Phú Lễ không chỉ nổi tiếng với đình làng mà còn sản sinh những làng nghề độc đáo. Làng nghề đan lát là một trong số ấy, với không dưới trăm năm tuổi. Nhờ vào nguồn nguyên liệu tre, trúc dồi dào, phong phú với đôi tay khéo léo, từ xa xưa người Phú Lễ đã biết đan cái thúng để đựng lúa, cái bung đặt cá tép, cái rế để nồi cơm, cái rổ đựng rau, cái bội nhốt gà...
Ngoài ra, người dân Phú Lễ tự hào vì vẫn giữ được điệu hát sắc bùa độc đáo và nghề kháp (nấu) rượu với bài hồ men từ 36 vị thuốc quyện cùng nếp mùa Ba Tri, được mệnh danh là một trong những loại nếp ngon nhất Đồng bằng sông Cửu Long và nguồn nước mát lành từ Phú Lễ.
Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia ẩm thực, rượu Phú Lễ mang nét hào sảng phóng khoáng, đậm chất nghĩa tình của người miền Tây Nam bộ, lại phảng phất nét sang cả của thứ “Ngự tửu” tiến vua. Thứ rượu ấy là kết tinh nguồn nước tinh khiết từ vùng đất chín rồng, chắt chiu từng hạt nếp óng mẩy - loại nếp mùa dài ngày ngon thượng hạng, dẻo mềm - của miền đất châu thổ phù sa.
Ông Trần Anh Thuy - một doanh nhân gắn liền với làng nghề nấu rượu Phú Lễ lâu năm cho biết: “Chúng tôi lấy làm tự hào vì có thể giữ vai trò “người tiếp lửa” cho hoạt động gìn giữ bản sắc quê hương, cùng với chính quyền và người dân địa phương, đã giúp cho ngành nghề, giá trị truyền thống không bị thất truyền”.
Giờ đây, khi đến Phú Lễ, du khách không chỉ có cơ hội tham quan những làng nghề truyền thống mà còn có thể chọn cho mình một loại “ngự tửu” xưa mà hiện đại để làm quà. Với hơn 200 đầu việc được tạo ra từ các làng nghề, cuộc sống người dân không chỉ sung túc mà còn gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống đáng trân trọng từ nghìn xưa.
Những làng nghề trăm tuổi là những “bảo vật” vô hình của Bến Tre, để vùng đất này không ngừng thu hút khách phương xa. Trải qua bao thăng trầm nhưng với tâm huyết của những người muốn gìn giữ nét truyền thống, Phú Lễ nay lớn mạnh hơn và vẫn giữ được nét duyên xưa: Phóng khoáng mà tinh tế.
(Theo baodulich.net.vn)