Triển lãm đã thu hút gần 1.000 lượt bạn đọc và các vị khách quý đến tham quan và đọc sách. Trong ngày khai mạc Hội báo Xuân, triển lãm đã vinh dự được đón tiếp ông Tống Phước Trường - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Lê Trung Hồ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tham quan. Bên cạnh đó, trong những ngày Tết, triển lãm tiếp tục chào đón các đoàn: Giám đốc sở Văn hoá và Thể thao do ông Nguyễn Văn Sáu làm trưởng đoàn; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm - phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang; Ông Đặng Vũ Bằng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang... và các độc giả là người dân, học sinh, sinh viên đến tham quan và đọc sách.
Đây là lần thứ hai Thư viện tỉnh tổ chức mô hình Triển lãm không gian văn hoá đọc, trưng bày giới thiệu sách "Trang sách Việt Nam", chủ đề lần này là "Những nền văn hoá cổ ở Việt Nam" mong muốn giới thiệu đến bạn đọc các nền văn hoá cổ đã từng tồn tại trên lãnh thổ nước ta, đặc biệt là 3 nền văn hóa cổ trải dài từ Bắc tới Nam, đó là: Văn hoá Đông Sơn, Văn hoá Chăm Pa và Văn hoá Óc Eo. Triển lãm ngoài giới thiệu các hình ảnh trực quan của các 3 nền văn hóa, còn trích nhiều thông tin hay từ những quyển sách về các nền văn hóa được Thư viện tỉnh Kiên Giang sưu tầm. Đây là lần đầu tiên các đầu sách về các nền văn hóa cổ ở Việt Nam lưu giữ tại Thư viện tỉnh Kiên Giang được tổng hợp và trưng bày tại triển lãm.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ triển lãm còn có hoạt động trải nghiệm in mộc bản những hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, hoạt động này đã thu hút nhiều độc giả đến trải nghiệm, giúp độc giả có thể quan sát rõ hơn và hiểu hơn về các hoa văn trên trống đồng của nền Văn hóa Đông Sơn. Có thể nói, đến với triển lãm không gian văn hoá đọc "Trang sách Việt Nam" chủ đề "Những nền văn hoá cổ ở Việt Nam" độc giả sẽ được đọc những quyển sách hay, sách quý viết về các nền văn hóa cổ, được thấy những hình ảnh, hoa văn, họa tiết của các thời đại, không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội đương đại trong việc bảo tồn, phát triển văn hoá và thúc đẩy kinh tế.