Vốn là nơi đất lành, được thiên nhiên ưu đãi, cùng với những con người dám nghĩ, dám làm, dày công tạo dựng, du lịch Đồng Tháp vừa mang những đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long, vừa có những nét chấm phá riêng. Đó là một Đồng Tháp với những đồng Sen bạt ngàn ngay dưới chân Khu di tích quốc gia cấp đặc biệt Gò Tháp, những khu rừng tràm nguyên sinh ở di tích Xẻo Quýt. Hay cây Sen đan xen trên những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, tạo nên điểm nhấn rất riêng.
Bên cạnh ruộng lúa vàng, những vườn cây ăn trái trĩu quả, Đồng Tháp còn nổi tiếng với những ruộng sen. Sen trồng thành ruộng, sen trồng lên những cánh đồng bạt ngàn, sen lên phố rồi vào sân, vào nhà của người dân Đồng Tháp.
Trong đời sống văn hoá truyền thống dân gian, với nếp sinh hoạt thì người dân Đồng Tháp thường dùng hoa sen để trưng bày, trang trí cúng lễ, hội họp quan trọng…
Riêng về ẩm thực sen được “tận dụng” triệt để. Lá sen già để gói cơm, gói bánh…đọt sen non dùng để ăn với cá lóc nướng trui giữa bát ngát hương đồng miền Tây thì không còn gì bằng. Rồi hạt sen làm mứt, làm bánh, nấu chè, hầm các món mặn; củ sen thì nấu canh, nấu tiềm, làm dưa; ngó sen làm gỏi, nấu soup; tim sen tuy thấy đắng nghét tưởng chừng vô dụng lại làm thuốc an thần, râu sen thì dừng ướp trà, cùng vô số món từ sen khác được chế biến đặc sắc, qua sự khéo léo chế biến của bàn tay người nội trợ…
Về Đồng Tháp ăn sen, uống sen…thưởng thức mĩ vị từ sen, đó là nét đặc trưng văn hoá ẩm thực đặc sắc của vùng đất Sen này mà không phải nơi nào cũng có được. Tình người đất Tháp với sen cũng không khác chi tình người nông dân gắn bó với cây lúa nước từ ngàn xưa.
Và cũng chính những tình cảm và sự gắn bó này là động lực thôi thúc người dân Đồng Tháp hôm nay quyết tâm viết lên một câu chuyện mới cho cây sen, câu chuyện về sen trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.