Đền thờ Linh Lang Đại vương, con trai thứ 4 của vua Lý Thánh Tông. Cần nhấn mạnh thần Linh Lang ở đây thuộc về đời Lý (để phân biệt với thần Linh Lang đời Trần được thờ ở đình Yên Phụ). Sinh thời, Linh Lang là thái tử con vua nên có câu sinh vi đế hóa vi thần. Khi ngài hóa thì đời Trần phù, đời Lê hộ. Đời Lý ông được phong là Linh Lang Đại vương, đời Trần là Bình Mông vương, đời Lê là Phối Đồng thiên địa. Trước đây, trong đền không thờ tượng thần Linh Lang, sau năm 1947, giặc Pháp đốt trụi đền, năm 1952, khi dân làng xây dựng lại đã tạc tượng ngài.

Lễ hội đền Voi Phục diễn ra vào tháng 2 âm lịch. Dân làng Thủ Lệ có tục kết chạ với dân làng Tổng thượng Thụy Chương (Thụy Khuê) và Tổng hạ Hào Nam (Hào Nam) bởi cùng thờ chung đức Linh Lang đại vương. Mùng 9-2 là ngày tế cáo yết để báo và thỉnh thánh về dự lễ cùng dân làng. Mùng 10-2 là ngày tế hóa (ngày hóa của thánh), dân làng Thủ Lệ đón Tổng thượng rước long đình xuống đền Voi Phục lễ giải. Ngày 11-2, Tổng hạ Hào Nam rước long đình lên đền Voi Phục lễ giải. Ngày 12-2, dân làng Thủ Lệ tổ chức rước long đình lên Tổng thượng Thụy Chương lễ giải. Ngày 13-2, dân làng Thủ Lệ tổ chức rước long đình xuống Tổng hạ Hào Nam lễ giải. Ngày 14-2, tế giã (kết thúc hội) tại đền Voi Phục.
Mùng 10-2 ngày hóa của thánh cũng là ngày mà mọi nghi thức trung tâm của lễ hội như rước sách, tế lễ được cử hành linh đình. Đám rước đền Voi Phục diễn ra từ nghi môn ngoại (cửa ngoài) vào tới nghi môn nội (cửa trong). Đi đầu đám rước là đội cờ (1 trống đại và 1 chiêng đi hai bên), rồi đến đội đồng văn, đội rước cỗ, tiếp đến là hai hàng chấp kích, phường bát âm, đội rước long đình, đội nghi trượng hộ giá long đình (đi hai bên), sau cùng là đội tế và các bô lão và người dân trong làng. Cai đám điều hành, quán xuyến toàn bộ đám rước, là người am hiểu nghi lễ, do dân bầu ra, không cần có chức vị trong xã hội xưa.
Cờ gồm có nhiều loại như cờ lệnh (1 chiếc), cờ tứ phương (4 chiếc), cờ bát quái (8 chiếc), cờ ngũ hành (5 chiếc), cờ long (1 chiếc), cờ hổ (1 chiếc). Cờ lệnh bao giờ cũng đi đầu. Cờ lệnh của đền Voi Phục thêu 4 chữ Hán Linh Lang Đại vương hoặc Tây trấn Thượng đẳng để thể hiện đây là một vị thần ở phía tây. Người cầm cờ lệnh phải là trai làng Thủ Lệ, đủ tuổi ra vọng lão (ngoài 49 tuổi), khỏe mạnh, vợ chồng song toàn và phải có đinh (con trai).
Sau đội cờ là trống chiêng là những đại khí nhạc, với âm thanh vang để dẫn đường cho đám rước. Trống và chiêng mỗi thứ gồm một chiếc, có thể được đặt trên giá kéo, nhưng có khi do hai người khiêng. Thủ hiệu là tên gọi của người đánh chiêng và trống. Trong đám rước, trống chiêng đánh điểm khoan thai. Trống là thỉnh, chiêng nhại lại. Trống đại diện cho dương, chiêng đại diện cho âm, là thứ âm thanh của trời đất.
Đội đồng văn đi sau gồm một cai đồng văn và bốn người đồng văn. Đồng văn là những cháu nhi đồng độ tuổi từ 11 đến 14. Ngày trước, khi nhắc đến vấn đề thần quyền, thờ thành hoàng thì lý trưởng áp đặt từng phe, từng giáp phải cử người đi. Trong cuộc sống hiện nay, việc chọn các cháu là rất khó, nên đồng văn thường phải sử dụng các bác tầm 40 đến 50 tuổi.
Cai đồng văn là người chỉ đạo, đánh trống khẩu (trống hai mặt có tay cầm, đánh bằng một dùi). Bốn đồng văn đánh trống bản (trống hai mặt, có dây đeo, đánh bằng hai dùi). Cai đồng văn đánh xướng bao nhiêu tiếng thì các đồng văn phải đáp trả lời bấy nhiêu. Nhịp trống có ba loại là nhịp một, nhịp ba và nhịp bốn. Đội trống đồng văn cử nhạc để rước cỗ. Đội đồng văn mặc áo nâu, khăn nhiễu đỏ, khăn dải màu xanh. Ngoài ra, đi cùng với đội đồng văn còn có đôi đĩ đánh bồng, là nét văn hóa độc đáo, mang bản sắc địa phương. Đánh bồng của Thủ Lệ, Thụy Khuê khác với đánh bồng của Yên Xá, Tân Triều. Đôi đĩ đánh bồng làm cho đám rước sinh động hơn. Theo tục lệ xưa, nữ giới không được tham gia vào tế lễ thành hoàng, nên nam giới phải mặc giả nữ để vào múa đánh bồng. Hai chàng trai đóng giả gái, mặt đánh phấn, môi son, độn ngực, đi lại ẻo lả, nói năng ỏn ẻn. Họ mặc áo vải, chít khăn mỏ quạ. Đạo cụ của người múa là trống cơm đeo trước bụng. Đánh trống chỉ là cách điệu. Động tác múa phải theo nhịp của đội đồng văn.
Trong đám rước còn có hai hàng chấp kích gồm bát bửu đại diện cho phe văn và lỗ bộ đại diện cho phe võ đi hai bên. Bát bửu là tám món quý báu gồm: hồ lô, quạt, gươm, gậy, giỏ hoa, hoa sen, ống sáo, sách ngọc. Lỗ bộ là nhóm đồ binh khí thời xưa, gồm: kích, chùy, bát xà mâu, phủ việt, long đao, tứ nhĩ, quả đấm. Ngoài ra, còn có biển viết bằng chữ Hán, một mặt ghi tĩnh túc nghĩa là yên lặng, mặt kia ghi hồi tị nghĩa là tránh ra xa. Đám rước là biểu tượng của đội quân, nên có biển Hồi tị để mọi người tránh ra.
Long đình là trung tâm của đám rước. Trên long đình có chân nhang hoặc bài vị biểu hiện cho thần ngự. Đội nghi trượng bao gồm 2 quạt sải, 2 kiếm sai, 2 quạt vả đi sát hai bên hộ giá long đình. Khi rước kiệu thánh, phường bát âm đi thành một hàng ở mép đường rước. Sinh tiền múa ở hai mép đường rước hoặc ở chính giữa thì phải múa lùi, quay mặt vào long đình. Đội nhạc là linh hồn của đám rước. Tiếng sáo véo von, tiếng nhị trầm bổng làm cho đám rước trở nên sinh động, đưa người tham dự vào thế giới tâm linh huyền ảo.
Người rước long đình gọi là hàng đô, tức trai tráng khỏe, chưa vợ, khoảng 18 tuổi, do tiên chỉ cắt cử. Trước hội khoảng một tháng, người ta tổ chức một cuộc chọn lựa. Đền Voi Phục có đấu đá cổ. Để được vào hàng đô, mỗi người phải nâng được đấu đá lên ba lần. Hàng đô chia thành hai nhóm thay phiên nhau để rước long đình. Mỗi nhóm gồm 1 cai hàng đô và 4 hàng đô. Cai hàng đô có độ tuổi từ 40 trở lên. Cai hàng đô đi ngang long đình, phải đi giật lùi, có nhiệm vụ đánh trống khẩu làm hiệu lệnh vì không được dùng khẩu lệnh. Khi hàng đô khiêng lên thì phải chịu sự chỉ huy của cai hàng đô, vì nếu anh lên trước, anh lên sau thì long đình sẽ đổ. Ngoài ra, trong đền còn có bát cống do 8 người khiêng. Bát cống mui trần, hai bên có lọng che. Bên trong đặt phong y (quần áo) tựa như hình thần ngồi. Hàng năm, người ta chỉ rước long đình, còn bát cống chỉ được rước vào kỳ đại hội từ đền Voi Phục về đình Hàng tổng (đình Vạn Phúc) khi hòa cốc phong đăng (thường 12 năm một lần).
Đi sau cùng trong đám rước là đội tế, các bô lão và dân làng. Các cụ bô lão ăn mặc đúng tuổi tác, ví dụ 79 tuổi chít khăn đỏ; 80 tuổi mặc áo đỏ, khăn đỏ; 90 tuổi trở lên mặc áo đỏ, quần đỏ, khăn đỏ. Đám rước chỉ kết thúc khi nghe thấy ba hồi chiêng trống báo hiệu chân nhang đã được yên vị ở trong hậu cung, cũng là lúc tế lễ chuẩn bị bắt đầu.
Các thành viên tham dự đội tế gồm 1 tế chủ, 2 bồi tế, 6 chấp sự, 2 thủ xướng (đông xướng, tây xướng) và thị lập. Số lượng tối thiểu của đội tế phải bảo đảm 13 thành viên, nhưng nếu đủ 20 người là tốt nhất. Khi vào tế, từ tế chủ cho đến các viên chức chấp sự đều phải đội mũ, mặc áo thụng xanh, đi hia chỉnh tề. Tế chủ là người làng Thủ Lệ, đủ tuổi ra vọng lão, gia đình hòa thuận, có nếp có tẻ (con trai, con gái) và phải có tư cách đạo đức tốt. Trước đây, ngoài việc coi trọng đức độ, tế chủ thường là người có chức sắc như ông cai, ông đội, lý trưởng... Tế chủ do bà con dân làng lựa chọn ra, là người quan trọng nhất trong buổi tế, điều khiển mọi nghi thức cũng như đại diện cho dân làng ẩm phúc (uống rượu) do thần ban.
Tế lễ đền Voi Phục tiến hành qua các nghi thức chính: khởi chinh cổ (chiêng và trống đánh 3 hồi 9 tiếng), thị lập tựu vị (hai người gác cửa vào vị trí), nhạc sinh tựu vị (phường bát âm và đội đồng văn vào vị trí, bắt đầu tấu nhạc), củ soát tế vật (kiểm tra lễ vật), nhạc sinh tựu vị (phường bát âm và đội đồng văn vào vị trí), quán tẩy (chủ tế, bồi tế, chấp sự rửa tay), thuế cân (lau tay), nghênh thần cúc cung bái (bái 5 lần), thượng hương (dâng hương), hành sơ hiến lễ (dâng rượu tuần một), đọc chúc (đọc chúc văn), hành chung hiến lễ (dâng rượu tuần hai), hành á hiến lễ (dâng rượu tuần ba), phần chúc (hóa chúc), ẩm phúc (tế chủ hưởng rượu), tạ lễ cúc cung bái (bái 5 lần) và lễ tất (kết thúc).
Người đọc chúc gọi là điển văn, là người làng Thủ Lệ, giỏi chữ Hán -Nôm, am hiểu lòng văn và không phạm kỵ (nhà không có người mất, vợ không có chửa). Nội dung chúc văn ca ngợi công đức của vị thần và thông qua đó nói lên ước nguyện của dân làng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đọc chúc xong có thể kết thúc lễ nhưng chưa trang trọng nên người ta phải cúng thêm hai tuần rượu nữa rồi mới hóa chúc. Ngoài ra, tục lệ còn quy định chậu quán tẩy bằng đồng, chậu hóa chúc bằng nhôm. Hai chậu này chỉ dùng vào việc quán tẩy và hóa chúc, tuyệt đối không được dùng vào việc khác.
Trong buổi tế, phường bát âm ngồi bên phải, đội đồng văn ngồi bên trái. Phường bát âm thuở trước gồm 8 nhạc cụ đại diện cho tám âm thanh tương ứng với bát quái. Kim - tiếng chuông thuộc cung đoài, thạch - tiếng khánh thuộc cung cấn, ty - tiếng đàn dây thuộc cung ly, trúc - tiếng sáo tre thuộc cung khảm, bào - tiếng sinh, kèn thuộc cung tốn, thổ - tiếng trống đất thuộc cung khôn, cách - tiếng trống da thuộc cung càn, mộc - tiếng mõ thuộc cung chấn. Ngày nay, phường bát âm của đền Voi Phục không đại diện cho 8 âm thanh mà chỉ gồm 8 nhạc cụ: 1 sáo, 1 nhị một, 1 nhị hai, 1 hồ, 1 đàn nguyệt, 1 đàn tam, 1 đàn tứ, 1 cảnh. Phường bát âm của đền chỉ đại diện cho ba âm thanh đó là ty của các loại đàn dây (nhị, hồ, nguyệt, tam, tứ), trúc của sáo và kim của cảnh.
Phường bát âm và đội đồng văn chơi nhạc trong các nghi thức của buổi lễ từ dâng hương, dâng rượu, đọc chúc, hóa chúc... Phường bát âm đảm nhiệm phần giai điệu, còn đội đồng văn đảm nhiệm phần tiết tấu. Riêng ở nghi thức cúc cung bái, chấp tửu (tế chủ rót rượu ra đài) thì chỉ đánh trống. Đặc biệt, nghi thức hóa chúc được thực hiện trên nền nhạc với sự tham gia của đàn nhị vuốt từ trên xuống dưới, trống đại đánh dồn dập tạo hình ảnh linh thiêng cho buổi lễ.
Phường bát âm đền Voi Phục đánh các bài như: Ngũ đối, Lưu thủy, Kim tiền. Bài Ngũ đối mang tính sôi nổi, đĩnh đạc nên được đánh trong đám rước hoặc khi tiến tước (chấp sự rước đài rượu vào trong hậu cung). Khi chấp sự đi trở ra, nhạc chơi bài Lưu thủy với tính chất nhẹ nhàng như dòng nước. Khi tế chủ về đến chiếu yên vị và hưởng ẩm phúc thì dàn nhạc sẽ đánh bài Kim tiền.
Trong các nghi thức quán tẩy, củ soát tế vật hay khi chấp sự tiến tước vào trong hậu cung còn có múa chinh tiền. Đạo cụ cũng là nhạc cụ chinh tiền xuất phát từ việc lấy đồng chinh Khải Định xâu thành. Múa chinh tiền do hai người nam đảm nhiệm vì nữ không được tham gia vào công việc cúng bái ở đình, đền. Múa ở đây là theo kiểu chải chuốt, chải là vuốt ở trên, chuốt là vuốt ở dưới. Người múa chinh tiền cũng đòi hỏi phải am hiểu âm nhạc. Người múa chinh tiền chỉ được múa ở chiếu ngoài, không được bước chân vào chiếu của tế chủ, vì coi đó là phạm thượng. Chiếu tế gồm 4 chiếc, phải là chiếu cạp điều. Thứ nhất là chiếu thần vị, thứ hai là chiếu tế chủ thụ tộ, thứ ba là chiếu tế chủ, thứ tư là chiếu bồi tế. Riêng chiếu thứ nhất tế chủ chỉ được đặt chân khi làm lễ, thượng hương, hiến tước, đọc chúc, hóa chúc. Bởi đây là chiếu thần nên phải được giữ linh thiêng hơn những chiếu khác.
Tham dự lễ hội đền Voi Phục, chúng ta phần nào hiểu hơn về đám rước và tế lễ cúng thành hoàng thật linh đình, long trọng và mang nhiều quy ước, luật tục ràng buộc. Đền Voi Phục là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long, cho đến ngày nay, người dân làng Thủ Lệ vẫn bảo lưu đậm nét truyền thống mà cha ông để lại. Đền Voi Phục mang những nét riêng trong thờ cúng thành hoàng, đây là nơi thờ vị thần có tước hiệu Thượng đẳng thần thuộc hàng Đương cảnh tứ dực thành hoàng là một trong bốn vị thần đứng đầu bốn phương, có tước vị cao nhất trong gần nghìn vị thần đang được thờ ở Hà Nội. Bởi vậy, nhiều đền khác trong lễ cúc cung bái chỉ lễ 4 lần thì ở đền Voi Phục lễ 5 lần vì thần Linh Lang là thái tử con vua. Tế lễ đền Voi Phục có tục kết chạ với đền Thụy Khuê và đền Hào Nam trong kỳ lễ hội. Ngoài ra, còn có tục kết chạ với 13 làng trại trong việc thờ thánh Lệ Mật tại đình Hàng tổng (đình Vạn Phúc), người đã có công di dân từ vùng Lệ Mật sang phía tây của kinh thành Thăng Long khai khẩn. Trong tế lễ của đền Voi Phục có hai thị lập gác cửa để canh không cho người ngoài vào đền khi thần làm việc. Nếu nghi thức tế diễn ra nghiêm trang thì trong đám rước bớt chặt chẽ hơn, đặc biệt đám rước của đền Voi Phục còn có tục hỉ hả, reo hoan thanh, nghĩa là sắp về tới đền mọi người reo vui. Năm 2009, đền Voi Phục đang được trùng tu và dự kiến hoàn thiện vào năm 2010, sẽ là một trong những điểm đến của người dân cả nước khi Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn năm tuổi.
Hồ Thị Hồng Dung
Tạp chí VHNT số 307