Việt Nam luôn khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm, một trong những nước đi đầu triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
Đó là nhận xét của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khi tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, Lê Thị Hồng Vân, đến chào từ biệt nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong buổi tiếp chiều 4/12, tại trụ sở UNESCO ở thủ đô Paris, Tổng Giám đốc Audrey Azoulay đã bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển rất tốt đẹp trong quan hệ giữa Việt Nam và UNESCO thời gian vừa qua.
Chúc mừng Đại sứ Lê Thị Hồng Vân kết thúc một nhiệm kỳ thành công, Tổng Giám đốc đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả của Việt Nam cho UNESCO trong các vấn đề quan trọng vừa qua, nhất là trên cương vị thành viên Hội đồng chấp hành 2021-2025, Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO 42, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa, thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể.
Bà cũng chúc mừng Việt Nam vừa được bầu vào Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thể hiện sự tin tưởng và tín nhiệm của quốc tế đối với Việt Nam, một điển hình về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản, mong Việt Nam tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với các nước.
Tổng Giám đốc Audrey Azoulay nhất trí với các ý tưởng về phương hướng hợp tác thời gian tới, khẳng định UNESCO tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam, ủng hộ việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất toàn cầu tại Việt Nam.
UNESCO cam kết hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng, thúc đẩy các hồ sơ di sản mà Đại sứ Lê Thị Hồng Vân đã đề cập, hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy giá trị các Di sản Thế giới đã được UNESCO ghi danh, trong đó có Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sự Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội.
Bà Azoulay cũng bày tỏ mong muốn sớm quay lại thăm Việt Nam nhằm trao đổi các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới.
Về phần mình, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân đã chuyển lời chào và chúc mừng của các lãnh đạo Việt Nam; đánh giá cao nỗ lực của bà Tổng Giám đốc và vai trò của UNESCO trong việc góp phần duy trì, củng cố hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng trên thế giới.
Đại sứ nhất trí cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và UNESCO đang ngày càng phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả, với việc triển khai tích cực Biên bản hợp tác giai đoạn 2021-2025; bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ, hợp tác và hỗ trợ thiết thực của UNESCO cũng như của cá nhân Tổng Giám đốc Audrey Azoulay dành cho Việt Nam, nhất là trong nhiệm kỳ công tác vừa qua, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng hợp tác với UNESCO, trong bối cảnh đẩy mạnh đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương; mong muốn UNESCO tiếp tục hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ với Việt Nam, nhất là về tri thức, ý tưởng, kinh nghiệm, các mô hình và danh hiệu, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội bền vững và bao trùm ở Việt Nam, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 của Liên hợp quốc.
Đại sứ cũng nhấn mạnh mong muốn Tổng Giám đốc Audrey Azoulay và Ban Thư ký quan tâm, hỗ trợ trong việc xây dựng và tư vấn, ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam như Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc; Khu di tích Khảo cổ Óc Eo-Ba Thê; Hang Con Moong, các hồ sơ Di sản Văn hóa Phi Vật thể Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam, Nghệ thuật Tranh Dân gian Đông Hồ... cũng như hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, trong đó có Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sự Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cũng hoan nghênh Tổng Giám đốc Audrey Azoulay và lãnh đạo UNESCO sớm thăm Việt Nam để trao đổi về định hướng và các ưu tiên hợp tác trong giai đoạn mới, góp phần đưa quan hệ Việt Nam-UNESCO phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới./.