Gặp NNƯT Thùy Dương sau khi Festival vừa kết thúc, nhưng trong cô Festival vẫn còn những niềm vui lan tỏa. Với NNƯT Thùy Dương, vui nhất trong Festival có lẽ là đêm họp mặt, giao lưu các NNƯT ĐCTT. Đêm hôm ấy, các nghệ nhân đã dành nhiều tình cảm, từ ngữ hoa mỹ để ca ngợi loại hình nghệ thuật ĐCTT của dân tộc.
Sự tham gia biểu diễn của các em thiếu nhi, những tài tử trẻ tuổi càng gợi trong cô niềm tin phấn khởi với lớp trẻ kế thừa đầy tài năng và những ký ức về một thời tuổi trẻ bỗng sôi sục trong tâm trí.
NNƯT Thùy Dương cho biết, cô tên thật là Nguyễn Thị Lễ, sinh năm 1953, tại TX.Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một) và vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống ĐCTT, cha là nhạc sĩ Năm Thuộc, anh của cha là nhạc sĩ Hai Coi - thổi tiêu, thân sinh của cố nhạc sĩ Tư Còn, cha là nhạc sĩ có tiếng ở TX.Thủ Dầu Một về ngón đàn tranh tay trái cùng thời có bác Út Lăng, Tám Phình, Giáo Tư, Ba Thế, Năm Bường là những nghệ nhân của dòng nhạc tài tử. Năm 8 tuổi bắt đầu học ca tài tử, cải lương, người thầy đầu tiên là nhạc sĩ Võ Tấn Hưng, nghệ danh “nhạc sĩ Năm Hưng”, nhạc trưởng đàn kìm cho Đoàn cải lương Đại Bang- Kim Chưởng (nay đã mất). Năm 15 tuổi được nghệ sĩ Tư Còn dẫn dắt vào đoàn hát Hoa Đăng - Quy Sắc. Sau đó, thầy Năm Hưng mở lớp dạy tài tử, Thùy Dương cũng được thầy giao phó hướng dẫn ca cho gần 200 học trò ở quận 8, Sài Gòn (gần cầu Nhị Thiên Đường).
NNƯT Thùy Dương (thứ 6 từ phải qua) cùng các nghệ nhân được tôn vinh trong chương trình Họp mặt, giao lưu Nghệ nhân ưu tú ĐCTT - Ảnh: Trần Duy Tình.
Trong 40 năm trở lại đây, cô Thùy Dương rất tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ trong tỉnh. Năm 1978, cô tham gia Đoàn Văn công tỉnh Sông Bé (cũ) và cùng các văn nghệ sĩ lưu diễn khắp nơi. Năm 1998, tham gia CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Bình Dương. Năm 2002, cô trở thành cộng tác viên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương. Năm 2010, cô được tín nhiệm bầu làm Phó chủ nhiệm CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương. Nhờ thường xuyên tham gia các cuộc liên hoan hoặc giao lưu trong các chương trình, hội thi các tỉnh bạn như: Bình Thuận, Lâm Đồng, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long An, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Bình Phước và TP.Hồ Chí Minh… nên tên tuổi của cô Thùy Dương được đông đảo bạn bè trong giới mộ điệu ĐCTT yêu mến và ấn tượng với rất nhiều giải thưởng cô đã từng đoạt được: HCV cá nhân và bằng khen diễn viên xuất sắc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng năm 1978 ở các tỉnh phía Nam và khu vực; HCV toàn quốc (tập thể) trong chương trình ĐCTT do Đài VTV3 tổ chức năm 2001, giải thưởng Liên hoan Âm nhạc dân tộc tỉnh Long An năm 2001; HCB Liên hoan ĐCTT toàn quốc lần thứ I tại Bạc Liêu năm 2002 do Cục Văn hóa Thông tin cơ sở (Bộ Văn hóa Thông tin) cấp năm 2002; HCB Liên hoan ĐCTT toàn quốc lần thứ 2 tại tỉnh Long An năm 2007… Với nhiều thành tích nổi bật trong phong trào văn nghệ, năm 2008, cô Thùy Dương vinh dự nhận bằng chứng nhận và được tặng thưởng kỷ niệm chương vì Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
“Tôi rất vui mừng khi được Nhà nước quan tâm, ghi nhận những cống hiến của mình với nghệ thuật ĐCTT. Hy vọng, Bình Dương sẽ sớm triển khai các mô hình truyền dạy ĐCTT vào học đường để các bạn trẻ sớm lĩnh hội những tinh hoa độc đáo của bộ môn nghệ thuật này. Và tôi luôn sẵn sàng tham gia hướng dẫn, chỉ dạy cho các em trong các lớp học đó với mong muốn các em có thể tự tin biểu diễn trên các sân khấu, sẽ tiếp tục phát huy những giá trị của nghệ thuật ĐCTT, đưa ĐCTT hội nhập với các nước bạn trên thế giới”, (NNƯT Thùy Dương).
Cuối năm 2015, cô Thùy Dương cùng 7 nghệ nhân ĐCTT trong tỉnh được vinh dự phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú”. Và gần đây nhất, trong chương trình họp mặt, giao lưu NNƯT ĐCTT trong khuôn khổ Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II tổ chức tại Bình Dương, cô và 7 NNƯT của Bình Dương đã có dịp trải qua những phút giây được tôn vinh rất trang trọng và đầy ý nghĩa.
Theo Báo Bình Dương