Tuần của các Lễ hội truyền thống đặc sắc

15/11/2015 09:18

Theo dõi trên

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc đến từ khắp mọi miền cả nước, hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị dành cho nhân dân và du khách.

Lễ hội cầu mưa

Lễ cầu mưa là nghi lễ nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu trong văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú. Lễ cầu mưa diễn ra với mục đích cầu mong các vị thần linh, trời đất ban mưa để cho cây cối đâm chồi nảy lộc, cầu mong cho cây trồng được tốt tươi, mong cho dân bản có mùa màng bội thu, đồng thời qua nghi lễ thể hiện được tinh thần lạc quan của con người, niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào thiên nhiên, đồng thời đề cao giá trị nhân văn và tính cố kết cộng đồng, bản mường.

Lễ hội do đồng bào dân tộc Khơ Mú đến từ huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên thực hiện.

Đồng bào dân tộc Khơ Mú (Điện Biên) sẽ tái hiện Lễ hội cầu mưa trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015 tại “Ngôi nhà chung”.   Ảnh Thanh Hà


            
Đồng bào dân tộc Khơ Mú (Điện Biên) sẽ tái hiện Lễ hội cầu mưa trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015 tại “Ngôi nhà chung”. Ảnh Thanh Hà.

Lễ hội A Za Koonh (cầu mùa)

A Za Koonh là lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm của dân tộc Tà Ôi (Pa Cô). Đây là một trong những nét văn hóa tốt đẹp, độc đáo, A Za Koonh không chỉ là lễ hội, là ngày tết vui tươi nhộn nhịp mà còn thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng đặc biệt là mẹ lúa đã nuôi dưỡng lớp lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác. Lễ hội A Za Koonh để khẳng định tình cảm gắn bó thiêng liêng sống chết có nhau, no đói cùng nhau của con cháu làng bản. Lễ hội do đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện.



Đồng bào dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên - Huế) tái hiện lễ hội A Za Koonh Ảnh: Minh Phương.

Lễ hội Oai lơ cau chăhơzan (lễ cầu mưa)

Đồng bào Chăm với niềm tin trời sẽ mưa thuận gió hòa cho dân làng có nước sản xuất, cho ngô lúa tươi tốt, thể hiện thông điệp cầu trời cho sự bình yên của đồng bào. Đồng bào dân tộc Chăm huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định sẽ thực hiện lễ hội này mang đến cho công chúng và du khách .

Lễ cưới của dân tộc Sán Chay (Cao Lan)

Theo nghi lễ truyền thống, khi đoàn rước dâu đến cổng nhà gái sẽ bị “chặn đường” bằng tấm vải lụa màu, nhà trai phải thuyết phục gia đình nhà gái bằng điệu hát sình ca thì mới được phép vào trong. Đây là nét độc đáo nhất trong lễ cưới của người Cao Lan. Từng câu hát sình ca tha thiết như những lời thủ thỉ tâm tình bao trùm không khí vui tươi của đám cưới. Những lời ca mộc mạc mà say đắm trở thành lối hát giao duyên không thể thiếu của các thế hệ người Cao Lan. Đồng bào dân tộc Sán Chay (Cao Lan), tỉnh Bắc Giang sẽ tái hiện nghi lễ này.

Lễ Tằng cẩu của dân tộc Thái

Lễ búi tóc ngược (tẳng cẩu hay khửn cẩu) diễn ra trong đám cưới truyền thống của dân tộc Thái. Đây là một phong tục mang bản sắc riêng đánh dấu bước ngoặc của những người con gái Thái khi đến tuổi kết hôn. Lễ tằng cẩu diễn ra với mục đích phân biệt người con gái Thái đã có chồng với những người con gái Thái chưa chồng, ngoài ra việc búi tóc ngược còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người con gái đã có chồng đó là che trở, bảo vệ cho chồng, con, bảo vệ tổ ấm hạnh phúc bên gia đình của họ. Lễ hội do đồng bào dân tộc Thái tỉnh Điện Biên thực hiện.



Đồng bào dân tộc Thái (Điện Biên) tái hiện lễ Tằng cẩu. Ảnh: Thanh Huyền.

Lễ hội cúng biển Mỹ Long, Trà Vinh

Tái hiện Lễ hội cúng biển Mỹ Long từ lâu đã được xem là một trong những lễ hội quan trọng nhằm thể hiện lòng thành của ngư dân trong vùng tạ ơn biển cả đã đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân làng. Cùng với việc cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, lễ hội còn mang tính chất tạ ơn cá voi (cá Ông) mà ngư dân thường gọi là ông Nam Hải. Các ngư dân tỉnh Trà Vinh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh tổ chức tái hiện.



            
Đồng bào dân tộc M’nông (Đắk Lắk) tái hiện lễ Bư brah mih rah book năm. Ảnh: Anh Tuấn.

Lễ Bư brah mih rah book năm (lễ cúng mưa đầu mùa) của dân tộc M’nông

Theo quan niệm của người M’nông, mưa đầu mùa là cơn mưa độc, có thể mang lại nhiều điềm xấu cho bon làng, vì vậy cần phải tổ chức lễ cúng để giải hạn xấu trong năm. Mặt khác lễ cúng mưa đầu mùa cầu mong thần mưa ban cho mưa thuận gió hòa, ban cho nhiều điều tốt đẹp gắn với khát vọng sinh sôi nảy nở, cây cối nảy lộc đâm chồi, cuộc sống bon làng ngày càng giàu đẹp. Đồng bào dân tộc M’nông, tỉnh Đắk Lắk sẽ thực hiện nghi lễ này tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Theo Làng Việt

Bạn đang đọc bài viết "Tuần của các Lễ hội truyền thống đặc sắc" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.