Trung tâm Truyền thông Phương Nam Plus, 3 năm nhìn lại

18/10/2021 19:50

Theo dõi trên

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn của mình. Trong đó chú trọng vào một số lĩnh vực như: Biên soạn sách liên quan tới việc bảo tồn các giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với các huyện, xã tổ chức việc tập huấn, tuyên truyền nghiên cứu, biên soạn hội thảo làm gia phả cho các dòng họ ở đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An và Hà Tĩnh...

ong-hoang-van-kiem-pho-giam-doc-trung-tam-truyen-thong-phuong-nam-plus-1634558518.jpg
Ông Hoàng Văn Kiểm - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Phương Nam Plus - Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển. Ảnh: P.V

Trung tâm Truyền thông Phương Nam Plus là cơ quan của Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam), được thành lập theo Quyết định số 08-10/QĐ-TCCB-VHNN ngày 18 tháng 10 năm 2018. Trung tâm được UBND tỉnh Nghệ An cho phép hoạt động trên địa bàn theo Quyết định số 9127/UBND-TH ngày 30 tháng 11 năm 2018. Đến nay Trung tâm đã đi vào hoạt động được 3 năm (18/10/2018 - 18/10/2021).

Với chức năng nhiệm vụ của Trung tâm là tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm và các cán bộ có trình độ, chuyên môn, tâm huyết để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ, các dịch vụ khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, tổ chức các hội nghị, hội thảo, truyền thông sự kiện trong lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ông Hoàng Văn Kiểm, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Phương Nam Plus cho biết: Trong thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương trong khu vực để làm sách chuyên đề về bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa như: Bảo tồn chữ Thái cổ, Bảo tồn ngôn ngữ Ơ Đu, Bảo tồn ngôn ngữ Đan lai, Bảo tồn ngôn ngữ Khơ mú; Triển khai nghiên cứu về các đền, miếu; xuất bản sách Di sản Hán nôm; tổ chức sưu tầm những dấu tích Phật giáo ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; phối hợp với các dòng họ trên địa bàn nghiên cứu gia phả, xây dựng gia phả, bảo tồn những giá trị của dòng họ trong thời đại 4.0. Phối hợp với bảo tàng các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ sưu tầm, nghiên cứu các vật dụng của đồng bào dân tộc thiểu số.

b2df194c12d9db8782c8-1634559635.jpg
Ấn phẩm Xứ Nghệ xưa và nay. Ảnh: P.V 

Trung tâm đã cho ra mắt ấn phẩm giấy Xứ Nghệ xưa và nay. Đây là một ấn phẩm đặc biệt được ra đời vào năm 2020, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2020 và sự thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tôn chỉ, mục đích của ấn phẩm “Xứ Nghệ xưa và nay” là: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất xứ Nghệ; Nghiên cứu, phát hiện ra những vấn đề mới, có khả năng phục vụ sự phát triển của địa phương; Kết hợp nghiên cứu khoa học với truyền thông để lan toả những giá trị của vùng đất xứ Nghệ. Các nội dung chính của ấn phẩm gồm có: Đất nước xứ Nghệ; Gia phong người xứ Nghệ; Văn chương; Dân ca; Truyện dân gian; Nghệ thuật; Ẩm thực; Ngôn ngữ; Khoa bảng; Danh nhân; Di tích, danh thắng; Tôn giáo, tín ngưỡng; Người Nghệ xa xứ; Mấy vấn đề trao đổi; Dòng họ; Lễ hội; Nhật ký của người Nghệ; Cửa sổ văn hóa; Tư liệu lịch sử. Ấn phẩm được xuất bản vào ngày 24 hàng tháng, với 104 trang, khổ 16x24cm...

"Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn của mình. Trong đó chú trọng vào một số lĩnh vực như: Biên soạn sách liên quan tới việc bảo tồn các giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với các huyện, xã tổ chức việc tập huấn, tuyên truyền nghiên cứu, biên soạn hội thảo làm gia phả cho các dòng họ ở đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An và Hà Tĩnh. Nghiên cứu các hình thức vinh danh các loại hình văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ nhân, danh lam, thắng cảnh. Tổ chức cuộc thi bình chọn cảnh đẹp Việt Nam do Trung tâm truyền thông Phương Nam Plus tổ chức", ông Kiểm nói.

Nhân dịp kỷ niệm 3 năm thành lập, thay mặt cho lãnh đạo Trung tâm, ông Hoàng Văn Kiểm đã gửi lời cảm ơn chân thành tới lãnh đạo Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển cùng toàn thể cán bộ, biên tập viên, chuyên gia nghiên cứu, nhân viên; lãnh đạo các tổ chức, đơn vị địa phương, các đối tác, các nhà nghiên cứu... đã quan tâm, giúp đỡ Trung tâm. Mong muốn thời gian tới, Trung tâm sẽ nhận được nhiều sự quan tâm để ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

P.V
Bạn đang đọc bài viết "Trung tâm Truyền thông Phương Nam Plus, 3 năm nhìn lại" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.