Vĩnh Tường đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang

12/10/2020 23:19

Theo dõi trên

Đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc dân tộc ở đình Thổ Tang là mái cong hình thuyền; cấu trúc nhà sàn; kỹ thuật trong xây cất công trình gỗ; chọn hướng và thế đất...

Sáng 11/10, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thổ Tang. Tới dự có các đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Việt Văn, Thường vụ Tỉnh uỷ – Phó chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quang Tiến – Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Trần Việt Cường – Bí thư Huyện ủy; đại diện lãnh đạo huyện, thị trấn, các phòng ban liên quan và đông đảo nhân dân thị trấn Thổ Tang.
 
 
Lãnh đạo huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Việt Văn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tin tưởng các cấp các ngành và nhân dân trong tỉnh sẽ cùng nhau xác định trách nhiệm to lớn, đồng lòng triển khai có hiểu quả các hoạt động giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa vô giá của quê hương. Ông Vũ Việt Văn đề nghị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hồ sơ về quy hoạch chung khu di tích, tu bổ, tôn tạo di tích đình Thổ Tang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm sớm triển khai trong năm 2021, khai thác phát huy hiệu quả giá trị di tích đình Thổ Tang.
 
Đối với UBND huyện Vĩnh Tường phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác quản lí Nhà nước về di tích; chỉ đạo hướng dẫn thị trấn Thổ Tang thực hiện hơn nữa việc bảo tồn, phát huy di tích theo quy định của Luật Di sản. Phối hợp với các ngành liên quan hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ quy hoạch, tu bổ di tích; kiện toàn Ban quản lí di tích để chăm sóc, bảo quản các đồ thờ tự trong di tích, giữ gìn cảnh quan môi trường. Khôi phục các lễ hội truyền thống để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thông của địa phương.
 
 
Đông đảo người dân thị trấn Thổ Tang tham dự buổi lễ

Ôn lại quá trình lịch sử hình thành, đặc biệt là về kiến trúc nghệ thuật đình Thổ Tang, ông  Lê Chí Thái – Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Vĩnh Tường nêu rõ: Đình Thổ Tang là một trong số các ngôi đình cổ tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc bộ (thế kỷ thứ XVII) cùng với các ngôi đình nổi tiếng xứ Đoài như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, huyện Ba Vì; đình Mông Phụ ở làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (ngoại thành Hà Nội). Lễ hội Đình làng Thổ Tang được tổ chức vào mùa xuân từ ngày 10 đến ngày 15 tháng giêng hàng năm. Ba cây đa tía trong khuôn viên sân Đình Thổ Tang cũng đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.
 
Đình Thổ Tang thờ danh tướng Phùng Lân Hổ, có công đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Tương truyền, Phùng Lân Hổ quê ở làng Đồng Bằng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay là Thị xã Sơn Tây - Hà Nội). Thân mẫu ông là bà Phùng Thị Dung, nhà nghèo, chuyên làm nghề kiếm củi nuôi thân. Một hôm, bà vào rừng Tô Lâm hái củi, lúc về ra đến cửa rừng vì mệt mà ngủ thiếp đi bỗng có đám mây hồng bay đến bao quanh mình bà, lại có tiếng hổ gầm lên vang động, bà giật mình tỉnh dậy. Về nhà tự nhiên bà thụ thai, đến kỳ sinh ra cậu bé rất tuấn tú khôi ngô. Một người có chữ trong làng nhìn rồi bảo rằng: Cậu bé này “phi lân, tắc hổ”, nghĩa là không phải kỳ lân thì cũng là mãnh hổ. Nghe vậy bà liền đặt tên con là Phùng Lân Hổ.  Lớn lên, Phùng Lân Hổ mình cao 8 thước, sức nhấc 100 cân, võ nghệ cao cường và có tài thao lược… Khi giặc Mông Cổ xâm lược nước ta, vua Trần xuống chiếu với người tài đánh giặc. Phùng Lân Hổ xin đi và được vua Trần cho cầm quân bộ đánh giặc mặt Bắc. Ông dẫn quân lên vùng Gia Ninh (Bạch Hạc – Phú Thọ ngày nay) bày binh bố trận lập một phòng tuyến chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch bảo vệ cho kinh đô Thăng Long.  Chiến thắng quân Nguyên – Mông, triều đình luận công ban thưởng. Phùng Lân Hổ được ban tước Hầu (Lân Hổ Hầu) và làm quan trong triều nhưng ông lại từ chối xin được về quê phụng dưỡng mẹ già.
 
Bị thua, quân Nguyên – Mông trở lại tìm cách báo thù. Phùng Lân Hổ lại được vời ra chỉ huy chiến tuyến Gia Ninh – Dục Mỹ. Thế giặc mạnh lại rất đông, Phùng Lân Hổ tả xung hữu đột chém nhiều đầu giặc và ông đã anh dũng hy sinh. Tiếc thương vị tướng tài lập nhiều công lớn, vua Trần đã hạ chiếu xây lăng cho Phùng Lân Hổ và cho quốc tế (tế theo nghi lễ nhà nước). Cùng với các xã vùng Phùng Lân Hổ đóng quân chống giặc, nhân dân Thổ Tang đã lập đền thờ ông. Khi có đình thì rước thần hiệu vào đình mà thờ để ghi nhớ công ơn, đồng thời cũng cầu mong sự hiển linh che chở.
 
Hiện nay, suốt một dải từ Dục Mỹ - Sơn Vi (Phú Thọ) đến Vĩnh Tường - Yên Lạc (Vĩnh Phúc) có hệ thống di tích thờ Phùng Lân Hổ. Ở Thổ Tang có Miếu Trúc, Đình Thổ Tang, Đình Phương Viên, trong đó Đình Thổ Tang là trung tâm để tổ chức lễ hội cùng những trò diễn, lễ hội tưởng niệm vị tướng tài Phùng Lân Hổ và cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước của dân tộc ta thời Trần.
 
Đình Thổ Tang có kiến trúc đồ sộ, làm kiểu chữ đinh (J) gồm hai tòa Đại đình và Hậu cung. Năm 1964, hậu cung bị dỡ, mới phục hồi lại năm 1995. Đại đình gồm 5 gian, 2 dĩ với 60 chiếc cột làm bằng gỗ tốt, đại khoa, trong đó tứ trụ (4 cột) thì có 3 cột bằng gỗ lim, 1 cột bằng gỗ xoan. Cột cái có đường kính 0m80, cột con đường kính 0m61. Nền đình dài 25m80, rộng 14m20, bó đá xanh xung quanh… Kết cấu bộ vì chính của Đình Thổ Tang theo kiểu thức “chồng rường – giá chương”, liên kết phía dưới theo lối” thượng chồng cốn, hạ kẻ - bẩy”, đây là kiểu kiến trúc khá đặc trưng cho các ngôi đình có niên đại sớm (thế kỷ XVII - XVIII). Ngoài kiến trúc cổ đồ sộ, gia cố bền chắc, Đình Thổ Tang còn được trang trí bằng nghệ thuật chạm khắc cực kỳ tinh tế, sinh động với nội dung phong phú sâu sắc.
 
Đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc dân tộc ở đình Thổ Tang là mái cong hình thuyền; cấu trúc nhà sàn; kỹ thuật trong xây cất công trình gỗ; chọn hướng và thế đất; kiến trúc, tỷ lệ kiến trúc và con người; quá trình thích ứng với tự nhiên, khí hậu, thể hiện tư duy, thẩm mỹ, tâm lý của người Việt.
 
Ngoài ra, đình Thổ Tang còn lưu giữ một di sản mỹ thuật đồ sộ, là sự tiếp nối dòng chảy của mỹ thuật truyền thống, những khát vọng, mơ ước… của con người đương thời được phản ánh chân thực, sinh động, hồn nhiên qua những tác phẩm điêu khắc trên các thành phần kiến trúc.Trang trí kiến trúc ở đình Thổ Tang tập trung chủ yếu ở các kẻ hiên, kẻ, vì nách, đầu dư… với những đề tài chạm khắc khá phong phú và đa dạng.
 
Đồ án trang trí rồng chiếm số lượng lớn, bên cạnh các họa tiết hoa lá, mây nước cách điệu, ngoài ra còn những đề tài phản ánh sinh hoạt của con người hoặc hình tiên nữ cưỡi rồng, phượng. Các bức chạm khắc tiêu biểu như: “Tứ hiệu Thường Sơn” - hình bốn người đàn ông đang ngồi uống rượu quanh chiếc sập chân quỳ bên trên có để nậm rượu, hoa quả. Bức chạm đề tài đánh ghen, ba ông lão đánh cờ, cưỡi hổ, săn bắn, bơi thuyền, cảnh cày ruộng, đấu vật, tiên nữ múa, đá cầu, tập trận … và rất nhiều những hình ảnh thể hiện cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
 
Tiến Dũng - Lê Hoàn

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Tường đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.