Truyện ký “Về nơi nguồn cội” của đạo diễn - nhà văn Đới Xuân Việt

27/05/2024 07:52

Theo dõi trên

Sáng 25/5, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tổ chức buổi giao lưu ra mắt truyện ký “Về nơi nguồn cội” của đạo diễn - nhà văn Đới Xuân Việt.

25-05-2024-truyen-ky-ve-noi-nguon-coi-cua-dao-dien-nha-van-doi-xuan-viet-3829c6fd-details-1716771089.jpg
Đại diện Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tặng hoa chúc mừng tác giả tại buổi giao lưu ra mắt sách

Tác phẩm “Về nơi nguồn cội” phản ánh gần như bức tranh toàn cảnh của gia tộc tác giả những năm đầu thế kỷ trước cho đến khi đất nước được độc lập, giang sơn thu về một mối. Lồng ghép vào đấy là phần ký sự, ghi lại các biến cố của dòng họ thông qua số phận các nhân vật gắn liền với sự biến động của đất nước. Cuốn sách có lối kể chuyện tự nhiên, không gò bó. Mở đầu là vẻ đẹp nên thơ của một làng quê thuần nông được tác giả Đới Xuân Việt mô tả với nhiều cảm xúc: “Tôi xa quê đã bảy mươi năm nhưng những gì hương vị quê hương vẫn còn thấm đẫm hồn tôi. Đó là vẻ đẹp một thời của làng quê chiều chiều khói lam xanh tỏa bay trên các mái bếp lợp rơm, rạ…”.

Sách dày 208 trang với các nội dung tiêu biểu: Mẹ tôi về làm dâu họ Đái, huyện Quảng Xương; Tuổi thơ; Trang ấp của ông ngoại; Trở lại Huế; Ra Hà Nội; Về sống ở trường Chu Văn An; Bố tôi; Đam mê và liều lĩnh; Mẹ tôi một đời gồng gánh… “Về nơi nguồn cội” là một thiên ký sự, một truyện dài về một dòng họ đã trải qua hơn một thế kỷ từ khi đất nước còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ cho đến khi đất nước hoàn toàn được độc lập. Qua đó, cuốn sách đã ghi nhận những đóng góp của các vị đức cao vọng trọng trong dòng tộc cho xã hội và cho dòng họ. Đó chính là lý do tác giả Đới Xuân Việt đặt bút viết thiên ký sự này.

Cuốn sách kể về cội nguồn của dòng họ nội, họ ngoại của nhà văn Đới Xuân Việt, về các bậc tiền nhân cũng như những tấm gương sáng đáng được ca ngợi và noi theo của các vị đã để lại cho con cháu. Khai thác nét đẹp trong cội nguồn được quán xuyến trong toàn bộ tác phẩm. Thông qua dòng họ của mình, tác giả còn cho thấy người Việt Nam ta từ xưa tới nay đều gắn bó máu thịt với quê hương, làng xóm, đều có lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Trong truyện, có những đoạn đời, phần đời gắn với nhiều sự kiện lớn của đất nước. Bằng giọng văn chân thật và trân trọng, những vấn đề gai góc, thường rất khó truyền tải suôn sẻ bỗng trở nên đơn giản, dễ chấp nhận. Tác giả đã kể cho ta biết những câu chuyện đau lòng, cười ra nước mắt nhưng không khoét sâu vào nỗi đau quá khứ mà chủ yếu phản ánh những con người, những số phận đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát đã đứng dậy ra sao, đã phấn đấu ra sao cho một cuộc sống bình yên và tốt đẹp hơn. Những đau khổ, đắng cay của cuộc đời đã không đẩy họ đến những hành động tiêu cực. Họ vẫn phấn đấu hướng đến những điều tốt đẹp, tiếp tục có những đóng góp tích cực cho xã hội, cho đất nước.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, ngôi nhà của ông là nơi thành lập và hoạt động của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của vùng phía Nam huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Và đã có ba trong bốn người con trai của ông nối gót tham gia cách mạng. Hiện nay, ngôi nhà của ông được tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

“Về nơi nguồn cội” là tác phẩm tôn vinh các bậc tiền nhân của tác giả đã có công xây dựng dòng họ, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng, của xã hội và để lại các tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Nó cũng là nguồn động lực tiếp sức cho các thế hệ sau phấn đấu và vươn lên.

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Truyện ký “Về nơi nguồn cội” của đạo diễn - nhà văn Đới Xuân Việt" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.