Những năm cuối thế kỷ XVIII, các thế lực phong kiến tranh giành địa vị, đất nước bị chia cắt, cuộc sống nhân dân khốn cùng. Nhiều phong trào khởi nghĩa diễn ra, tiêu biểu là phong trào Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Trong 18 năm (1771-1789), dưới sự lãnh đạo của nhà quân sự thiên tài Nguyễn Huệ, từ một cuộc khởi nghĩa nông dân đã phát triển thành phong trào giải phóng dân tộc trên quy mô cả nước. Thành công của cuộc khởi nghĩa đã xóa bỏ nạn cát cứ phân quyền của các tập đoàn phong kiến Lê, Trịnh, Nguyễn, chia cắt đất nước hơn 200 năm; lập lại nền thống nhất quốc gia và đánh tan 2 cuộc chiến tranh xâm lược của 5 vạn quân Xiêm ở đàng Trong và 29 vạn quân Thanh ở đàng Ngoài, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc. Triều đại Tây Sơn đã ban hành nhiều chính sách tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, được toàn thể nhân dân ủng hộ, trong đó nổi bật lên vai trò của Nguyễn Huệ - vua Quang Trung.
Di tích quốc gia đặc biệt
Sau khi triều đại Tây Sơn sụp đổ, vùng đất Kiên Mỹ (làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, phủ Quy Nhơn xưa) quê hương của 3 anh em nhà Tây Sơn bị hủy hoại, ly tán...Nhưng với tấm lòng tôn kính những vị anh hùng, người con ưu tú của quê hương và dân tộc, trên nền nhà cũ của Tây Sơn Tam Kiệt, nhân dân dựng lên một ngôi đình gọi là đình Kiên Mỹ, bí mật thờ “Ba ngài Tây Sơn”. Đình bị phá, nhân dân lại xây miếu, miếu đổ lại dựng điện, điện xuống cấp thì xây đền thờ tri ân công đức các bậc anh hùng dân tộc. Năm 2013, tỉnh Bình Định đã quy hoạch nâng cấp, mở rộng xây dựng 2 dự án lớn là Bảo tàng Quang Trung và Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt... trên khu đất khoảng 17 ha, kinh phí hơn 211 tỷ đồng.
Phía trước nhà trưng bày của bảo tàng là tượng đài vua Quang Trung oai phong, lẫm liệt.
Được khởi dựng từ đầu thế kỷ XIX, trên nền ngôi nhà thuở sinh thời 3 anh em nhà Tây Sơn, Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt có kiến trúc kiểu chữ đinh, góc mái cong hình mũi thuyền, trang trí hoa văn cá hóa rồng. Trên nóc đền là hình “lưỡng long chầu nguyệt” với chân 5 móng, vảy đính bằng các loại mảnh sứ và thủy tinh xanh, vàng rất sinh động. Phía trên cửa chính là dòng chữ “Tây Sơn Điện”, hai bên là câu đối viết bằng chữ Hán. Đền gồm 2 gian tiền điện và hậu điện. Tiền điện đặt án thờ công đồng và tổ tiên dòng họ nhà Tây Sơn. Hậu điện gồm 3 gian nhỏ, trong đó gian chính giữa đặt án và tượng thờ 3 anh em nhà Tây Sơn: ở giữa là án thờ hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, bên phải là án thờ hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc, bên trái là án thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ; gian bên trái đặt án và tượng thờ các quan văn; gian bên phải đặt án và tượng thờ các quan võ. Phía trước tiền điện có nhà dẫn, hai bên hai hàng cột to trang trí rồng, mây. Trước nhà dẫn có 1 tấm bia đá granite màu đỏ, ghi tóm tắt nội dung lịch sử đền thờ.
Trong khuôn viên đền thờ còn có cây me cổ thụ do thân phụ của 3 anh em nhà Tây Sơn trồng khoảng 300 năm trước. Cây me đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp bằng công nhận cây di sản năm 2011 - là cây cổ thụ đầu tiên và duy nhất ở Bình Định được công nhận cây di sản. Ngoài giá trị lâu năm, tạo cảnh quan, cây me còn có ý nghĩa đặc biệt về văn hóa, lịch sử, là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc. Bên cạnh cây me là di tích giếng nước, ghép bằng đá ong, đường kính 0,9m, thành cao 0,8m.
Bảo tàng Quang Trung tọa lạc trong khuôn viên rộng 1.400m², gồm các hạng mục: nhà trưng bày, nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhà rông Tây Nguyên... Đây là một trong những bảo tàng danh nhân lớn nhất và thu hút lượng khách đến tham quan du lịch, học tập nhiều nhất trong cả nước.