Trường cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm: Đáp ứng đủ nhân lực ngành công nghệ hỗ trợ hậu Covid-19

06/01/2022 09:04

Theo dõi trên

Từ khi bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa phương đang tiếp tục tăng tốc, thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp “khát” nguồn lao động chất lượng cao, đặc biệt là ngành công nghệ hỗ trợ.

Nhu cầu nhân lực tăng cao 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), đối với quý I năm 2022, về nhu cầu nhân lực trong thời gian tới có 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, dự kiến cần khoảng 60.000 chỗ làm việc. 

7b956c56-a066-40ec-9ba3-7217cdeb7fa6-1641434488.jpeg
Nhu cầu về nhân lực của các ngành nghề, đặc biệt là ngành công nghệ hỗ trợ tăng rất cao vào năm 2022

Kịch bản thứ hai, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, dự kiến cần khoảng 75.000 chỗ làm việc. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 28,15% tổng nhu cầu nhân lực, tuyển dụng nhiều ở các ngành như sản xuất giày, dép; sản xuất thiết bị điện khác; gia công cơ khí; may trang phục; sản xuất chế biến thực phẩm...

Có thể thấy, sau thời gian toàn xã hội bị tác động bởi đại dịch Covid-19, nhu cầu về nhân lực của các ngành nghề, đặc biệt là ngành công nghệ hỗ trợ tăng rất cao. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mặc dù chưa xảy ra thiếu hụt lao động trầm trọng do các doanh nghiệp chưa hoạt động sản xuất trở lại 100%, nhưng việc doanh nghiệp “khát” nguồn lao động rất có thể tăng vào thời gian quý 1 và quý 2/2022 khi các cơ sở sản xuất hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.

Bởi lẽ, bắt đầu từ tháng 1/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự kiến trong năm 2022, số lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” nguồn nhân lực phục hồi kinh tế

Nắm bắt nhu cầu phát triển của xã hội hậu Covid-19, trường cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực các ngành công nghệ hỗ trợ như: Công nghệ thực phẩm và công nghệ sinh học, chế biến bảo sản phẩm nông sản, công nghệ hóa học, công nghệ kỹ thuật điện, công nghệ thông tin, kinh tế - quản lý. Đến nay, nhà trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với 28 nghề trình độ cao đẳng và 18 nghề trung cấp.

7584dc1a-9471-4ad4-be95-9879273cad1b-1641434488.jpeg
Sinh viên trường cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm trong một tiết thực hành (Ảnh chụp trước dịch Covid-19)

“Hiện nay, cả nước đang tập trung thực hiện cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, quan tâm thu hút các tập doanh kinh tế lớn, nhà đầu tư chuỗi và khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Điều đó, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có kiến thức, có kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Do vậy, để phát triển nguồn nhân lực, trường cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm đã có sự đổi mới về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, sáng tạo trong tư duy để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghệ hỗ trợ”, lãnh đạo Nhà trường thông tin.

Trong những môn học tại nhà trường, có gần 60% các môn thuộc kiến thức chuyên ngành liên quan đến thực hành và thí nghiệm. Đây chính là điều kiện để sinh viên rèn luyện kĩ năng làm việc tốt nhất trước khi vào thực tế tại doanh nghiệp.

2a3690db-5236-4c32-bfb7-28074de83f49-1641434489.jpeg
“Có những thời điểm doanh nghiệp chào đón sinh viên ngành công nghệ hỗ trợ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường…”

Cùng với đó, trong chương trình học, sinh viên sẽ có nhiều thời gian trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp ở nhiều vị trí công việc khác nhau (từ vị trí sản xuất đến giám sát, kiểm soát chất lượng đến những vị trí ở các bộ phận quản lí hoặc nghiên cứu phát triển). Các môn học được thực hiện theo mô hình tích hợp, kích thích sự sáng tạo và phát triển sản phẩm mới trong các lĩnh vực đặc thù. Ngoài ra, trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp, sinh viên còn được tiếp cận với thực tế thông qua mối quan hệ rộng rãi và mật thiết của nhà trường và khoa với các tổ chức, doanh nghiệp.

Hiện nay, bên cạnh các kỹ năng cần có như: năng lực chuyên môn, kĩ năng nghiên cứu và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu sẵn có vào thực tế công việc thì nhà trường cũng chú trongđào tạo cho sinh viên các kĩ năng mềm như sắp xếp công việc, quản lí thời gian, thuyết trình, trình bày báo cáo, giao tiếp tốt, ngoại ngữ trôi chảy.

“Chính vì vậy, hàng năm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trường trường cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm có việc làm ngay khá cao, thậm chí có những năm cung không đủ cầu do nhiều doanh nghiệp đã chào đón các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì vậy, sắp tới nhà trường có kế hoạch mở rộng quy mô, tăng số lượng sinh viên, khoa lớp… nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của các nhà tuyển dụng hiện nay…”, một lãnh đạo nhà trường kết luận./.

Tiến Dũng - Long Trần
Bạn đang đọc bài viết "Trường cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm: Đáp ứng đủ nhân lực ngành công nghệ hỗ trợ hậu Covid-19" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.