Vai trò của truyền thông đại chúng trong xây dựng, phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

28/07/2022 08:18

Theo dõi trên

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), APEC, Liên hợp quốc, ASEAN, tham gia nhiều “sân chơi” mới, có nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với sự phát triển của kinh tế, vị trí của truyền thông đóng vai trò quan trọng.

anh-minh-hoa-diu-1658971047.jpg
Ảnh minh họa - nguồn: baochinhphu.vn

1. Vai trò của truyền thông đại chúng trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay

Truyền thông đại chúng là hoạt động giao tiếp xã hội rộng rãi, được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng bao gồm: sách, báo in, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, internet, băng - đĩa hình và âm thanh (1). Trong giai đoạn hiện nay, truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Truyền thông đại chúng là một mặt trận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng

Truyền thông đại chúng được nhận định là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, truyền thông đại chúng là một trong những lực lượng hàng đầu, là diễn đàn để Đảng ta định hướng tuyên truyền, lãnh đạo tư tưởng chính trị đối với Nhà nước và xã hội.

Truyền thông đại chúng là một mặt trận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, đóng vai trò then chốt bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần xã hội có sự đóng góp không nhỏ của báo chí, truyền thông nước nhà. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định với đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (2). Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đều được thông tin nhanh chóng, sinh động đến người dân qua nhiều kênh thông tin khác nhau.

Truyền thông đại chúng bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Trong bối cảnh mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (3), “Phấn đấu đến giữa TK XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (4).

Dưới góc độ của truyền thông đại chúng góp phần “Bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” (5), tạo sự đồng thuận trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, lan tỏa tri thức, những thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống, cổ vũ tinh thần nhân dân, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Truyền thông góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

Vai trò của truyền thông đại chúng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là rất lớn. Đại hội XIII đánh giá: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí, xuất bản có chuyển biến tích cực; việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (6). Những năm qua, hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân được nâng cao; công khai kết quả xử lý, tăng cường định hướng dư luận. Nhiều vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội; truyền thông đại chúng tập trung đưa tin công khai, minh bạch, thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo của Trung ương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã được nhân dân ủng hộ nhiệt liệt, tăng cường niềm tin của nhân dân; đồng thời có tác dụng cảnh cáo, răn đe, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương. Không chỉ làm tốt công tác đưa tin, báo chí truyền thông cũng cung cấp thông tin và phối hợp với với các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Công an trong phát hiện các sai phạm, dấu hiệu tội phạm, góp phần đưa các vụ án ra ánh sáng.

Truyền thông đại chúng góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam ra thế giới

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), APEC, Liên hợp quốc, ASEAN, tham gia nhiều “sân chơi” mới, có nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với sự phát triển của kinh tế, vị trí của truyền thông đóng vai trò quan trọng. Phát huy vai trò của công tác truyền thông giúp thế giới hiểu hơn về đất nước, con người, về những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam; nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế của đất nước ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thực hiện tốt công tác truyền thông còn góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm ổn định kinh tế, xã hội.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Đại hội XIII là: “Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực” (7). Những thành tựu phát triển đất nước mà Việt Nam đạt được, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đã được thế giới biết đến qua nhiều con đường khác nhau và cùng với con đường ngoại giao thì truyền thông đại chúng cũng có nhiều đóng góp lớn giúp quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam ra thế giới, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, từ đó cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế cho Việt Nam.

Truyền thông góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch và định hướng dư luận xã hội theo đúng hướng

Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại… Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục” (8).

Truyền thông góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm “lấy xây làm chính” nhằm ngăn chặn hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Ngày càng có nhiều các chuyên mục, chuyên trang với những bài viết, chương trình phát sóng mang nội dung chuyên biệt phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, được các cơ quan báo chí tổ chức. Trung bình mỗi năm trên các chuyên mục đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của báo chí cả nước có hàng nghìn tác phẩm được đăng tải, phát sóng. Nhiều tác phẩm được thực hiện công phu, lập luận chặt chẽ, đưa ra được những luận cứ, luận điểm sắc bén bảo vệ tính đúng đắn, khoa học trong đường lối, chủ trương của Đảng, phản bác kịp thời những luận điệu sai trái, góp phần đáng kể vào cuộc đấu tranh ngăn chặn sự phá hoại tư tưởng nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Báo chí luôn quán triệt quan điểm kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính; kết hợp giữa đấu tranh phản bác cái sai, cái lệch lạc với bênh vực, bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái tiến bộ, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

2. Một số phương hướng phát huy vai trò của truyền thông đại chúng góp phần xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Đại hội XIII của Đảng đánh giá, những năm qua, truyền hình, thông tấn, báo chí Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng cao, thông tin kịp thời các hoạt động chính trị, xã hội, tình hình kinh tế đất nước và đời sống của nhân dân. Điều đó mang đến nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Để tiếp tục phát huy vai trò của truyền thông đại chúng nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, nên tập trung vào một số phương hướng sau:

Một là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, truyền thông

Đây là yêu cầu mang tính tất yếu, khách quan trong bối cảnh đất nước và thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề mới đặt ra do sự phát triển của xu thế truyền thông. Vai trò, trách nhiệm, năng lực của các cấp ủy Đảng cũng như trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong quản lý, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông cần được chú trọng hơn nữa, đặc biệt, thông qua nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, truyền thông nhằm “nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội” (9).

Hai là, hoàn thiện các quy định của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực báo chí, truyền thông

Tiếp tục hoàn thiện các quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực báo chí, truyền thông, nghiên cứu và xây dựng bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực này. Trong đó, vấn đề về thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí, truyền thông cần được làm rõ; các vấn đề liên quan đến không gian mạng, an toàn thông tin mạng cần có quy định quản lý cụ thể và chặt chẽ. Điều đó giúp cho môi trường hoạt động của truyền thông đại chúng trở nên chuyên nghiệp hơn, thuận lợi hơn trong quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng và phát huy sức ảnh hưởng to lớn của truyền thông đại chúng.

Ba là, truyền thông đại chúng chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận

Các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, đặc biệt gắn với nhiệm vụ “coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng” (10). Đại hội XIII xác định cần thiết phải “đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động định hướng thông tin tuyên truyền của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; triển khai mạnh mẽ, rộng rãi thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng” (11), thông qua nhiều hoạt động khác nhau, đặc biệt là thông qua giải báo chí về xây dựng Đảng mang tên “Búa Liềm Vàng”, “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”… Bên cạnh đó, báo chí, truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Truyền thông đại chúng tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang, dự báo sát và chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận; chủ động cung cấp thông tin chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng chống thông tin xấu, độc trên internet; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Báo chí, truyền thông phải phát huy hơn nữa vai trò của văn học, nghệ thuật trên mặt trận tư tưởng; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ phục vụ công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh tư tưởng trên môi trường không gian mạng. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh, cần: “Nâng cao chất lượng, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin” (12).

Bốn là, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm truyền thông vừa có đức, vừa có tài

Cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và hiểu biết về quan hệ quốc tế. Yếu tố con người luôn là chìa khóa quan trọng cho mọi sự thành công, vậy nên muốn phát huy tốt vai trò của truyền thông đại chúng thì cần một đội ngũ người làm báo chí, truyền thông giỏi về chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Sự bùng nổ thông tin như hiện nay đòi hỏi người làm báo chí, truyền thông phải nhanh nhạy, chọn lọc thông tin để vừa đảm bảo tính thời sự vừa đảm bảo tính chính xác.

Hơn nữa, người làm báo chí, truyền thông phải rất tâm huyết với nghề, có đạo đức nghề nghiệp, không bị mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo dẫn đến “bẻ cong ngòi bút”, gây hại cho đất nước, cho nhân dân. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội” (13).

Năm là, cần đảm bảo những điều kiện hoạt động tốt nhất cho báo chí, truyền thông, đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin

Một trong những nội dung được Đại hội XIII đề cập trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn 2021-2025 là: “Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất; phát triển hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; internet băng thông rộng phủ 100% các xã; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin” (14).

Sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều lực lượng, trong đó, truyền thông đại chúng là một bộ phận quan trọng không thể thiếu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự chủ động của chính các cơ quan báo chí, truyền thông, vai trò to lớn này sẽ còn được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, đưa đất nước phát triển ngày càng vững mạnh, phồn vinh, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, nâng cao.

1. Tạ Ngọc Tấn Truyền thông đại chúng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001.

2, 4, 6, 7, 9, 10, 11, 13, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.324, 326-327, 170, 325, 229, 232, 216, 234, 123.

3, 5, 8, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.215, 272, 146, 272

Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022 (*)

TS. Vi Thuỳ Dịu (*)
Bạn đang đọc bài viết "Vai trò của truyền thông đại chúng trong xây dựng, phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.