Công việc hàng ngày của Thủ nhang Lê Huy Hiếu
Lê Huy Hiếu, 27 tuổi, được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến với tư cách là một trong những Thủ nhang trẻ tuổi nhất Vĩnh Phúc. Hiếu hiện đang là Thủ nhang (người cai quản các ngôi đền, phủ, vừa tổ chức các nghi thức hành lễ) đền Chân Suối (xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo).
Sinh ra ở xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), trong một gia đình gia giáo, bố mẹ thuần nông. Từ sớm Hiếu đã thấy mình có duyên với đền, chùa, lúc 7, 8 tuổi đã thích theo mẹ đến đền, chùa để chứng kiến mọi người làm các nghi lễ tín ngưỡng.
Trước khi trở thành một người Thủ nhang, Lê Huy Hiếu cũng như bao cậu học sinh khác cắp sách đến trường mà mơ ngồi giảng đường đại học. Năm 2007, Hiếu thi đỗ vào trường ĐH Nông Lâm nhưng không theo học mà chuyển qua yêu thích nghề nấu ăn. Cuộc sống thường nhật bình dị cứ trôi đi rồi đến ngày kia cơ duyên đến khi chàng đầu bếp chuyển hẳn qua làm một người Thủ nhang.
Lê Huy Hiếu tâm sự: "Bản thân mình đến với công việc này là một cái duyên. Mình nhận thấy rằng tín ngưỡng thờ mẫu là tín ngưỡng đậm đà bản sắc dân tộc".
Gia đình nhỏ hạnh phúc của Lê Huy Hiếu
Vào dịp giữa năm 2015, đi làm lễ cho một đoàn khách từ Hải Phòng ở Vĩnh Phúc khi di chuyển lên đỉnh núi Tam Đảo thì đoàn dừng chân tại đền Chân Suối, lúc đó đền Chân Suối tuy đã có từ lâu nhưng vẫn còn khá thưa thớt khách đến. Đoàn dừng chân làm lễ tại đền, trong quá trình làm lễ trời bỗng dưng đổ mưa lớn. Do mái đền lâu ngày không được tôn tạo nên đã hư hỏng, nước mưa dột xuống làm ướt vàng mã, đồ lễ và mọi người trong đoàn.
“Lúc đó mình rất buồn, cảm giác bất lực khi thấy thánh mẫu bị bỏ quên, bị nước mưa đang xâm phạm mà bản thân lại không làm gì được. Trong đầu mình chỉ có một khát vọng đó là làm sao có cơ hội được trông nom để tu sửa ngôi đền”. Hiếu nhớ lại.
Sau lần đó, Hiếu lặn lội từ Vĩnh Tường lên đền xã Hồ Sơn để hỏi thăm về những người quản lý của ngôi đền, đó là một nhóm người dân tộc trông nom và quản lý đền. Trước tình trạng xuống cấp của ngôi đền, Hiếu quyết định ra xã xin nhận lại trông nom.
Ban đầu, lãnh đạo xã rất hoài nghi về mục đích nhận đền của “người lạ mặt” nhưng khi nghe Hiếu trình bày ý trưởng về qúa trình xin tu bổ và quy hoạch lại ngôi đền thì một cuộc họp HĐND xã đã diễn ra. Quá trình cuộc họp là một buổi thuyết phục của Hiếu trước 11 đại biểu HĐND xã. Sau nhiều lần, nhận thấy được sự nghiêm túc và tâm huyết của chàng trai trẻ, xã Hồ Sơn chấp nhận cho Lê Huy Hiếu nhận lại đền để trông non và quản lý.
Nhận lại đền từ ban quản lý cũ, Hiếu biết mọi việc khó khăn chỉ mới bắt đầu. “Khi nhận đền Chân Suối từ BQL cũ thì hiện trạng đền khá xấu, ngôi đền chính đang xuống cấp nhanh, khu ăn ở, lưu trú thì tan hoang và gần như không có người ở, khuân viên đền ngập trong rác và cỏ dại, ban đầu tự mình phải dọn dẹp để có chỗ ngủ sau đó dân làng đến giúp thu dọn rác và phát quang cỏ dại xung quanh đền”.
Không chỉ dừng lại ở đó, cũng có vài lần có mấy người đến dọa nạt, cản trở hoạt động nhưng nhờ lòng kiên định của bản thân, sự ủng hộ của chính quyền và đông đảo nhân dân thì mọi việc cũng bước đầu đang dần đi vào quỹ đạo.
Hiện trạng đền Chân Suối khá xấu khi các công trình trong quá trình xuống cấp do không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Thủ nhang đền đã cùng nhân dân gia cố giúp đền vượt qua được mùa bão và hi vọng nhận được sự giúp đỡ của chính quyền cũng như các nhà hảo tâm công đức.
Theo Hiếu, gia đình chính là điểm tựa vững chắc nhất cho bản thân hoàn thành được công việc. Khi theo đuổi đam mê của mình thì quyết định liều lĩnh của chàng trai trẻ khi ấy đã vấp phải sự ngăn cản quyết liệt từ bố mẹ, thậm chí cả những lời dị nghị từ mọi người xung quanh: "Thực ra tâm lý của các bậc phụ huynh thường đặt nặng việc học hành và gia đình mình cũng vậy. Khi đỗ đại học, bố mẹ đã đặt rất nhiều kì vọng, nên lúc mình quyết định nghỉ học chuyển ngành, bố mẹ khá thất vọng, trách mình rất nhiều. Kể cả hàng xóm láng giềng cũng có ánh nhìn khác về mình. Hiếu tâm sự.
Hiếu cũng cho biết thêm: “Hiện tại, cuộc sống của mình đang rất tốt, gia đình bạn bè đã dần hiểu hơn công việc của mình và luôn ủng hộ mình. Điều đó làm mình rất vui và cảm động, phải có hậu phương vững chắc thì mới có thể theo đuổi đam mê được. Mình cũng hi vọng công việc của mình cũng đóng góp được nhiều cho xã hội”.
Cũng như mọi Thủ nhang khác, niềm vui của Hiếu là khi thấy mọi người đến dâng hương hành lễ có được sự thuận lợi và thoái mái. Tiếp nữa là hi vọng đền Chân Suối sẽ được quan tâm tu bổ từ các cấp chức năng và nhà hảo tâm công đức, trả lại giá trị to lớn về văn hóa cũng như lịch sử cho ngôi đền.
Từ thuở xa xưa. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ đạo giáo, tín ngưỡng lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hoá mang khuôn hình của người Mẹ, là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến.
Ngày nay, dưới góc nhìn văn hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu đã và đang được Nhà nước công nhận là di sản Quốc gia, đồng thời bộ hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể của nhân loại cũng đã được hoàn thiện với mong muốn vào cuối năm 2016, những tín ngưỡng văn hóa mang đậm dấu ấn của Việt Nam sẽ được cả thế giới công nhận.
Theo các nhà nghiên cứu Văn hóa Dân Gian thì Thủ nhang đồng đền từ bao đời nay là một chủ thể nghiễm nhiên, không thể tách rời của tín ngưỡng tứ phủ trong mối quan hệ cung - cầu với các cung văn và lực lượng đông đảo các ông đồng, bà đồng, thường qui tụ trong một tổ chức riêng gọi là bản hội. Đây là điểm khá thú vị trong tín ngưỡng tứ phủ cần được nghiên cứu, bảo tồn.
Tiến Dũng - Lê Hoàn