Trao đổi kinh nghiệm về thực hiện chính sách bản quyền trên môi trường số

27/03/2024 10:00

Theo dõi trên

Ngày 26/3, tại TPHCM, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) phối hợp Cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) tổ chức “Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2024” với chủ đề “Chính sách bản quyền trên môi trường số và phương án hợp tác giữa hai quốc gia”.

26-03-2024-trao-doi-kinh-nghiem-ve-thuc-hien-chinh-sach-ban-quyen-tren-moi-truong-so-84df36bc-details-1711508408.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2024

Diễn đàn là dịp để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi thông tin, kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả giữa hai quốc gia.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho rằng kỷ nguyên số và Internet đã và đang cho chúng ta nhiều cơ hội tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào nhưng cũng đặt ra những thách thức để bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có việc bảo hộ quyền tác giả tác phẩm âm nhạc trên môi trường số, tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp âm nhạc của mỗi quốc gia.

“Việc khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc hiện nay, đặc biệt là việc cấp phép sử dụng xuyên biên giới trên không gian mạng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được thực hiện thông qua các hành vi chiếm đoạt, mạo danh tác giả, chủ sở hữu quyền; sao chép, công bố, phân phối tác phẩm, sửa chữa tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu, gây thiệt hại đáng kể cho các chủ thể quyền, đồng thời cũng gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý, thực thi trong việc phát hiện và xử lý” - ông Trần Hoàng cho biết.

Theo Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam, tình trạng xâm phạm quyền tác giả âm nhạc nói riêng và quyền tác giả nói chung trên môi trường số ngày càng phức tạp và đa dạng. Bảo vệ bản quyền tác phẩm trong môi trường kỹ thuật số đang là vấn đề cấp bách cần phải được triển khai quyết liệt. Cùng với đó, các chủ sở hữu quyền, ngoài việc chủ động trang bị các biện pháp công nghệ, cũng cần phải tìm hiểu và cập nhật các kiến thức liên quan.

Bà Lee Young Ah, Trưởng phòng Hợp tác thương mại văn hóa - Bộ VHTTDL Hàn Quốc, cho rằng, sự xuất hiện của các công nghệ mới như AI và các thiết bị khác nhau đang thay đổi mô hình tiêu thụ và sáng tạo nội dung. Đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với thị trường bản quyền.

Theo ông Phạm Thanh Tùng, Phó trưởng phòng quản lý quyền tác giả, quyền liên quan và hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL Việt Nam, hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ, quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tương đối đồng bộ, là công cụ hữu hiệu giúp cho công tác quản lý, thực thi hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cơ bản đã đi vào cuộc sống, đóng vai trò tích cực thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật, văn học và khoa học, bảo vệ lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân sử dụng và công chúng; các quyền nhân thân và tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan được tôn trọng…

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là khó xác định và xử lý hành vi vi phạm trên môi trường số, đặc biệt là các trường hợp có yếu tố nước ngoài. Một số tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc xử lý hành vi vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ răn đe, việc phối hợp giữa các cơ quan thực thi chưa hiệu quả…

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Trao đổi kinh nghiệm về thực hiện chính sách bản quyền trên môi trường số" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.