Văn Miếu - Quốc Tử Giám được “làm mới” gây phản ứng trái chiều

10/01/2017 14:06

Theo dõi trên

Màu vôi mới của Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ gây tranh cãi trong dư luận mà còn nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia lịch sử.

Mấy ngày nay, một số hạng mục của Văn Miếu - Quốc Tử Giám được quét màu vôi mới khiến nhiều người dân và du khách tỏ ra ngỡ ngàng và băn khoăn thậm chí thất vọng. Trả lời về vấn đề này, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho rằng, đây là hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ các hạng mục đã bị xuống cấp.

“Việc làm này đã được lên kế hoạch và đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đồng ý”. Ông Lê Xuân Kiêu cũng đính chính rằng đây không phải là sơn mà là lớp vôi truyền thống có lẫn than bùn, hoàn toàn không có hóa chất. Đây là cách bảo tồn mà Ban quản lý các di tích lịch sử ở Hà Nội vẫn được làm hàng năm.




Nhiều người dân ngỡ ngàng với hình ảnh "mới" của Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Trao đổi về vấn đề này, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho rằng, đã đến lúc người Việt cần phải thay đổi quan niệm về việc “tôn tạo và phát triển” các di tích lịch sử. “Cần phân biệt tính mới và tính cũ của một công trình văn hóa. Màu sơn có thể mới nhưng hồn cốt, giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì vẫn còn nguyên vẹn”.

Trước những phản ứng trái chiều của dư luận về “vẻ đẹp mới” của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông chia sẻ: “Chúng ta đang đứng trước những quan điểm trái chiều thường thấy trước bất cứ một sự thay đổi nào của một công trình di tích lịch sử. Quan điểm “giữ nguyên cái cũ” hay “làm mới cái cũ” thời nào cũng có. Nhiều năm trước, khi Ô Quan Chưởng được tiến hành tôn tạo và làm mới, những người chủ trương thực hiện cũng đã bị chỉ trích rất nhiều. Cổng thành nhà Mạc ở Tuyên Quang khi làm mới cũng bị chê là giống “Cái lò gạch mới”.



Giáo sư Lê Văn Lan

Những ý kiến đó sau nhiều năm người ta thấy là họ đã sai. Kinh nghiệm nghiên cứu của tôi cho thấy, ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, những di tích lịch sử năm trăm, một nghìn năm của họ đều có lịch trùng tu và tôn tạo theo thời gian. Và công việc này là phổ biến, thường niên. Họ làm mới cái cũ, làm chúng đẹp lên, thậm chí khoác lên chúng vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ, sặc sỡ và họ rất tự hào về điều đó. Nhưng ở Việt Nam của chúng ta, nhiều người lại tỏ ra không thích. Đây là vấn đề thị hiếu. Với họ, đã là di tích lịch sử thì phải cũ kỹ, nâu sồng, mộc mạc.

Thực tế, Văn Miếu Quốc Tử Giám khi mới được xây dựng cũng mới mẻ, đẹp đẽ và lộng lẫy. Qua thời gian, khi công trình bị cũ đi thì việc tôn tạo là điều đương nhiên”, GS Lê Văn Lan khẳng định.  



Một cổng vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám được sơn mới vênh với bức tường rào gạch

Không đồng quan điểm với GS Lê Văn Lan, GS Hoàng Minh Đô, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa và Tín ngưỡng lại cho rằng ông quá thất vọng về màu sơn mới của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Theo quan điểm của ông, một công trình văn hóa cổ nên giữ lớp sơn màu rêu phong đã đi vào tiềm thức của nhân dân. “Tại sao phải thay đổi một hình ảnh quen thuộc đã được nhân dân và du khách yêu thích, trân trọng bao đời nay?”, GS Hoàng Minh Đô đặt câu hỏi.

Theo GS Đô, vẻ cổ kính mới chính là vẻ đẹp đích thực, nó làm nên sự thu hút, hấp dẫn của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đối với du khách./.

(Theo VOV.VN)

Đào Bích
Bạn đang đọc bài viết "Văn Miếu - Quốc Tử Giám được “làm mới” gây phản ứng trái chiều" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.