Ảnh minh họa. Nguồn: vov.vn.
Những ngày qua chắc hẳn ai cũng biết đến xung quanh sự việc một nữ ca sỹ đã có lời lẽ thiếu cẩn trọng với nghệ sĩ lớn tuổi. Sự việc dường như được đẩy đi khá xa. Tuy nhiên nếu nhìn lại, đây không phải lần đầu tiên trên truyền hình xuất hiện lối phát ngôn chưa “đẹp” đó. Bởi đã từng không ít các nghệ sĩ bị lên án, chỉ trích về cách hành xử cũng như phát ngôn thiếu văn hóa của mình. Từ việc “đá xéo” lẫn nhau hay thiếu tôn trọng với đồng nghiệp gạo cội.... Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy thoái đạo đức, cần chấn chỉnh lại văn hóa phát ngôn của các nghệ sĩ trẻ.
Văn hóa ứng xử nói chung trong đó có văn hóa phát ngôn là một kết tinh của dân tộc, được truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng để thích nghi với cuộc sống hiện đại và bắt kịp xu thế cũng cần học hỏi từ nhiều nền văn hóa khác nhau, nhiều ngành công nghiệp giải trí khác nhau trên thế giới. Cũng từ đó mà văn hóa - nghệ thuật cũng cởi mở hơn, tư duy của các nghệ sĩ thay đổi. Tất nhiên nếu thay đổi theo chiều hướng tích cực thì không có gì đáng bàn, nhưng họ nhầm lẫn giữa việc áp dụng tư duy thoải mái, bớt khắt khe cho phù hợp với sự phát triển chung của giải trí thế giới với việc bất cần ngay cả với hình ảnh, lời ăn tiếng nói vốn có sự định hình khác biệt với văn hoá, lối sống của các nước bạn. Tạo cho mình ánh hào quang “ảo” với mục đích đánh bóng tên tuổi và được nổi tiếng.
Ảnh minh họa. Nguồn: giaitri.vnexpress.net.
Thêm nữa, sự bùng nổ của mạng xã hội, điển hình là facebook đã làm cho các khán giả hay nghệ sĩ đều có thể “ẩn thân” sau những nickname, tên ảo…, thoải mái bình luận, tranh cãi, tạo nên thói quen tranh luận không cần biết ai là người đang đối thoại với mình, không có trên có dưới, khiến cách nhìn nhận về tư duy, lối cư xử trở nên lệch lạc.
Sự khác biệt lớn nhất giữa nghệ sĩ với người bình thường là ở sức ảnh hưởng của họ tới công chúng. Đặc biệt khi họ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Bởi mỗi lời nói, hành vi của họ đều được theo dõi, có tác động tới suy nghĩ, nhận thức của số đông. Tiếc rằng hiện nay, cái tốt chưa có nhiều mà những cái xấu, thiếu văn hóa, đi ngược lại thuần phong mỹ tục lại nảy sinh với tốc độ chóng mặt, khiến nhiều người bắt chước một cách vô tội vạ, thậm chí trở thành trào lưu “hot”. Nhiều nghệ sĩ trẻ đang hành nghề với “phông văn hóa” thấp. Họ chú trọng nhiều tới công nghệ lăng-xê, tìm các chiêu trò, phát ngôn gây sốc để gây chú ý của dư luận.
Đành rằng không có quy định nào cho việc phát ngôn của họ bởi đó là quyền tự do ngôn luận nhưng trong dân gian đã có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, hay “Lời nói chẳng mất tiền mua…” thì điều đó có nghĩa lời nói, văn hóa “nói” - văn hóa phát ngôn cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Người nghệ sĩ phải lấy chuẩn mực đó làm lề lối cho chính mình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Một Thế Giới
Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng không phải ngẫu nhiên mà người ta phân biệt nghệ sĩ văn hóa với nghệ sĩ giải trí và giữa họ luôn có những tư duy đối lập nhau. Có thể cho rằng điều đó do khoảng cách thế hệ, cách tiếp nhận văn hóa khác nhau, hoàn cảnh lịch sử, xã hội khác nhau. Nhưng tại sao khi nhắc đến quá khứ, chúng ta nhớ ngay đến những chặng đường nghệ thuật vang bóng, lẫy lừng, đầy ấn tượng, để lại dấu ấn mãi không phai. Còn hiện tại, nói đến showbiz, người ta sẽ nghĩ ngay đến scandal, chiêu trò, hào quang một sáng một chiều? Đó là câu hỏi mà các nghệ sĩ trẻ cần suy xét.
Con người luôn chịu tác động rất lớn từ môi trường sống. Đối với nghệ sĩ, chuẩn mực đạo đức xã hội quy định danh tiếng của họ. Vì thế, thiết nghĩ đã đến lúc họ cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập để có những điều chỉnh phù hợp trong văn hóa phát ngôn nói riêng cũng như cách hành xử nói chung của mình, để hình ảnh những nghệ sĩ thực sự gắn với sự văn minh, hiện đại mà không làm mai một nét văn hóa truyền thống vốn có. Từ đó tạo dựng những chương trình truyền hình trong sạch, lành mạnh, giúp khán giả mở rộng tầm tri thức, học hỏi điều tốt, trau dồi và tiếp thu nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu trong cuộc sống.