Nhà báo, nhà thơ Uông Thái Biểu sinh năm 1966 tại Nghệ An, tốt nghiệp khoa Ngữ văn đại học Sư Phạm Vinh rồi sau đó lên Tây Nguyên định cư và bắt đầu làm báo chuyên nghiệp. Nhà báo Uông Thái Biểu từng làm thư ký tòa soạn ở báo Lâm Đồng, Trưởng Văn phòng đại diện báo Nhân Dân tại miền Trung - Tây Nguyên. Cho đến nay nhà báo Uông Thái Biểu đã có tuổi nghề ngót nghét hơn 30 năm. Hơn 30 năm, cả một chặng đường dài “thăm thẳm, hun hút”… mà nhà báo Uông Thái Biểu đã đi qua. Hầu như trên từng tấc đất, từng bản làng Tây Nguyên đều đã từng in dấu chân của nhà báo Uông Thái Biểu.
Tuổi thơ và những ảnh hưởng trong phong cách viết báo
Nhà báo Uông Thái Biểu sinh ra ở làng Thạch Quang, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An, mảnh đất nghèo khó khô cằn nhưng giàu sự hiếu học. Làng Thạch Quang trước kia còn gọi là làng Ngư Hải, thuộc tổng Chân Lộc cũ, nơi đây có con sông Lam chảy qua và cũng là quê hương của biết bao thi nhân hào kiệt mà tên tuổi của họ đã tạc vào sông núi. Đó là cụ Nguyễn Du, danh nhân văn hoá thế giới, người viết nên kiệt tác “Truyện Kiều”. Đó là Nguyễn Hữu Chỉnh, một võ tướng thời Tây Sơn, là chí sĩ Đặng Thái Thân một nhà yêu nước cuối thế kỷ 19…
Sông Lam, dòng sông gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ đuổi bướm, bắt chim, thả diều, câu cá của nhà báo Uông Thái Biểu. Chính dòng sông ấy cùng với những lời ru ngọt ngào của người bác dâu đã góp phần nuôi dưỡng cho tâm hồn của Uông Thái Biểu từ thuở niên thiếu, để rồi sau này khi đã trở thành một công dân “đậm chất” Tây Nguyên thì dòng sông ấy vẫn luôn hiện hữu trong trong tâm hồn của nhà báo Uông Thái Biểu.
Trong tác phẩm “Dòng sông hát” đăng trên báo Tuổi trẻ cuối tuần năm 2005 có những câu viết rất xúc động về những kỉ niệm của nhà báo Uông Thái Biểu về dòng sông Lam. “Tôi cũng hằng đêm nghĩ và nhớ về dòng sông Lam quê tôi như gửi gắm về nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn mình. Sông Lam trong tôi cũng là hình ảnh của người đàn bà nhưng là người đàn bà sinh nở sau những quằn quại để vượt cạn. Ở phía thượng nguồn, sông vật vã bấu víu cỏ cây, bấu víu vào những vách đá, bấu víu vào lòng bùn đất của mình. Nước từ nguồn đổ về, từ màu đỏ của đất, màu nâu của đá trở thành màu xanh hiền hòa khi càng gần với biển. Ai đó nghĩ rằng sông có tên là Lam bởi nước sông trong xanh, còn tôi nghĩ nước sông Lam đục nhiều hơn xanh, bởi dòng sông ấy đã phải chở trong mình quá nhiều những âu lo, những trầm luân và cát bụi của thượng nguồn. Tôi yêu con sông quê tôi bắt đầu từ những trầm tích của sông, cũng như người con yêu mẹ mình hơn khi ngắm hình dáng yếu ớt của bà xõa tóc bạc bên thềm sau những tháng ngày bươn chải…”
Nhà báo Uông Thái Biểu mồ côi cha từ thuở bé, mẹ đi bước nữa nên tuổi thơ của nhà báo Uông Thái Biểu là những năm tháng sống cùng bác dâu. Bác dâu trở thành mẹ và là người “lần hồi tạo nên nét mặt tôi dáng vẻ hồn nhiên, người cho tôi những xúc cảm bình thường và cất tiếng hát để lau khô cho tôi những dòng nước mắt.” - ("Dòng sông hát" - Tuổi trẻ cuối tuần 2005).
Trong ký ức của nhà báo Uông Thái Biểu, hình ảnh dòng sông Lam cùng với hình ảnh người bác dâu luôn được đặt ở một vị trí trang trọng đẹp đẽ, được nhà báo kể lại ở trong nhiều bài viết ký sự về mảnh đất xứ Nghệ với chất giọng sâu lắng, xen lẫn là những câu chữ tài hoa làm rung động độc giả.
Dòng sông, người mẹ, cuộc sống gian khó thuở bé, những mất mát tuổi thơ đã làm nhà báo Uông Thái Biểu sớm có những chiêm nghiệm về cuộc đời. Triết học duy vật biện chứng cho rằng, hoàn cảnh cuộc sống sinh ra tính cách con người, với nhà báo Uông Thái Biểu, tuổi thơ với những trải nghiệm, mất mát đã “vô hình” định nên một văn phong giàu chất suy tư, sâu lắng, chiêm nghiệm trong mỗi bài viết của Uông Thái Biểu.
Chúng ta dễ dàng nhận ra được điều này khi đọc những bài viết ký chân dung hay ký sự phóng sự của nhà báo Uông Thái Biểu, mà nổi bật nhất là những đoạn kết trong mỗi bài viết ấy. “Hơn tám mươi năm khi nó ra đời, hành trình du khảo tìm lại dấu tích của tuyến đường sắt độc đáo Krongpha - Đà Lạt, chúng tôi đã tìm lại không gian hoài niệm dĩ vãng về những dòng sông lịch sử chưa phải đã quá xa. Cảm xúc chợt chùng lòng khi nghĩ về biết bao máu xương người Việt đã từng đổ xuống giữa chốn nước độc rừng thiêng cho sự hình thành những nhà ga, chuyến tàu. Và trong ký ức của người dân địa phương, họ và tuyến đường sắt này chưa bao giờ “chết” ” - ("Hoài niệm những chuyến tàu" - Tạp chí Xưa và Nay xuân 2010). Thời hoàng kim của những chuyến tàu răng cưa từ đồng bằng đi lên Đà Lạt tuy tác giả không hề được chứng kiến, được sống qua thời đó, nhưng thông qua câu chuyện của ông gác ghi và một số nhân chứng khác được kể trong bài viết, cộng thêm sự suy nghiệm của chính mình, tác giả đã hòa mình vào chính quá khứ để viết ra bài viết như chính mình đã từng sống, từng gắn bó.
Bên cạnh ảnh hưởng của tuổi thơ và cốt cách có con người xứ Nghệ có sẵn trong tính con người của nhà báo Uông Thái Biểu, thì TP. Đà Lạt cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách viết, đó vừa là đề tài, vừa là “hồn” văn của bài viết. Đà Lạt, thành phố yên bình, trầm lắng, không bon chen ồn ào đã hoà điệu vào cốt cách vốn chứa nhiều sự sâu lắng trong con người của nhà báo Uông Thái Biểu. “Giã biệt vùng quê miền Trung gió Lào cát bỏng, tôi trở thành công dân của đô thị thấp thoáng bên những triền đồi. Tôi được hít thở chung bầu khí trời thanh khiết và hoà nhịp sống thường nhật với hàng vạn người dân thành phố. Tôi sẽ chia với bạn bè, với đồng nghiệp, với những người thân thương và khách phương xa những xúc cảm tốt lành mà đất và người nơi này mang lại… Ngày cuối năm, ngồi trong không gian tĩnh lặng viết đôi dòng về thành phố nơi mình đang sống. Ẩn dấu phía sau mỗi con chữ là một tình yêu xứ sở và nỗi ái ngại của người con tha hương chọn Đà Lạt làm quê nhà của mình. Trong đó có niềm tiếc nuối, tiếc nuối trong ý nghĩ về những điều “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”…” (Lan man cùng Đà Lạt - Báo Nhân Dân hàng tháng 2010).
Tính triết lý, chiêm nghiệm cũng được thể hiện rõ nét trong rất nhiều những bài viết của nhà báo Uông Thái Biểu, nhất là thể loại ký chân dung, ký sự đường xa hay các bài tản văn tản bút trên các báo. Khi đọc những đoạn này trong bài viết “Dòng sông hát”, ắt hẳn cảm nhận của mỗi người sẽ khác nhau, nhưng chắc chắn rằng trong lòng mỗi người sẽ hiện lên những hình ảnh về ký ức của chính mình: “Bao năm qua, bao tháng qua, bao ngày qua trong một đời người. Bao đời người đã qua bên bến sông quê. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” - Như ý niệm của một triết gia Hy Lạp cổ đại. Thời gian thật khắc nghiệt! Thế nhưng gió mãi mãi thổi lên từ mặt sông cái hương vị ngai ngái nồng nồng của bùn, của cá và của muối…”. “Dòng sông hát” là một bài ký khá hay về dòng sông Lam, nó tiêu biểu cho phong cách viết của nhà báo Uông Thái Biểu. Người đọc không chỉ nhìn thấy ở đó một dòng sông Lam, một thời tuổi thơ của tác giả mà còn thấy trong đó chính tuổi thơ của mình, và cả những con sông quê khác trên mọi miền đất nước. Đó là những hình ảnh tắm sông, đuổi bướm, bắt chim, leo cây, chơi trốn tìm… mà hầu như mỗi đứa trẻ “nhà quê” nào lớn lên đều từng trải qua.
“Đà Lạt đang tự đánh mất dần những nét độc đáo kiêu sa vốn có của mình. Bản tình ca chiều với giai điệu một thời da diết thế đang từ từ được thay thế bằng những tiết tấu dậm dật xa lạ…”. Còn đây là phần kết trong bài tản bút ‘Lan man cùng Đà Lạt” trên báo Nhân Dân hàng tháng năm 2010, viết về sự thay đổi theo hướng tiêu cực của Đà Lạt. Những câu viết tuy không phản ánh tất cả hiện trạng của một Đà Lạt hôm nay mà thay vào đó là hình ảnh đầy ẩn dụ và giọng điệu mang tính suy nghiệm và triết lý rất rõ nét.
Những đặc điểm đó có được như hôm nay đã góp phần tạo nên một chân dung nhà báo Uông Thái Biểu trên các trang viết mà bao thế hệ bạn đọc đã yêu mến. Đó đều là những kết quả của một chuỗi dài những năm tháng sống và chiêm nghiệm về cuộc đời cùng với đó là sự học tập, sáng tạo, lao động một cách nghiêm túc không ngừng nghỉ của nhà báo Uông Thái Biểu.
Đọc những bài viết của nhà báo Uông Thái Biểu, bạn đọc thường cho rằng, Uông Thái Biểu ắt hẳn phải là một người con Tây Nguyên “chính gốc” được hội tụ đầy đủ những yếu tố văn hoá, tính cách đặc biệt của vùng đất này (điều này tương tự như trường hợp của nhạc sĩ Nguyễn Cường), thế nhưng bên cạnh chất Tây Nguyên “đậm đặc” đó thì cái chất sâu sắc trầm lắng của một “cậu học trò xứ Nghệ” vẫn luôn tồn tại hiện hữu trong con người và trong mỗi bài viết của Uông Thái Biểu.
Dấu ấn đặc sắc trong những trang viết
Để có thể viết nên được một bài báo, điều đó không khó, nhưng để ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc thì cần phải có nhiều yếu tố tổng hợp nên cho bài viết. Người đọc ấn tượng với những trang viết của nhà báo Uông Thái Biểu ở chỗ mỗi bài viết của đều được viết với lối viết bắt chữ tài hoa, nhưng không cầu kỳ, giàu kiến thức và hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực khác nhau như văn hoá, nghệ thuật, kinh tế - xã hội…
Nhà văn, nhà báo Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam từng viết về nhà báo Uông Thái Biểu trong lời tựa cuốn sách “Mùa lữ hành” (xuất bản 2010) như sau: “Cái níu giữ hồn người xem là tinh anh văn hoá, là cái thần toát lên từ cảnh quan nơi ta đến, ở con người tình cờ gặp ta. Tôi thích thú nhiều trang Uông Thái Biểu viết về các chuyến đi của anh. Thông thuộc đất Tây Nguyên, anh về buôn nghe kể sử thi hay vui tết cổ truyền với đồng bào dân tộc thiểu số. Là người xứ Nghệ, anh ra Hà Nội thưởng thức câu xẩm xoan, đến Bắc Ninh vui cùng các liền anh liền chị, anh trở lại quê hương lắng nghe câu hát sông quê. Anh tìm lại “giáo phường ty đệ nhất ca trù”, tiếp kiến ca nương cổ đạm một thời nức tiếng tài sắc…”.
Qua những nhận xét này của nhà văn Phan Quang, chúng ta có thể thấy được nhà báo Uông Thái Biểu là người thông hiểu sâu rộng những loại hình văn hoá dân gian, những phong tục tập quán, những kho sử thi của các dân tộc Tây Nguyên đại ngàn... Và hiếm có một nhà báo nào lại đi nhiều, viết nhiều về mảng văn hoá dân gian và mảnh đất Tây Nguyên đến như vậy.
Trên những chuyến đi của mình, nhà báo Uông Thái Biểu ghé về làng Cổ Đạm, quê hương của ca trù cổ để gặp đào nương Phan Thị Mơn, một trong vài đào nương già nhất còn sót lại của làng ca trù cổ và nghe cụ hát. Cụ chính là một “báu vật” còn sót lại ở trên mảnh đất Nghi Xuân và là nhân vật đã vào vai người mẹ của các liệt sĩ trong bộ phim “ngã ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh (bài viết “Tìm đào nương ở đất ca trù”).
Rời Cổ Đạm, nhà báo Uông Thái Biểu lại đến hội Lim gặp gỡ các liền anh liền chị cùng thưởng thức giọng ca làn điệu “mượt mà, da diết”. (bài viết “Kí ức sông Cầu”). Trong “Ký ức sông Cầu” có đoạn viết: “Những câu hát nhớ thương có chi mà trắc ẩn, lời hát nặng lòng như giọt lụy nắng dài”. Còn trong “Đi tìm đào nương ở đất ca trù”: “Quả là như vậy, tôi đang được nghe tiếng hát ngọt mềm, tươi xanh mà huyền ảo… Giọng cao lên mà không xuống chói, xuống trầm chẳng thấy bi”. Trong “Về Hà thành nghe xẩm”: “Nghệ nhân Hà Thị Cầu xách cây đàn nhị lên sân khấu và khoan thai ngồi xếp bàng cất giọng hát vang - rền - nền - nẩy… Tiếng hát trong âm thanh bán mua, cãi cọ giữa quê cùng với tiếng rơi mỏng mảnh của những đồng chinh thả xuống chiếc chậu thau sứt mẻ…”.
Qua những đoạn viết trên, chúng ta có thể thấy được nhà báo Uông Thái Biểu có một sự cảm thụ rất tinh tế với những thể loại nhạc truyền thống nhưng rất trí tuệ mà dường như ngày nay không phải ai cũng có thể hiểu được. Đó là ca trù, là hát quan họ, là hát xẩm, la ca Huế… Quả thực, nói như nhà báo Phan Quang, Uông Thái Biểu đã rất tinh tế, rất am hiểu tường tận về những Folklore (văn hoá dân gian) nên đã thấy được cái hay và sự sâu sắc của nó.
Bên cạnh Uông Thái Biểu giàu sự tinh tế trong cảm thụ các loại hình nhạc thể dân gian thì bạn đọc còn biết về nhà báo Uông Thái Biểu nhiều hơn ở những bài báo viết về Tây Nguyên, về con người nơi đây và những di sản để lại. Biết đến mức, người ta gọi nhà báo Uông Thái Biểu là “nhà báo của Tây Nguyên”, người con “đậm đặc” chất Tây Nguyên. Tiêu biểu là những bài viết “món nợ bắt chồng” “những hiền nhân của rừng” “con ma của người Tây Nguyên”, “trả sử thi về cho nhân dân”… đăng trên báo Nhân Dân qua các năm.
Có thể thấy trong những bài viết này trước hết là tấm lòng của một nhà báo từ xứ Nghệ lên định cư dành cho mảnh đất Tây Nguyên, kế tiếp là những câu chuyện cổ, những số liệu và những thông tin quý giá về các pho sử thi, các hủ tục lạc hậu và cả những câu chuyện về cuộc sống con người nơi này…
Trong bài viết “Như chim phí bay về cội nguồn” trên báo xuân Đất Việt năm 2011 có đoạn mà nhà báo Uông Thái Biểu đã rất thành thực bày tỏ tình yêu của mình với Tây Nguyên: “Mỗi lần trên những nẻo rừng Tây Nguyên, tôi lại rơi vào cảm xúc “trở về”. Trở về với hình ảnh xa xưa đang được lưu giữ trong không gian văn hoá đầy bản sắc, trong tiềm thức của các dân tộc người ngàn năm trên núi đỏ, rừng xanh…”. Phải thực sự hoà mình vào đời sống Tây Nguyên thì nhà báo Uông Thái Biểu mới có thể có được cảm giác “trở về” khi lạc giữa những cánh rừng đại ngàn.
Nhà báo Khắc Dũng, một người bạn từng gắn bó lâu năm với Uông Thái Biểu tại Đà Lạt nhận xét về người đồng nghiệp của mình như sau: “Anh lên xứ Lạng rồi trở lại Đà Lạt, Lâm Viên, lội rừng “Tây Nguyên miền đất huyền ảo” (Phan Quang). Và, tôi xin được nói thêm, dấu chân lữ hành của một con người có máu xê dịch là Uông Thái Biểu cho dù đi đâu hay về đâu thì anh vẫn dành “một góc” đáng kể cho mảnh đất Tây Nguyên và Nam Tây Nguyên - nơi anh đang sống...”
Nhà báo Uông Thái Biểu sống gần gũi với đời sống con người nơi đây, ăn tết cùng họ (“Ăn Tết Nguyên Đán với đồng bào thiểu số” - báo Nhân Dân 2010) cùng chung sống với họ (“Những hiền nhân của rừng” - Thời nay 2010), cùng lo lắng, trăn trở cho những hủ tục lạc hậu đang ám ảnh lấy họ - những đồng bào Tây Nguyên (“Món nợ bắt chồng”, “Trả nợ xương cốt” - Báo Nhân dân năm 2010). “Cùng với những hủ tục lạc hậu khác, hệ luỵ của nó gặm nhấm trực tiếp vào đời sống đồng bào, từ kinh tế đến đời sống tinh thần xã hội. Đã đến lúc cần sự can thiệp của chính quyền và các đoàn thể mà trước hết là đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, với mục tiêu mang lại hạnh phúc bền vững cho những lứa đôi, giảm bớt sự bần cùng cho những gia đình vốn đã nghèo mà còn phải bán chác, cầm cố, vay mượn và bằng mọi cách “mua hạnh phúc” cho con mình.” (“Món nợ bắt chồng” - Nhân Dân 2010).
Với rất nhiều những bài viết như vậy, nhà báo Uông Thái Biểu đã vẽ nên một bức tranh đời sống Tây Nguyên rất phong phú đa dạng, từ những chi tiết nhỏ nhặt tưởng như tầm thường nhưng không hề tầm thường của cuộc sống bà con nơi đây cho đến những vấn đề to tát lớn lao mang tầm vĩ mô.
Không những thông hiểu về các loại hình văn hoá dân gian, nhà báo Uông Thái Biểu còn rất rành rẽ đất đai, lịch sử và con người những nơi mà Uông Thái Biểu đã qua trong suốt hai thập kỷ làm báo.
Chùm bài “Từ Langbiang đến Hữu Nghị Quan” là hành trình đi qua các nơi trên mảnh đất miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang rồi vòng ra Thái Bình, đến Hạ Long và lên Hữu Nghị quan (Lạng Sơn)… Những nơi nào nhà báo Uông Thái Biểu đi qua đều có những phân tích ghi chép tổng hợp về các mặt kinh tế - xã hội, văn hoá…
“Miền Trung thì nhiều chuyện lắm, nhưng có một chuyện rất giống nhau của ngành du lịch miền Trung - Tây Nguyên cứ làm cho du khách Đà Lạt phải lưu tâm đó là vấn nạn thừa chỗ ăn ngủ, thiếu chỗ vui chơi! Du khách đến Nha Trang trong mùa hè này thấp nhất kể từ khi bắt đầu hình thành ngành kinh doanh du lịch ở vùng biển du lịch này…” ( Bài 1 - “Miền Trung qua cửa kính”).
“Từng có phép so sánh: Về diện tích dân số, Thái Bình lớn hơn Đài Loan, diện tích Thái Bình là 1500km2, dân số 1,8 triệu người, mật độ 1.600 người/ km2, chỉ thua duy nhất TP.HCM. Trong khi đó lịch sử hình thành nên Thái Bình chỉ mới 300 năm mà những người xách gói xa quê đã đủ lập nên một tỉnh Thái Bình ở vùng quê khác.” (Bài 2 - “Đêm và ngày đồng bằng châu thổ”).
Không chỉ có những số liệu cụ thể về kinh tế - xã hội, mà trong bài viết, khi viết về mỗi nơi đi qua đều được tác giả đưa những điển tích, những câu chuyện lịch sử vào làm cho bài viết sinh động thêm.
“Từ chú bé chăn trâu ở Thung Lau, năm 967 Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loạn 12 sứ quân, đưa non sông về một mối và một năm sau đó lên ngôi vua, lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt… Thành cổ dấu xưa đã lùi về đâu? Giữa đất Trường Yên (huyện Hoa Lư ngày nay) vẫn còn đó ngôi mộ của vua Đinh trên núi Mã Yên, vẫn còn đó đền thờ triều Đinh và Lê Đại Hành, hai vị vua có công lớn với trăm họ, hai người chồng của một đời Hoàng hậu Dương Vân Nga.” - ( Bài 2 - “Đêm và ngày ở đồng bằng châu thổ”).
Ngoài một số bài viết kể trên thì ngoài ra còn có rất nhiều những bài ký sự đặc sắc khác như “Cát Tiên câu hỏi còn bỏ ngỏ” (báo Nhân dân cuối tuần 2009) viết về những dấu ấn lịch sử và những câu hỏi chưa có lời đáp về nơi này. “Sơn Phòng ký sự”, trên báo Thời Nay 2010 viết về nơi vua Hàm Nghi từng sống trong những năm Cần Vương… Tất cả những bài viết ấy đều giàu chất văn, không quá màu mè cầu kỳ nhưng cũng không đến nổi tả chân trần trụi, pha lẫn trong các luận cứ bài viết là những dẫn chứng số liệu thuyết phục, sự lập luận logic, những điển tích lịch sử, những góc nhìn văn hoá đa chiều đặc sắc… Tất cả đã tạo nên sự hấp dẫn và độc đáo, khác biệt không lẫn vào đâu trong các bài viết của nhà báo Uông Thái Biểu.
Lời kết
Hơn ba mươi năm đã qua đi, từ một anh phóng viên trẻ, đến nay Uông Thái Biểu đã là một nhà báo tên tuổi, đạt được nhiều thành tựu nhiều giải thưởng báo chí lớn. Để có được những thành quả này, không chỉ cần có tài năng vốn có sẵn mà còn đó là sự học hỏi, lao động nghiêm túc miệt mài không ngừng nghỉ của nhà báo Uông Thái Biểu. Xin được trích nguyên văn câu nói của nhà văn, nhà báo Phan Quang khi viết về nhà báo Uông Thái Biểu như sau: “Uông Thái Biểu không tự bằng lòng với cái nhìn trước mắt. Anh cố tìm cái hồn văn hoá dân tộc lẩn khuất đâu đây. Những điều chưa tường tận hay muốn tường tận hơn, với tư cách nhà báo, anh cậy lời các học giả, các văn nghệ sĩ qua những cuộc trao đổi. Văn hoá là sức hấp dẫn, mà cũng là cái đền đáp công sức những chuyến đi, những lần gặp gỡ của Uông Thái Biểu”./.