Di sản gặp nguy hiểm
Theo trang SCMP, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ngày 30/7 đã khuyến nghị nên thêm thành phố Venice vào danh sách di sản thế giới đang gặp nguy hiểm, đồng thời cho rằng chính quyền Italy cần đẩy mạnh nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo tồn thành phố lịch sử và các đầm phá xung quanh.
UNESCO cho rằng Chính phủ Italy cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết những vấn đề tồn tại kéo dài ở thành phố Venice - điểm đến luôn trong tình trạng quá tải bởi có quá nhiều khách du lịch cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng gần đây của biến đổi khí hậu.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc đánh giá thành phố Venice có nguy cơ bị thiệt hại vượt tầm kiểm soát do những vấn đề nêu trên. Khuyến nghị thêm Venice vào danh sách các di sản thế giới đang gặp nguy hiểm sẽ được đưa ra cuộc họp của Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO tại cuộc họp ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. vào tháng 9 tới.
"Những tác động từ sự can thiệp của con người, quá trình phát triển, tác động của biến đổi khí hậu và du lịch đại chúng khiến thành phố Vencie (Italy) đang gặp nguy hiểm", UNESCO cho biết.
Theo UNESCO, một số vấn đề tồn tại từ lâu nay đã ảnh hưởng đến các tài sản di sản đồng thời cảnh báo rằng những dự án phát triển các tòa nhà cao tầng đang tác động tiêu cực đáng kể về thị giác.
Hơn nữa, những tác động kết hợp do con người và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cũng gây ra sự xuống cấp và thiệt hại cho các công trình xây dựng và khu vực đô thị. Nhìn chung, theo UNESCO, Italy chưa có tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết vấn đề di sản và bị cản trở bởi việc thiếu tầm nhìn chiến lược chung.
Một dự thảo nghị quyết được Ủy ban Di sản Thế giới chuẩn bị để thông qua cho biết chưa có "mức độ tiến bộ đáng kể nào trong việc giải quyết các vấn đề dai dẳng và phức tạp" và các biện pháp bổ sung do Italy đề xuất "vẫn chưa đủ và cần được phát triển thêm".
UNESCO cũng bày tỏ hy vọng việc ghi tên vào danh sách di sản đang gặp nguy hiểm "sẽ thúc đẩy sự cống hiến và huy động nhiều hơn của các bên liên quan từ địa phương, quốc gia đến quốc tế" trong nỗ lực bảo tồn di sản thế giới.
Bảo tồn di sản UNESCO
Ủy ban Di sản Thế giới, Cơ quan giám sát việc trao danh hiệu Di sản Thế giới dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp tại Riyadh từ ngày 10 đến ngày 25/9 tới đây để bàn về các vấn đề liên quan đến di sản đang gặp nguy hiểm. Cuộc họp cũng sẽ xem xét bổ sung thêm 53 ứng viên mới vào danh sách Di sản thế giới.
Vận động hành lang mạnh mẽ thường được các phái đoàn sử dụng để đảm bảo thành tích quốc gia đưa ra nhằm duy trì trạng thái. Việc dán nhãn "di sản đang gặp nguy hiểm" nhằm mục đích khuyến khích công tác bảo tồn di sản tốt hơn cho tương lai. Trong những trường hợp đặc biệt, bất kỳ địa điểm nào đều có thể bị tước danh hiệu Di sản Thế giới nếu không đạt yêu cầu các bước quy định.
Năm 1987, UNESCO đã thêm thành phố Venice (Italy) vào danh sách Di sản thế giới, đánh giá thành phố này như một kiệt tác kiến trúc phi thường nhưng tình trạng hiện tại đã khiến UNESCO lo ngại di sản có khả năng gặp nguy hiểm trong một số năm tới.
Vào năm 2021, thành phố Venice từng bị cảnh báo lần đầu tiên nằm trong danh sách Di sản Thế giới đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, khuyến cáo đã thu hồi sau động thái chính quyền Italy cấm các tàu du lịch lớn đi vào trung tâm thành phố - được xem là nâng cao ý thức bảo tồn di sản.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số khuyến cáo cho rằng tình trạng hiện tại của thành phố đang khiến nhiều người dân thất vọng. Thành phố Venice gần đây phải đối mặt với hàng loạt vấn đề liên quan đến thời tiết khắc nghiệt. Hồi tháng 2/2023, thành phố gặp hạn hán tồi tệ đến mức khó có thể hoạt động thuyền Gondola, taxi trên mặt nước cũng như các phương tiện cấp cứu không thể đi qua vài con kênh vì thiếu nước. Tháng 11/2019, trận lụt lịch sử đã khiến nhiều di sản và tòa nhà rơi vào trạng thái nguy hiểm.
Cũng trong một khuyến nghị được công bố ngày 30/7 liên quan đến hệ sinh thái rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi biến đổi khí hậu và tình trạng nóng lên của các đại dương, UNESCO cho biết các chuyên gia tin rằng Chính phủ Australia cần thêm thời gian để tăng cường bảo vệ Rạn san hô Great Barrier trước khi ban hành tuyên bố là "đang gặp nguy hiểm" do nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu.
Trước những tín hiệu cho thấy sự tiến bộ của Australia trong ý thức bảo tồn di sản này, UNESCO đã thông báo vấn đề di sản của Australia liên quan đến rạn san hô Great Barrier sẽ chưa được bàn tới tại Riyadh vào tháng 9 tới mà sẽ được xem xét lại vào năm 2024./.