Thời ấy, con gái Trường Lưu vừa đẹp người, đẹp nết, lại chăm chỉ dệt lụa quay tơ nên các nam thanh, nho sĩ trong vùng đều muốn tới thăm, trước là để thử tài, sau thì cân sắc. Dần dà, Trường Lưu trở thành một trong những tụ điểm hát phường vải có tiếng tăm của vùng văn hóa Xứ Nghệ.
Người ta gọi hát ví phường vải là hát ví của những người quay tơ, kéo sợi. Dệt vải phải trải qua các công đoạn: dạt bông, bỏ hạt đem phơi khô, xe sợi, xe con cúi, quay tơ, kéo sợi và dệt vải cho ra thành phẩm. Chỉ có khi quay tơ, kéo sợi, người dệt vải mới có thể vừa làm việc vừa hát theo nhịp nhẹ nhàng, mềm mại của khung cửi. Nó cũng đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo cao. Điều độc đáo nữa đó là khung cửi thường được đặt giữa sân vào đêm trăng sáng. Họ kéo nhau từ nhà này sang nhà khác, rồi ra cả sân đình mà say sưa với câu hát. Giữa không gian bao la mà thanh thoát, người ta hát với người và cũng hát với đời. Câu hát ấm tình người và ấm cả đất trời.
Lối hát của ví phường vải cũng hết sức tinh tế, chia làm 3 chặng: từ hát chào, hát mừng rồi hát đố, hát đối và cuối cùng là hát mời, hát xe kết, hát tiễn. Nó như một câu chuyện giữa đời thực nhưng được xen bởi âm điệu ngọt ngào, câu hát dí dỏm mang ý nghĩa vừa thử thách vừa yêu thương. Ví phường vải Trường Lưu được đánh giá là lối hát chặt chẽ, quy củ nhất, có luật của lối giao duyên. Nó cũng khắt khe hơn bởi có sự tham gia của các nhà nho, các vị khoa bảng và các cậu học trò. Chính lời ca dung dị mà sâu sắc, những giai điệu thiết tha, trầm bổng quyện lẫn cả cái tình chân chất của người xưa gửi gắm mà khiến từng câu hát có sức lôi cuốn đến không ngờ.
Trò chuyện với phóng viên PhuongNam.Net.Vn, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Chủ tịch UBND xã Trường Lộc chia sẻ: Câu lạc bộ hát ví phường vải của Trường Lộc được thành lập từ tháng 8/2002 bao gồm 15 thành viên là các nghệ nhân, bà con nông dân, thanh thiếu niên đã tái hiện lại các các bước của một cuộc hát phường vải một cách dân giã, đậm chất tự nhiên của không gian văn hóa làng xã do nghệ sĩ ưu tú Lê Thị Hà làm chủ nhiệm.
Hàng tháng câu lạc bộ tổ chức 2 - 3 buổi dạy hát dân ca ví dặm cho các cháu. Phối hợp với Trường tiểu học xã thành lập Câu lạc bộ dân ca trong trường học gồm giáo viên và học sinh tham gia.
Câu lạc bộ cũng thường xuyên tham gia các hội diễn của tỉnh, huyện về hát dân ca ví dặm, phục vụ các đoàn tìm hiểu về các làn điệu dân ca. Năm 2013, phường vải Trường Lưu đạt giải A cuộc thi hát dân ca toàn tỉnh Hà Tĩnh, đại diện cho tỉnh Hà Tĩnh tham gia lễ vinh danh dân ca ví dặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Xã đã thành lập câu lạc bộ hát ví gần 4 năm. Các cụ già và cả thanh thiếu niên, nhi đồng rất yêu thích và có ý thức tham gia, vậy nhưng, khó khăn nhất vẫn là kinh phí. Xã đang kêu gọi sự đóng góp của con em xa quê để giúp câu lạc bộ hoạt động tốt hơn”, ông Tuấn nêu kiến nghị.
Tin chắc rằng, với sự khơi dậy, phát huy và gìn giữ, ví phường vải Trường Lưu sẽ có sức sống mãnh liệt như hàng thế kỷ qua.