Tưởng niệm 233 năm Ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

25/02/2024 10:44

Theo dõi trên

Ngày 24/02/2024 tại Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông, thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá (Yên Mỹ), lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 233 năm Ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Dự lễ có sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao và đông đảo người dân trong và ngoài địa phương. Đây là cơ hội để mọi người cùng nhau tỏ lòng thành kính, tìm hiểu về lịch sử, công lao của Đại danh y Lê Hữu Trác trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền y học cổ truyền nước nhà.

img-0306-1708799339-1708832550.jpeg
Quang cảnh buổi Lễ dâng hương

Đại danh y Hải Thượng Lãn ông, tên thật Lê Hữu Trác, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1724 và mất ngày 15 tháng Giêng năm 1791. Ông là con thứ bảy trong một gia đình đại trí thức, giàu truyền thống văn hóa, ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Từ khi còn nhỏ, ông đã theo cha học ở kinh thành Thăng Long và nhanh chóng nổi tiếng với tư chất thông minh, am tường về nhiều lĩnh vực như: nho học, y học, lý học, số học... Là người học cao hiểu rộng, nhưng ông đã sớm từ quan để tập trung vào việc học nghề y, dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp "trị bệnh, cứu người". Ông tự đặt cho mình cái tên "Lãn Ông" (ông già lười), ngụ ý không màng danh lợi và bon chen.

Cuộc đời ông là chuỗi ngày gắn bó với quê ngoại tại huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh (cũng là nơi ông mất). Tại đây, ông dày công nghiên cứu, trồng trọt các loại cây thuốc bản địa, sáng tác thơ ca, giảng dạy, viết sách và chữa bệnh để giúp đỡ người dân. 

xanh-duong-nhat-va-trang-toi-gian-bia-sach-thoi-trang-1708799292-1708832604.png

Hải Thượng Lãn Ông không chỉ là một danh y và người thầy y đức của nền y học cổ truyền Việt Nam, mà còn là một học giả có hiểu biết sâu rộng về văn học, thơ và dịch thuật, đồng thời là nhà tư tưởng tiến bộ. Tinh thần nhân đạo sâu sắc của ông đã được thể hiện qua cuộc đời và sự nghiệp của mình. Tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ và đạo đức trong sáng là những đặc điểm nổi bật của cuộc đời và sự nghiệp của ông, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mang lại giá trị lâu dài. 

Trong cuộc đời làm thuốc, Hải Thượng Lãn Ông đã sưu tầm và phát hiện thêm hơn 300 vị thuốc nam trong tác phẩm "Lĩnh Nam bản thảo", đồng thời tổng hợp thêm 2854 phương thuốc kinh nghiệm phổ biến cho nhân dân. Ông đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y học cổ truyền Việt Nam, thể hiện trong bộ sách "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" gồm 28 tập, 66 quyển. Ông đã để lại cho hậu thế một tàng thư y học, một tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật... vô giá trong di sản văn hóa của Việt Nam. Sau khi qua đời, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc "Y thánh của Việt Nam", được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.

img-0323-1708799535-1708832635.jpeg

Trong phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ngày 21/11/2023, đã được thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023-2024", trong đó bao gồm hồ sơ của danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh (1724 - 2024). Như vậy, hiện tại, Việt Nam đã có 7 danh nhân được UNESCO vinh danh, bao gồm: Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Trong hơn hai thế kỷ qua, tại Liêu Xá vẫn còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông như: Đền thờ tiến sĩ Lê Hữu Mưu (cha của Lê Hữu Trác), Nhà thờ Đại tôn của dòng họ Lê, Chùa Văn (chùa Bà Sinh), Khu lăng mộ họ Lê, Nhà lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông, và Đình thôn Liêu Xá. Lễ hội truyền thống hàng năm để tưởng nhớ Đại danh y được tổ chức vào ngày 15 tháng 01 âm lịch, cũng là ngày truyền thống của người làm công tác y dược học cổ truyền Việt Nam kể từ năm 2000.

Bình An
Bạn đang đọc bài viết "Tưởng niệm 233 năm Ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.