Văn Miếu xứ Quảng

30/09/2016 09:11

Theo dõi trên

Di tích này được khởi công xây dựng ngày 14 tháng 6 năm Canh Tý - Minh Mạng thứ 21 (1840) tại xã Chiên Đàn, huyện Hà Đông (nay là huyện Phú Ninh - TP Tam Kỳ - tỉnh Quảng Nam); khánh thành ngày 20 tháng 1 năm Tân Sửu (1842).


Toàn cảnh Văn thánh Khổng Miếu

Theo tài liệu ghi lại, Văn Miếu được các quan viên, chức sắc, nhân sĩ ở Hà Đông xưa vận động xây dựng để tỏ lòng thành kính với Đức Khổng tử, tôn vinh tư tưởng Nho gia, phát huy truyền thống hiếu học, động viên, khuyến khích con cháu học tập. Trải qua hai cuộc chiến tranh và thiên tai Văn Miếu xứ Quảng đã bị hư hỏng. Để tiếp tục truyền sự hiếu học cho thế hệ sau, năm 1963, các quan viên chức sắc đã di dời Văn Miếu vào phía Nam khoảng 2km, thuộc làng Mỹ Thạch, xã Kỳ Hương, tỉnh Quảng Tín cũ (nay là phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ). Văn Miếu được khởi công xây lại trên một khu đất rộng 6.200m²; các hạng mục được trùng tu, phục dựng gồm Miếu chính, tháp chuông, tháp trống theo nguyên trạng; lấy tên là Khổng Miếu và hoàn thành năm 1970. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, di tích có tên đầy đủ là Văn thánh Khổng Miếu cho đến nay.

Văn thánh Khổng Miếu sau khi phục dựng gồm các hạng mục chính điện, hậu điện, tháp chuông, tháp trống, hai dãy nhà cầu, nhà cổ dân gian Quảng Nam, cầu bắc qua hồ sen và cổng Tam quan. Chính điện được xây dựng theo lối kiến trúc 3 gian 2 chái, trên mái trang trí hình nhị long tranh châu; bốn góc mái có gắn hình tượng những đám mây cách điệu. Hai bên bậc cấp vào chính điện và hàng cột trước chính điện đều được trang trí hình rồng, có cẩn mảnh sành và tô vẽ màu rực rỡ sắc sảo. Bên trong chính điện làm bằng gỗ mít, kết cấu theo lối kiến trúc cổ và được chạm khắc tinh xảo; gian chính giữa thờ đức Khổng Tử, còn lại thờ các vị tiên triết, tiền hiền, tiên Nho. Chính điện còn thường sử dụng vào việc huấn đạo, dạy học và hành lễ.

Hai dãy nhà cầu hai bên được lợp ngói âm dương (phục dựng năm 2011), được chống đỡ bằng các trụ cột bằng gỗ kiền kiền. Nơi đây dùng để che nắng, mưa cho những chức sắc, người dân đến tế lễ vật vào miếu chính, cũng như xem hội dân gian cờ tướng, cờ người, hô hát bài chòi, dân ca... Hai ngôi nhà cổ dân gian kề hồ bán nguyệt (phục dựng năm 2011) với kiến trúc nhà truyền thống 3 gian 2 chái; bên trong có nhiều đường nét chạm khắc gỗ, mái ngói âm dương được thể hiện qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làng mộc Hội An. Vào dịp tế lễ, ngôi nhà cổ dân gian được sử dụng làm nơi chuẩn bị lễ vật, bày biện các lễ nghi trước khi đưa vào chính điện tế lễ. Nơi đây còn dùng để hội họp, thi họa, thi cờ; là nơi tín hữu dừng chân trước khi tiến hành lễ, đồng thời để trưng bày một số nội dung, hình ảnh tôn vinh thân thế, sự nghiệp của các nhân vật lịch sử, những tấm gương hiếu học thành tài, có đức của người Hà Đông xưa - Tam Kỳ nay.



Chính điện Văn thánh Khổng Miếu

Vào dịp lễ hội tháng Giêng hằng năm, Văn thánh Khổng Miếu thường diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, tôn vinh truyền thống hiếu học xứ Hà Đông, khuyến khích sự học như: Đêm thơ Tết Nguyên Tiêu, hô hát bài chòi, các trò chơi dân gian giải trí… Vào dịp tháng 7 âm lịch hằng năm, nơi đây tổ chức phát thưởng giải thưởng Phan Chu Trinh - giải thưởng cao nhất của TP Tam Kỳ tôn vinh khuyến học, khuyến tài.

Văn thánh Khổng Miếu là quần thể di tích kiến trúc lịch sử văn hóa nghệ thuật, hội tụ nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc vùng xứ Quảng. Đây là một điểm đến hấp dẫn đối với khách tham quan, cũng như những nhà nghiên cứu lịch sử, kiến trúc có dịp đến với thành phố Tam Kỳ. Tháng 4/2007 Văn thánh Khổng Miếu đã được Bộ VHTT công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

(Theo Báo Du Lịch)

Thanh Hoàng
Bạn đang đọc bài viết "Văn Miếu xứ Quảng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.