Các hạng mục tu bổ, phục hồi tại 5 nhà rường này gồm: phục hồi tường bao xây bằng gạch đặc; gia công phục hồi cột gỗ, kèo, trến, xuyên xà, đòn tay, rui, lách, ván mái, diềm; phục hồi hệ thống cửa đi, cửa sổ bị hư hỏng; tu bổ phục hồi hoa văn các kết cấu gỗ như kèo, đòn tay; lợp lại mái nhà bằng ngói liệt; xử lý chống mối, mọt cho toàn bộ cấu kiện gỗ…

Trước đó, năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ trùng tu, bảo tồn 3 ngôi nhà rường với kinh phí 1,9 tỷ đồng.
Làng cổ Phước Tích được công nhận là Di tích cấp quốc gia từ năm 2009 với hệ thống nhà rường hàng trăm năm tuổi. Cả làng hiện có 30 nhà rường cổ, trong đó 24 nhà ở của người dân và 6 nhà thờ các dòng họ.
Hiện, nhiều ngôi nhà rường ở đây đã xuống cấp nghiêm trọng. Việc trùng tu, cải tạo nhà rường tại làng cổ Phước Tích không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa, kiến trúc đặc trưng mà còn tạo thêm điểm nhấn để phát triển du lịch tại địa phương.

Được biết, sau khi các nhà rường cổ đưa vào sử dụng, Ban Quản lý Làng cổ Phước Tích sẽ phối hợp với chủ các nhà rường xây dựng kế hoạch cải tạo không gian nhà rường để đón tiếp du khách đến tham quan.
Bà Lê Thị Hoa, chủ nhân ngôi nhà cổ vừa được trùng tu cho biết: "Trước đây nhà bị dột, hư hỏng nay được Nhà nước giúp đỡ, sửa chữa khang trang để thờ cúng ông bà tổ tiên. Sau khi trùng tu đưa vào làm du lịch sẽ có thêm khoản kinh phí để nâng cao cuộc sống".