Hát ví, giặm ở hồ Tây (Hà Nội). Ảnh: P.V
Tôi dù không đồng tình với “không gian đẹp” bên bàn nhậu mà bạn nói, vẫn nghe đi nghe lại vài lần clip ấy. Một giọng hát live, người đàn ông trung tuổi tay nhịp xuống bàn, vẻ mặt có nét vất vả cất lên giọng hát ấm, trầm, đầy xúc cảm. Dăm ba “ca sỹ” phụ hát bè, hát nối… rất tùy hứng. Đặc biệt, người cất tiếng hát trong clip ấy là một nghệ sỹ của Đoàn Kịch hát dân ca thuộc Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm xứ Nghệ.
Năm ngoái, anh bị hoại tử chân, bạn bè của anh là các học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã hết sức cố gắng để góp phần “cứu” đôi chân anh. Và bây giờ, anh có thể đến bữa tối với bạn bè, còn có thể cất lên tiếng hát. Điều tuyệt vời hơn cả là bạn bè có thể cùng nhau chia sẻ những vất vả, sau cơn đau bạo bệnh có thể cất lên những ân tình trong từng câu hát. Đơn giản vậy, nhưng tin rằng đó là một không gian thật đẹp dành cho ví, giặm - trong bạn, trong tôi…
Anh bạn khác đồng tình về không gian hẹp cho ví, giặm. Là khi anh đi một cuốc xe Uber khá dài, cả tiếng đồng hồ và anh tài xế đã hát ví, giặm suốt chặng đường đằng đẵng. Anh tài xế hát hay tuyệt và bạn sẽ không bao giờ quên được buổi biểu diễn đặc biệt ấy. Anh tài xế ấy vốn là sinh viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Nghệ An, ra trường không theo nghề - hay không sống nổi với nghề, mà Nam tiến và mưu sinh bằng việc chạy xe Uber. Bạn nói, nghe giọng anh tài xế đủ biết một tình yêu dành cho ví, giặm và chất giọng cũng “không phải vừa đâu”.
Còn không gian ví, giặm khác nữa, khi tôi nhớ tới câu chuyện của bạn tôi kể về những đêm chớm đông. Các bà, các chị thường nhóm bếp lửa ra giữa sân, tiếng lửa cháy phừng phừng, nổ tí tách, mùi tinh dầu nhựa cây còn sót lại bốc lên theo làn khói mảnh. Các bà các chị, dù đã xa lắc xa lơ những tháng ngày tuổi trẻ thì má vẫn hồng vì hơi nóng bếp lửa mùa đông, miệng vẫn hát “Ờ ơ… hoa đến thì hoa phải nở, đò đầy đò phải qua sông, đến duyên thì em phải lấy chồng”… sao mà ngọt và duyên đến thế. Đám trẻ con vừa mê mẩn ngồi nghe, vừa chờ củ khoai nướng vội, thơm phức lấy ra từ củi lửa. Bạn tôi là thằng nhóc ngồi chờ khoai ngày ấy, giờ hơn 30 tuổi rồi nhớ lại vẫn thèm nghe những giọng hát không chuyên bên bếp lửa hồng với chỉ vài củ khoai nướng là thành đại tiệc.
Tôi luôn ấn tượng về những đêm trăng hồi nhỏ, ngồi trong một khoảng sân xập xòe bóng lá chuối vây xung quanh như những chiếc quạt từ thiên nhiên, và bà tôi cất giọng khan khan, đôi khi lỗi nhịp hát theo tiếng loa làng xa xa: “Nơi mô mà nắng không khô, mà mưa không ướt…”. Bà tôi lúc ấy, mắt và môi cười tủm tỉm hồ như nghĩ về ngày tháng hát giao duyên xưa cũ. Hoặc những buổi sáng đầu năm, cậu tôi cõng tôi lên sân làng, bên cạnh rạp hát cũ Yên Sơn (Đô Lương), xem từng đôi nam thanh, nữ tú đánh đu, hát ví chào xuân. Tình yêu ví, giặm trong tôi len đầy từ thuở bé thơ ấy.
Không gian hẹp của tôi còn là chuyến tàu từ Sài Gòn về TP. Vinh những ngày giáp Tết. Khi tàu sắp vào ga Vinh, đi qua hồ Cửa Nam “nhà tàu” lại bật lên những khúc ví, giặm thân thương. Và lúc ấy, con bé sinh viên đếm ngược từng ngày, từng giờ được chạm vào phút cuối hành trình, bước chân về ga Vinh, thấy gương mặt dày những nếp nhăn lam lũ xô vào nhau trong nụ cười rạng rỡ của bố khi ra ga đón con gái… Cái rạo rực của niềm vui về quê ngày Tết, tới giờ đôi khi tôi vẫn nằm mơ thấy.
Không gian ví, giặm trong tôi còn là những tối giao thừa cùng bố qua đền Đức Ông xin lộc, nghe những nhà bên đường mở một khúc dân ca; là những sáng đầu năm thức dậy trong chăn ấm áp cùng mẹ, nghe vọng tiếng loa phường phát những bài ví, giặm. Những ngày xuân thư thả, cây nhú lộc mới, trời bớt âm u, và ví, giặm ngân nga lời yêu thương, dẫu chỉ là qua những băng đĩa cũ từ loa phường thôi cũng đủ nhớ, đủ yêu lắm lắm!
(Theo Nghệ An Online)