Triển lãm giúp nhận diện “Linh vật Việt“

14/12/2016 07:58

Theo dõi trên

Linh vật là những con vật huyền thoại hoặc có thật được linh hóa, nhưng linh vật nào của Việt Nam, linh vật nào ngoại lai thì không phải ai cũng nhận biết được.

Các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý văn hóa từng “đau đầu” với nạn linh vật ngoại lai tại các di tích và ngành văn hóa đã có hẳn một chương trình kiểm tra, di dời các linh vật ngoại lai khỏi các di tích trong năm 2014. Để góp phần làm rõ hơn nữa về linh vật Việt, ngày 22/11/2016, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã phối hợp triển lãm Linh vật Việt và tọa đàm về chủ đề này.

Linh vật - sản phẩm của nghệ thuật tạo hình

Linh vật là một trong những đề tài nói lên diễn trình phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt. Và đã từ lâu trong tâm thức, người Việt coi linh vật là những con vật huyền thoại hoặc có thậtđược linh hóa, do con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng, niềm tin tâm linh và tín ngưỡng, tôn giáo.



Phượng - Đình Chu Quyến, Hà Nội.

Linh vật thường được miêu tả trong thần thoại, truyền thuyết và biểu đạt trong nghệ thuật tạo hình. Đó là các con vật không hẳn có thực, nó được hội nhập bởi các bộ phận biểu hiện sức mạnh của nhiều loài. Người xưa tin rằng, linh vật là hiện thân của các lực lượng tự nhiên hoặc mang những đặc tính huyền bí, năng lực siêu nhiên, có thể chi phối nhân sinh, vũ trụ và đôi khi chỉ đơn thuần với ý niệm là cầu no đủ và mang lại niềm vui, hạnh phúc, may mắn cho con người, giúp canh giữ, trấn áp được trang trí, bày trí ở các cung điện, lăng mộ, đền miếu...

Linh vật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nhiều loại như: Rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, hổ, ngựa, voi, chó, rùa, cá… do người Việt Nam sáng tạo nên hoặc giao lưu, tiếp biến từ các nền văn hóa bên ngoài, được sử dụng rộng rãi từ lâu đời, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh, văn hóa dân tộc. Mỗi linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa, vừa mang đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ.



Nghê đá tại cổng đền Trần, Nam Định.

Ở nước ta hiện nay, trong di tích, bảo tàng và các sưu tập tư nhân còn lưu giữ được rất nhiều hình ảnh linh vật trên tác phẩm tranh tượng, phù điêu… Nhưng thời gian qua, do có sự hội nhập mạnh mẽ với thế giới, trong đời sống xã hội những biểu tượng linh vật của người Việt dường như đã bị lãng quên thay vào đó là các sản phẩm biểu tượng linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa Việt Nam đứng trước nguy cơ xóa nhòa. Trước tình hình đó, tháng 8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành công văn số 2662/BVHTTDL- MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Bởi vậy, một cuộc “bài trừ” linh vật ngoại lai tại các di tích đã diễn ra năm 2014. Nhiều ý kiến còn cho rằng, nên thay thế linh vật Việt vào các di tích như chùa, đình.



Uyên ương - Linh vật trang trí trên nóc mái. Hiện vật Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội.

Tuy nhiên, theo GS Trần Lâm Biền, chúng ta không thể… ăn xổi bằng cách vội đem các linh vật thuần Việt để thế chỗ cho linh vật ngoại lai ấy một cách vội vàng, thiếu hiểu biết. “Chẳng hạn, nhiều người đề xuất thay sư tử đá ngoại lai bằng con lân, một trong tứ linh của văn hóa Việt. Thế nhưng, con Lân vẫn được cha ông nhìn như một linh vật của bầu trời và là biểu tượng của trí tuệ. Lân thường đứng gần bàn thờ, hoặc đặt trên mái chùa, đầu cột để nhìn xuống với ý nghĩa kiểm soát tâm hồn của khách hành hương. Nếu muốn “kéo” lân xuống đất để đặt ngoài cửa làm vật canh, chúng ta cần bàn thảo kỹ” - GS Trần Lâm Biền nhận định.

Nhận diện đúng, hành động đúng

Trong thời gian qua, cùng với các địa phương cả nước, ngành di sản của Thủ đô đã vào cuộc mạnh mẽ tuyên truyền vận động người dân không sử dụng biểu tượng linh vật không phù hợp, thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa tại các di tích. Triển lãm Linh vật Việt một lần nữa góp phần làm rõ vấn đề này. Nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về việc giữ gìn và hát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kỷ niệm 12 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (2005 - 2016), phòng Quản lý Di sản, Bảo tàng Hà Nội, group Đình làng Việt tổ chức triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt” với hy vọng sẽ đưa linh vật Việt xích lại gần hơn với công chúng góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Triển lãm giúp công chúng có cái nhìn sâu hơn về ý nghĩa, cách bài trí cũng như cách tạo hình nghệ thuật để phù hợp không gian di tích và với từng giai đoạn lịch sử.

Nhận diện đúng về các linh vật sẽ giúp công chúng, nhất là thế hệ trẻ hiểu đúng về ý nghĩa của các hình tượng linh vâṭ Viêṭ Nam trong văn hóa truyền thống Việt Nam, từ đó nâng ý thức văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa.

(Theo langvietonline.vn) 

Thảo Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Triển lãm giúp nhận diện “Linh vật Việt“" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.