Tục “tảo mộ” trước Tết đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt

12/01/2017 14:59

Theo dõi trên

Với người Việt thì việc tảo mộ chủ yếu vẫn được tiến hành vào dịp cuối tháng 12 âm lịch, với quan niệm là sửa sang mộ phần, đón người quá cố về ăn tết.



Ảnh: Báo Dân Trí

Tảo mộ, người miền Trung - Nam gọi là “dẫy mả”. Khác với cộng đồng gốc Hoa dẫy mả tiết Thanh Minh (tháng 3 Âm lịch), người Việt tảo mộ ông bà, tổ tiên trước Tết Nguyên đán hàng năm, đúng vào tháng chạp.

Tục tảo mộ cuối năm, không chỉ là một phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước mà còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Tuỳ theo phong tục từng nơi, cũng có khi việc tảo mộ diễn ra mang tính chất gia đình nhỏ hoặc đi tảo mộ theo dòng họ. Nếu là tảo mộ theo dòng họ thì thường được làm vào ngày chạp họ, ngày mà anh em trong họ hàng nội tộc gặp mặt cuối năm tại nhà thờ lớn của tổ tiên để cúng lễ, dọn dẹp, sơn phết, trang hoàng…

Đi tảo mộ cũng giống như đi… làm ruộng; nghĩa là mang cuốc, cào, thúng mủng và v.v.... Khác chăng là có thêm một bó hương. Khói hương, cái ấy không thể nào thiếu trong ngày tảo mộ cuối năm; cái ngày không đơn thuần là lao động chân tay mà - từ lâu - đã thực sự trở nên nghi thức tâm linh trong lòng dân tộc, biểu trưng cho đạo lý uống nước nhớ nguồn...

Thời gian cụ thể do mọi người tự chọn, thống nhất và thường là vào ngày nghỉ để sự có mặt của mọi người thêm đông đúc hơn. Mỗi gia đình cử một người đi đại diện.Trong những ngày này, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.

Đây cũng là nét đặc trưng của văn hóa truyền thống, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta. Dù cuộc mưu sinh có tất bật thế nào đi nữa, dù cả năm bôn ba ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn luôn là gia đình.

Theo đời sống tâm linh, nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình. Do đó, theo sau phong tục này ta có tục rước ông bà vào trưa ngày 30 tết, và đưa ông bà vào trưa mùng 3 hoặc mùng 4, tùy theo tập quán ở mỗi địa phương, và nếp sống của mỗi gia đình.

Dù cuộc sống có hiện đại như thế nào thì đời sống tâm linh luôn tồn tại trong mỗi con người. Đó như một nét văn hóa truyền thống của người Việt, điều đó tạo nên một sức mạnh diệu kỳ – sức mạnh của lòng tin, cùng với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày tiếp sau đó.


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Tục “tảo mộ” trước Tết đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.