GS.TSKH.KTS Hoàng Đạo Kính đã từng bày tỏ quan điểm về bảo tồn di tích lịch sử ở Việt Nam: "Bảo tồn di tích quan trọng nhất là làm thế nào giữ cho được những cái gốc, khôi phục mà không gây sai lệch, tôn tạo mà không quá tay. Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là làm thế nào để sinh động hóa di tích, để nó có sức hút và có vai trò trong đời sống hiện đại". Để làm được điều đó là thách thức vô cùng nan giải, do vậy mà công cuộc bảo tồn di tích lịch sử cho đến nay hầu như bất khả thi.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc trùng tu và cải tạo di tích nằm trong khuôn viên trường học tại địa chỉ 40 Lãn Ông thuộc khu phố cổ Hà Nội đã hoàn thành và đạt được kết quả như mong đợi, khẳng định cách làm đúng đắn và trở thành mô hình cần nhân rộng trong việc bảo tồn di tích, bảo tồn kiến trúc trong khu phố cổ Hà Nội.
Từ năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích gồm các nội dung: Tu bổ, tôn tạo Hội quán (tu bổ nghi môn, phương đình, hậu cung, hai bức Thanh Long - Bạch Hổ, hai lầu thiêu hương; tôn tạo sân vườn và hạ tầng kỹ thuật); Cải tạo, xây dựng Trường Tiểu học Hồng Hà (cải tạo, chỉnh trang các khối nhà hai bên, phía trước hậu cung của hội quán; xây dựng khối lớp học và thư viện hai bên, phía sau hậu cung của hội quán; tôn tạo sân vườn và hạ tầng kỹ thuật).
(Ảnh:internet)
Theo đó, công trình này được trùng tu tổng thể với các hạng mục, tu bổ Hội quán Phúc Kiến và tu bổ, cải tạo Trường tiểu học Hồng Hà. Với việc tu bổ trường tiểu học, sẽ dỡ bỏ khối nhà đã xuống cấp và xây dựng khối nhà học 3 tầng kiên cố hài hoà với cảnh quan tại vị trí đó. Xây mới thư viện mở phục vụ vui chơi, sinh hoạt ngoại khoá của học sinh. Còn với di tích Hội quán Phúc Kiến, dự án tiến hành tu bổ theo nguyên trạng, giữ nguyên cốt nền hiện trạng công trình Nghi môn và Phương đình...
Việc trùng tu đã được tiến hành rất bài bản nhằm đảm bảo không làm thay đổi yếu tố gốc của công trình. Đáng chú ý, cách ứng xử trong công tác trùng tu cũng được đề cao. Các lớp sơn chồng chất lên nhau qua các thời đã được giải tỏa và trả lại màu của thời gian. Từ Nghi môn đến Phương đình hầu như dấu vết can thiệp rất ít. Ngoài ra, việc nâng cấp di tích nhưng vẫn giữ được dấu ấn của công trình xây dựng từ thời Pháp thuộc là một giải pháp mạnh dạn nhưng đúng đắn và tạo hiệu quả tốt.
(Ảnh:internet)
GS.Hoàng Đạo Kính nhận định ở đây là sự cộng sinh cùng sống với nhau, di tích và trường học. Cái tốt là tạo ra được một không gian mở rộng, nhiều góc cạnh, nhiều điểm nhìn, giải toả cho con mắt của chúng ta được sự tù túng của triền miên các con phố. “Tôi nghĩ rằng ở trong phố cổ Hà Nội này vẫn có thể tạo ra những không gian không chỉ đẹp, tiện nghi mà con người có thể sống một cách lí thú. Đây là thành công về ý nghĩa nhân văn. Chúng ta giữ di tích cho mọi người chứ không bảo tàng hoá nó, để trở thành nơi người nọ người kia đến nhìn xong rồi về. Rõ ràng phố cổ Hà Nội bắt đầu đi vào giai đoạn vừa giữ lại giá trị của mình, vừa khôi phục giá trị cả về phi vật thể và vật thể”.
Có lẽ việc cải tạo di tích với công trình trường học đã từng nhận được nhiều ý kiến trái chiều về công tác bảo tồn, trùng tu di tích văn hóa. Bởi nó bị chi phối bởi lối mòn trong suy nghĩ rằng di tích mang tính chất “tĩnh” còn trường học là sự sôi động và phát triển. Hai thực thể này luôn đối lập nhau, nhưng với định hướng bảo tồn để phát triển chứ không đơn thuần là để di sản “chết”, việc mạnh dạn trùng tu cải tạo di tích tại 40 Lãn Ông đã cho thấy sự hài hòa nhất là đối với khu phố cổ Hà Nội - di sản sống của thủ đô ngàn năm văn hiến. Công trình này hiện đã và đang là nơi sinh hoạt tâm linh, vừa dành cho việc học tập, vừa là một không gian rộng rãi cho cộng đồng bà con các tổ dân phố quanh khu vực. Từ kinh nghiệm thực hiện thành công dự án, Ban quản lý phố cổ Hà Nội sẽ tiếp tục áp dụng cho việc trùng tu tôn tạo nhiều di tích khác trong khu phố cổ, tạo nên sự độc lập tương đối nhưng hài hòa, góp phần phát triển bền vững giá trị các di sản.
Theo Cinet.vn