Tục thờ Bà “tôn hiển” trong đời sống (Kỳ cuối)

11/01/2017 17:35

Theo dõi trên

Tục thờ Bà thường gắn liền với các huyền thoại, thần tích mang đầy yếu tố thần kì của ngư dân ở vùng sông nước Quảng Nam. Rồi, trải qua một quá trình lịch sử, tín ngưỡng này được người Quảng Nam củng cố và phát huy bằng nhiều sự tích và hình thức sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh xoay quanh cuộc đời và sự hiển linh của hình tượng một Bà Mẹ nhân từ và giàu đức hy sinh.



Dinh Bà Chiêm Sơn được UBND tỉnh Quảng Nam trùng tu, tôn tạo mới.

Để tưởng nhớ đến công đức các Bà, mỗi năm khi đến độ xuân về, dân làng khắp vùng sông nước Quảng Nam lại tổ chức mùa hội vía Bà với mục đích cầu cho “quốc thái dân an”, bày tỏ lòng tri ân của dân làng, và thường theo nghi lễ tế thần truyền thống cúng thần. Tiết trời ngả xuân, khắp nơi tràn ngập sắc màu lễ hội. Mỗi lễ hội lại mang sắc thái riêng, là sự giao thoa văn hóa - tín ngưỡng - phong tục, tập quán của cư dân các vùng miền.

Lễ hội Bà Thu Bồn được tổ vào hai ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch và Bà Chợ Được là ngày 11 tháng giêng hằng năm. Nhưng nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt văn hoá của lễ hội Bà Thu Bồn là “trên bờ hát bội, dưới thuyền bơi đua”, còn lễ hội Bà Chợ Được là lễ rước Cộ Bà, đua ghe và hát bội. Riêng vật phẩm dâng cúng trong lễ Bà Thu Bồn thì bắt buộc phải có một con trâu đực non, làm sạch lông, và đặt nguyên cả con lên giá tre, trong tư thế quỳ. Tiết trâu được dùng để xoa lên mình trâu, làm cho toàn thân là một màu đỏ. Riêng Bà Chợ Được thì đơn giản hơn là con heo quay thơm nồng. 

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng lão Ban trị sự Lăng Bà Chợ Được cho hay, lễ hội Bà Chợ Được là một lễ hội kết tinh và hội tụ nhiều yếu tố văn hóa - nghệ thuật như: hội họa, tạo hình, điêu khắc, diễn xướng, đua thuyền, rước cộ…. Mang đậm chất dân gian. Đặc biệt, vào đêm 11 tháng Giêng, khi lễ rước kiệu bà Chợ Được được cử hành thì mọi nhà đều sắm sẵn mâm cỗ thành kính dâng lên Bà như để tri ân và cầu mong một năm nhiều điều may mắn.

Tương tự, lễ hội Dinh Bà làng Chiêm Sơn được tổ chức ngày 10 - 12 tháng Giêng tại Dinh bà Chiêm Sơn, làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Lễ hội là dịp bày tỏ niềm tôn kính với người đã khai sinh ra nghề ươm tằm dệt lụa cho địa phương – Bà Chiêm Sơn. Đây là dịp để con cháu trong làng tụ hội. Những ngày diễn ra lễ hội, không khí càng thêm rộn ràng, mọi người đến với lễ hội như tiếp thêm niềm vui làm sống lại một vùng quê vốn yên bình.
 


Tháp Pô Nagar, nơi thờ tự Bà Mẹ Xứ Sở của người Chăm nằm ở một địa thế cao ráo, cửa tháp hướng ra biển.

Qua các hoạt động diễn ra tại các lễ hội có thể thấy, các lễ hội thể hiện cả một quá trình tín ngưỡng dân gian mang ý nghĩa tâm linh giữa hai dân tộc Chăm - Việt. Sự tiếp thu tinh hoa văn hoá của các dân tộc mà vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình là điều rất đáng trân trọng. Nếu như có sự đầu tư tôn tạo lăng thờ tự các Bà thì ắt rằng nơi đây sẽ thu hút du khách tìm đến.

Lễ hội Bà Thu Bồn, Bà Chợ Được, Lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn là lễ lệ mang ý nghĩa phụng tự, nhưng đã trở thành một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng cộng động, có sức lan toả rộng rãi, tạo nên một cảm nhận chung về lòng biết ơn đối với công đức của các Bà. Bà tồn tại trong đời sống tâm linh của các làng ven biển với tư cách hiển nhiên của Thần Mẹ bổn xứ. Đó là những nét tương đồng về văn hoá trong phong tục bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, nhân thần và nhiên thần cũng như quan niệm tín ngưỡng về đạo thờ mẫu, sùng bái nữ thần. Và đó cũng chính là sự "kế thừa ảnh hưởng của văn hoá khu vực mà đặc trưng điển hình là khuynh hướng hài hoà âm dương có phần thiên về âm tính, với triết lí âm dương trong nhận thức và tục sùng bái sinh thực khí trong tín ngưỡng”.
 
Hữu Tiến

Bạn đang đọc bài viết "Tục thờ Bà “tôn hiển” trong đời sống (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.