Qua một thời kỳ hoàng kim, cây chè lao dốc và người dân Tân Uyên từng có lúc không còn mặn mà với cây chè. Đầu thế kỷ 21, Lai Châu xác định cây chè là cây công nghiệp có nhiều tiềm năng để phát triển trên địa bàn huyện Tân Uyên. Vận hội mới, năm 2011, Huyện ủy Tân Uyên ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HU ngày 27/5/2011 về phát triển vùng chè nguyên liệu giai đoạn 2011-2015 nhằm phát triển vùng chè nguyên liệu với mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, mở rộng vùng nguyên liệu hiện có, tạo sản phẩm hàng hóa ổn định và có chất lượng cao. Để thực hiện thành công Nghị quyết phát triển vùng chè nguyên liệu, BCH Đảng bộ huyện đã chỉ đạo UBND huyện cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành kế hoạch thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Đi đầu trong việc khôi phục lại vị thế chè Tân Uyên phải nói tới Công ty cổ phần Trà Than Uyên mà tiền thân là Nông trường Quân đội, được thành lập ngày 07/03/1959 theo Quyết định số 14 của Bộ Tổng tham mưu với nhiệm vụ ban đầu là tiễu phỉ trừ gian kết hợp với khai hoang xây dựng kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng trên vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, để đáp ứng cho phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh, Công ty tiến hành cổ phần hoá lấy tên là Công ty cổ phần Trà Than Uyên, trực thuộc UBND tỉnh Lai Châu. Dưới sự chỉ đạo của HU, UBND huyện Tân Uyên, sự hỗ trợ đắc lực của Công ty cổ phần Trà Than Uyên, giai đoạn 2012-2015, Tân Uyên trồng mới 511 ha chè, nâng tổng diện tích chè hiện có lên 1.719 ha. Trong đó diện tích chè kinh doanh 1.250 ha, sản lượng đạt 11.900 tấn, tập trung chủ yếu ở các xã: Phúc Khoa, Mường Khoa, Thân Thuộc, Trung Đồng, Pắc Ta và thị trấn Tân Uyên. Các giống chè chủ yếu là chè Shan Tuyết, Kim Tuyên, chè PH8, chè Thanh Tâm. Năng suất chè trung bình toàn huyện 9,5 tấn/ ha, tại Công ty Cổ phần Trà Than Uyên năng suất cao nhất đạt 24 tấn/ha.
Song song với việc mở rộng phát triển vùng nguyên liệu chè, Tân Uyên và Công ty Cổ phần trà Than Uyên đã chú trọng phát triển thâm canh 105,4 ha chè sạch theo định hướng VietGAP. Thực hiện đổi mới dây chuyền công nghệ, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất, đầu tư dây chuyền chế biến chè xanh với công suất 80 tấn/ngày và dây chuyền chế biến chè đen chất lượng cao với công suất 20 tấn/ngày. Các sản phẩm chè chủ lực của huyện Tân Uyên, như trà xanh ướp hương, trà xanh, trà đen, trà Ôlong và trà Sencha đã dần xuất hiện trên thị trường. Do được quản lý, đầu tư và hướng dẫn quy trình chặt chẽ từ khâu chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp, hái đúng quy trình kỹ thuật đến khâu chế biến được duy trình theo hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ISO 22000 : 2005, đã tạo nên các sản phẩm đạt được chất lượng tốt nhất, an toàn đáp ứng với yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và thế giới. Hàng năm Công ty Cổ phần trà Than Uyên cung ứng ra thị trường trên 1.700 tấn chè khô các loại, trong đó xuất khẩu trên 450 tấn sản phẩm trà các loại sang thị trường các nước như Pakistan, Ấn Độ, Đài Loan, thu về trên 1 triệu USD.. và được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước. Hoạt động của Công ty cũng đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu chè Tân Uyên.
Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng cây chè Tân Uyên hiện nay đang tạo việc làm cho trên 2.300 lao động thường xuyên, nhất là Nhân dân các bản tái định cư. Thu nhập bình quân các hộ trồng chè ước đạt 43 triệu đồng/hộ/năm, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Với Tân Uyên, cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực và có tiềm năng của huyện, mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Đây cũng là tiền đề để đưa cây chè Tân Uyên trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh miền núi Lai Châu.