Về miền cực Bắc khám phá di sản văn hóa phi vật thể

07/07/2016 09:42

Theo dõi trên

Là tỉnh cực Bắc của Tổ quốc với rất đông đồng bào các dân tộc cùng sinh sống; điều này, tạo cho tỉnh ta sự độc đáo, đa dạng, phong phú về văn hóa truyền thống các dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, khi loại hình du lịch cộng đồng ngày càng phát triển và thu hút du khách; văn hóa truyền thống trở thành tiềm năng vô tận để phát triển ngành công nghiệp không khói, thúc đẩy sự phát triển KT - XH của địa phương thì những giá trị văn hóa ấy càng có cơ hội để bảo tồn và phát triển.



Nghi lễ cấp Sắc của người Dao ở Quang Bình.

Hiện nay, tỉnh ta được Bộ VHTT&DL công nhận 12 di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) của đồng bào các dân tộc thiểu số là Di sản VHPVT Quốc gia, bao gồm: Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn; Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô; Lễ cúng Thần rừng của người Pu Péo; Nghi lễ Cấp sắc của người Dao; Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông; Lễ hội Năm mới của dân tộc Giáy; Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang; Tết Khu Cù Tê của người La Chí; Lễ hội Quỹa hiéng (Lễ hội qua năm) của người Dao đỏ; Nghi lễ Then của người Tày; Nghệ thuật Khèn của người Mông; Kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông... Ngoài ra, tỉnh còn được Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 bảo vật Quốc gia: Bia chùa Sùng Khánh, Chuông chùa Bình Lâm (thời Trần), hiện lưu giữ tại chùa Sùng Khánh và chùa Bình Lâm (Vị Xuyên); Đôi trống đồng Lô Lô (Niên đại: Trống Đông Sơn nhóm D (khoảng Thế kỷ V).

Nếu lên với Hà Giang, hãy một lần tham gia vào các hoạt động lễ hội trên, để cảm nhận hết nét đẹp và những tầng sâu ý nghĩa trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân nơi đây. Họ không chỉ cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xua đuổi tà khí, chứng minh sự trưởng thành, mạnh mẽ, gan dạ... trong các nghi lễ dân gian mà còn thể hiện sự khéo léo, chịu khó và phản ánh đầy đủ đời sống của người dân địa phương khi chế tác dụng cụ khèn Mông, khi thực hiện tri thức thổ canh hốc đá hay tạo nên những tấm vải lanh độc đáo...

Tôi nhớ mãi ấn tượng trong một lần tham gia Lễ hội Nhảy lửa của người dân Pà Thẻn ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình). Trong cơn mê với bài cúng của thầy mo, những chàng trai khỏe mạnh, gan dạ nhảy múa trên đống lửa đỏ rực với đôi chân trần và cảm giác mạnh mẽ, hoang dại. Thật khó để lý giải về sức mạnh siêu nhiên đã giúp họ làm được điều phi thường ấy, chỉ biết rằng với người Pà Thẻn, đây là dịp để các chàng trai thể hiện sức mạnh, lòng dũng cảm, sự chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển. Trải qua thời gian, Lễ hội Nhảy lửa trở thành tục lệ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, một nét văn hóa mang đậm sự hoang sơ, huyền bí làm nên sự đa dạng, độc đáo cho nền văn hóa Việt Nam.

Trải qua cung bậc cảm xúc bất ngờ, sợ hãi, khâm phục khi những chàng trai Pà Thẻn lao vào đống lửa, du khách có thể khám phá những âm thanh thôi thúc, gọi mời của tiếng khèn Mông xao xuyến gọi bạn tình trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Chẳng biết tự lúc nào, tiếng khèn Mông đã trở thành niềm tự hào, là vật dụng không thể thiếu của các chàng trai người Mông khi xuống chợ, khi gọi bạn tình hay khi đi lễ hội. Từ cụ già đến những đứa trẻ nhỏ, bất kể lúc nào cầm chiếc khèn trên tay đều có thể nhảy múa điêu luyện với những âm thanh thao thức, xốn xang của núi rừng cao nguyên. Chiếc khèn đã trở thành biểu tượng văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mông, nhiều làng bản trên Cao nguyên đá hiện nay có nghề chế tác khèn Mông thu hút đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu.

Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là các di sản VHPVT, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp hiệu quả như: Xây dựng các đề án bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng hồ sở tri thức thổ canh hốc đá trình Unesco cộng nhận là di sản văn hóa của nhân loại; khôi phục các lễ hội; nâng cấp quy mô và tổ chức thành lễ hội thường niên; phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian trong việc bảo tồn, tuyền dạy văn hóa cho thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay, sự du nhập của nhiều luồng văn hóa ngoại lai không được chọn lọc là điều khó tránh khỏi, nó đang khiến cho một số giá trị di sản văn hóa bị mai một. Bởi thế, ngoài những giải pháp đang làm, tỉnh ta cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về di sản văn hóa nhằm nâng cao ý thức của toàn xã hội, của các cấp, các ngành; tạo điều kiện để người dân tự ý thức và ứng xử với di sản văn hóa của dân tộc mình theo tư cách những chủ nhân đích thực của di sản; hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, cá nhân và nhóm cộng đồng để họ tập luyện, truyền dạy, phổ biến di sản VHPVT cho thế hệ trẻ; tuyên truyền giá trị, ý nghĩa của lễ hội để nâng cao nhận thức của nhân dân, du khách khi tham quan, hành lễ; gắn lễ hội với phát triển du lịch để góp phần quảng bá giá trị của di sản.

(Theo Baohagiang.vn)

Bạn đang đọc bài viết "Về miền cực Bắc khám phá di sản văn hóa phi vật thể" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.