, DLCĐ tỉnh Quảng Ngãi; Giải pháp xây dựng mô hình DLNN, DLCĐ Quảng Ngãi theo hướng nhanh, xanh và bền vững.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn là nội dung trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tại Quảng Ngãi, trong những năm gần đây bước đầu đã và đang phát triển nhiều điểm du lịch nông thôn, DLCĐ như: Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, làng DLCĐ Bình Thành, điểm DLCĐ rừng dừa nước Tịnh Khê, các làng DLCĐ Đức Lợi, Đức Tân (Mộ Đức), DLCĐ bàu Cá Cái (Bình Sơn), DLCĐ muối biển truyền thống Sa Huỳnh (Đức Phổ), khu du lịch Suối Chí (Nghĩa Hành), Thác Trắng (Minh Long)… Tại mỗi điểm du lịch tuy có cách làm khác nhau, bước đầu mang lại kết quả thiết thực. Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng, gắn kết với sự phát triển của các địa phương trong tỉnh còn rời rạc, việc kinh doanh làm dịch vụ phục vụ du khách còn yếu kém, chưa thực sự thu hút du khách ngoài tỉnh…
Theo PGS.TS Võ Văn Minh - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), để phát triển du lịch, trước hết Quảng Ngãi phải định vị trên bản đồ du lịch của khu vực. Tỉnh cần có kế hoạch xây dựng thương hiệu mạnh để kết nối vào mạng lưới. Lý Sơn - Sa Huỳnh là những địa danh gắn với tự nhiên và văn hóa rất dễ khai thác để định vị. Nếu các địa phương này biết khơi dậy thương hiệu Sa Huỳnh, Lý Sơn để kết nối tất cả các ngành kinh tế của Quảng Ngãi nhằm phát triển du lịch theo hướng văn hóa sinh thái thì chiếc nôi Văn hoá Sa Huỳnh hoặc huyện đảo Lý Sơn sẽ đưa tỉnh lên một đỉnh cao mới.
Các đại biểu cũng cho rằng, nhận thức cộng đồng là vô cùng quan trọng đối với phương thức hợp tác trong phát triển du lịch bền vững. Người dân cần được thảo luận, phân tích, đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong việc hòa nhập với mô hình DLCĐ và mạng lưới du lịch.
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP.Hội An (Quảng Nam) cho rằng, DLCĐ gắn liền với phát triển cộng đồng, thể hiện tính kết nối nguồn lực, tạo động lực phát triển. Ở đó, các nguồn vốn phát triển được đặc biệt quan tâm, chú trọng bao gồm vốn con người, vốn tài nguyên thiên nhiên, vốn văn hóa, chính sách, cơ sở hạ tầng, xã hội, cộng đồng…
Tại hội thảo, đại diện các đơn vị đã ký kết hợp tác xây dựng liên minh chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng.