Trần Tuấn Khải qua bài thơ "Hai chữ nước nhà"

06/08/2018 14:53

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu bài viết: Tấm lòng của Á nam Trần Tuấn Khải (ảnh dưới) qua bài thơ "Hai chữ nước nhà" của Th.S Nguyễn Thị Thiện sẽ tham luận tại Hội thảo khoa học về Á nam Trần Tuấn Khải do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hoá dân tộc sẽ tổ chức cuối tháng 8/2018.

Trần Tuấn Khải (4 tháng 11 năm 1895 - 7 tháng 3 năm 1983) là một ngôi sao sáng trong bầu trời thơ ca Việt Nam. Ngôi sao ấy sáng nhất ở nửa đầu thế kỷ XX. Thơ ông “nặng tình đối với nước non”, thường mượn những chuyện lịch sử để giãi bày nỗi đau mất nước, thức tỉnh  tinh thần cứu nước của đồng bào với giọng điệu bi tráng, thiết tha. Những nội dung đó được kết tinh trong bài thơ “Hai chữ nước nhà”, đăng trong tập “Bút quan hoài”, xuất bản năm 1927.
 

Sử dụng thể song thất lục bát, một thể thơ dân tộc phù hợp với việc giãi bày cảm xúc, tâm trạng nên bài thơ dễ đi vào lòng người và đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc đối với người đọc. Đúng như nhận xét của nhà văn hóa lớn Xuân Diệu: "Tâm trạng xã hội khoảng 1926 uất ức, bi tráng, điệu lục bát du dương êm hòa không đủ, mà đòi hỏi một điệu thơ song thất lục bát để toát, để thoát, xé nỗi niềm u uất đè nặng tâm hồn". 

Nghiên cứu lịch sử dân tộc, chúng ta được biết: Khi giặc Minh đưa cha Nguyễn Trãi đi lưu đày biệt xứ sang Trung Quốc, ông và em trai là Nguyễn Phi Hùng đi theo để mong được báo hiếu cha. Khi đến biên giới, cha đã ngăn lại và dặn ông rằng: “Con là người có học, có tài, hãy trở về tìm cách rửa nhục cho nước, báo thù cho cha, ấy mới là đại hiếu”. Thi sĩ Trần Tuấn Khải đã rất thành công khi mượn lời ký thác thiêng liêng đó ở người cha Nguyễn Phi Khanh nói với người con cả là Nguyễn Trãi để gửi gắm tâm sự của mình. Bài gồm một trăm lẻ một câu với 26 khổ thơ, mỗi khổ bốn câu, riêng câu cuối đứng độc lập thành một khổ riêng là có dụng ý. Mạch cảm xúc chính của bài gồm những ý cơ bản sau: Thứ nhất là cảnh ngộ éo le bó buộc của người cha trong hoàn cảnh mất nước; thứ hai là tình cảnh đau thương tang tóc của đất nước và đồng bào; thứ ba là đau xót vì bản thân bất lực, người cha thức tỉnh lòng yêu nước, tin cậy trao gửi tâm nguyện cứu nước.  


Hoàn cảnh và nỗi đau của người cha: Đang làm quan phụng sự nhà Hồ, Nguyễn Phi Khanh đã bị giặc Minh bắt đưa đi lưu đày biệt xứ sang Trung Quốc không còn hy vọng trở về. Biên ải phía Bắc này chính là nơi cụ vĩnh biệt Tổ quốc, quê hương và người con thân yêu của mình. Tâm trạng buồn thương của người đi xa vĩnh viễn bao trùm lên cảnh biên tái vốn đã buồn heo hút lại càng ảm đạm tang tóc, thê lương hơn. Tâm buồn, cảnh sầu tương tác lẫn nhau tạo thành một mối sầu cấp số. Nỗi buồn tái tê lòng tưởng như rộng lớn đến vô hạn: “Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm / Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu / Bốn bề hổ thét chim kêu/ Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình”.

Những câu thơ mở đầu gợi một không gian chung cho toàn bài, đó cũng không khí thời cuộc Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi sống ở đầu thế kỷ XV; cũng là không khí của xã hội Việt Nam những năm 20 thế kỉ XX. Khổ thơ tiếp càng đầm đìa nước mắt, dường như đó là máu lệ: “Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước/ Chút thân tàn lần bước dặm khơi/ Trông con tầm tã châu rơi/ Con ơi, con nhớ lấy lời cha khuyên”. Giờ phút này đây, cha đi chẳng có hy vọng về nữa mà đất nước đang bị lầm than trong gông xiếng nô lệ. Mong muốn được giữ tròn đạo hiếu với cha, Nguyễn Trãi đi theo để phụng dưỡng. 

Nhưng cụ Nguyễn Phi Khanh đã gác tình riêng, dằn lòng khuyên con ở lại tìm phương kế để trả thù nhà cũng là đền nợ nước. Người sắp ra đi vĩnh viễn thường nói những lời gan ruột, thống thiết nhất, những lời mà người sống, nhất là người con phải khắc cốt ghi tâm.


Tình cảnh đau thương tang tóc của đất nước và đồng bào. Người cha chỉ rõ cho con, thực chất là tác giả tái hiện cho người đọc thấy rõ tình cảnh nước nhà khi ấy: “Than vận nước gặp khi biến đổi / Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng / Bốn phương khói lửa bừng bừng/ Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!”. Nghĩa trực tiếp, đoạn thơ tái hiện tình cảnh nước ta khi ấy:  Quân Minh mượn cớ giúp đỡ khôi phục nhà Trần, tiêu diệt nhà Hồ để nhân đó xâm lược nước ta. Nhưng lớp nghĩa ẩn sâu bên trong người đọc đều cảm nhận được là hình ảnh quê hương, Tổ quốc Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và sự bạc nhược, hèn nhát của vua quan nhà Nguyễn đương thời. Cách đặc tả “khói lửa bừng bừng, thành tung quách vỡ” kết hợp với những hình ảnh ẩn dụ và phóng đại “xương rừng, máu sông” cùng những chi tiết khái quát “bỏ vợ lìa con, xiêu tán hao mòn...” nối tiếp nhau vừa miêu tả hiện thực đất nước đau thương đương thời vừa lên án tội ác vô cùng dã man của kẻ thù. Lời thơ tả thực trĩu nặng những cám xúc xót thương và căm giận. Những câu thơ trên của Á nam Trần Tuấn Khải gợi nhớ những lời văn hùng hồn trong Bình Ngô đại cáo bất hủ của Nguyễn Trãi: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ… Lẽ nào trời đất dung tha/ Ai bảo thần dân chịu được”. Chắc chắn người đọc sống trong hoàn cảnh đất nước mất chủ quyền dễ dàng đồng cảm với nhà thơ: Thực tế cuộc sống của dân ta lúc bấy giờ có khác gì thời kỳ giặc Minh đô hộ? Hơn nữa, sau những dòng thơ cực tả như thế, tác giả trực tiếp bày tỏ cảm xúc bằng những lời cảm thán, những tiếng nói từ gan ruột mà cất lên: “Thảm vong quốc kể sao cho xiết/ Trông cơ đồ nhường xé tâm can / Ngậm ngùi đất khóc giời than/ Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!”. Ở đây, tác giả sử dụng nhiều từ ngữ mang tính ước lệ, tuy xưa cũ nhưng vẫn diễn tả được khái quát một thời đen tối của đất nước và bộc lộ nỗi uất hận, buồn đau tột cùng vì sự bất lực của mình. 

Khổ thơ trên và phần thơ tiếp nối, tác giả đã sử dụng nhiều hình ảnh lớn lao, kì vĩ mang tầm vóc vũ trụ: “đất khóc, giời than, Khói Nùng Lĩnh xây khối uất, Sóng Hồng Giang nhường vật cơn sầu...”. Nỗi đau mất nước, mất tự do như lên đến tột đỉnh cứ dâng trào. Nhà thơ sử dụng thành công nhiều từ ngữ khoa trương và ẩn dụ đặc sắc gợi tả những cung bậc cảm xúc đa dạng: vừa thổ lộ nỗi đau đớn xót xa vừa khơi gợi lòng căm hờn cháy bỏng đối với lũ giặc hung tàn.           

Thức tỉnh lòng yêu nước, tin cậy trao gửi tâm nguyện cứu nước. Không chỉ gợi lại tâm trạng đau thương vì quê hương bị giày xéo, tác giả còn viết những vần thơ tràn đầy tâm huyết nhằm kích thích lòng yêu nước thương nòi của mỗi con dân nước Việt. Ở đây, người cha mong người con thấu hiểu cho sự bó buộc của mình: “Cha xót phận tuổi già sức yếu / Lỡ sa cơ đành chịu bó tay / Thân lươn bao quản vũng lầy / Giang sơn gánh vác sau này cậy con”. Những câu thơ trên nêu rất cụ thể hoàn cảnh: Chủ thể trữ tình tuổi đã già, điều kiện bị bó buộc vì giặc bắt. 

Hình ảnh ẩn dụ “Thân lươn bao quản vũng lầy” đã gợi cảm cả một thân phận lấm láp tủi nhục,vất vả đến tội nghiệp. Hoàn cảnh của Nguyễn Phi Khanh có sự tương đồng nhiều mặt với tác giả. Chính Á nam Trần Tuấn Khải khi tham gia hoạt động đấu tranh, trên đường vượt biên ra nước ngoài cũng đã bị giặc Pháp bắt, bị kết án treo. Song bè lũ thực dân chỉ có thể quản thúc được con người ông, còn tâm hồn và chí hướng của ông chúng làm sao kiểm soát nổi? Ông đã dùng ngòi bút để thức tỉnh, khích lệ đồng bào, khơi gợi truyền thống đánh giặc của cha ông, bày tỏ niềm tự hào về lịch sử đấu tranh anh dũng bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc với sự xuất hiện của  bao anh hùng, hiệp nữ: “Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định… / Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!”. Ngẫm xưa để nghĩ về nay nhiều hơn, người cha muốn thắp lên trong người con mình đã gửi trọn niềm tin lòng yêu nước sâu nặng và  ý chí quyết tâm cứu tổ quốc, giành lại cơ đồ mà ông cha đã bao đời hy sinh, gìn giữ. 

Những khổ thơ trên sử dụng rất nhiều từ Hán Việt: Giang sơn, hoàng thiên, biên thùy, anh hùng, hiệp nữ… gợi sắc thái trang nghiêm, kính cẩn. Đặc biệt từ “cậy con” được tác giả sự dụng đắt giá. “Cậy” là một sự nhờ vả mà người đi nhờ đã phó thác, tin tưởng hoàn toàn tuyệt đối nên đối tượng được nhờ không nỡ và không thể chối từ. Liền đó, tác giả nêu lên những dẫn chứng tiêu biểu, xác thực về những tấm gương anh hùng cứu nước sáng ngời trong lịch sử dân tộc ta.

Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng dấy binh, cho dù thế giặc rất mạnh, thủ lĩnh dù là nữ nhi “Phận liễu bồ xoay với cuồng phong” nhưng để  “Giết giặc nước, trả thù chồng” với quyết tâm rất cao, Hai Bà cùng toàn thể quân dân ta đã làm nên sức mạnh chiến thắng rạng rỡ “Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi”. Liền đó, tác giả gợi nhớ về những trang sử hào hùng của dân tộc đời nhà Trần: ba lần chiến thắng kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới thời ấy là giặc Nguyên Mông nhờ sự chỉ huy tài tình lỗi lạc của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn: “Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến/ Vì giống nòi quyết chiến bao phen / Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên/ Gươm reo chính khí nước rền dư uy”. Nhờ phát huy sức mạnh tình đoàn kết tướng sỹ và cả dân tộc khi đó, quân dân ta bảo vệ được chủ quyền độc lập, uy tín trong khu vực và thế giới được nâng lên. Từ những ví dụ nhỡn tiền, những dẫn chứng đầy sức thuyết phục “Coi lịch sử gươm kia còn tỏ” đó, người cha đã căn dặn con bằng những lời, những câu thấu nghĩa, thấu tình: “Con nay cũng một người trong nước”, xác định rõ trách nhiệm của người con  đối với đất nước ở tư cách công dân.

Từ đó, người cha khuyên con phải có cách  giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa riêng và chung, giữa thù nhà và nợ nước. Việc tác giả viết hoa và dùng từ Hán Việt các chữ “Gia” và “Quốc” là có chủ ý: “Phải nhắc câu Gia, Quốc đôi đường”. Với mỗi con người, gia đình là rất quan trọng nhưng quốc gia còn quan trọng hơn. Đây là lời khuyên chí tình của người cha: “Làm trai hồ thỉ bốn phương / Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng”. Trong câu thơ nói “hồ thỉ” là từ cổ, để chỉ tên bằng cỏ bồng. Người xưa hay nói Tang bồng hồ thỉ, nghĩa là cung làm bằng gỗ dâu, tên làm bằng cỏ bồng. Xưa ở Trung Quốc, hễ đẻ con trai thì dùng loại cung tên này bắn sáu phát: Bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, còn một phát xuống đất. Ngụ ý của việc làm là sau này trưởng thành, người con trai sẽ mang chí lớn, tung hoành dọc ngang giữa trời đất, tự do trong hành động, không chịu bất kỳ một sự gò bó, ràng buộc nào. Sống như vậy mới không thẹn với trời đất, với dòng dõi con Hồng cháu Lạc. Có thể nói những câu thơ trên là tha thiết và chất chứa nhiều tâm huyết nhất của tác giả. Ngay sau những câu thơ này,  người cha – tác giả còn nêu lên một quan điểm sống, một nhân sinh quan rất  đúng đắn và tiến bộ: phê phán, phủ nhận lối sống  vật chất “tham phú quý”, cam tâm nô lệ “bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai” của những kẻ cơ hội, vụ lợi. Lối sống như thế thật là “ô danh, nhục nhã”, bị bêu riếu muôn đời. Như vậy vẫn  chưa đủ, người cha còn khuyên nhủ con một lần nữa:  “Lời cha dặn khắc xương để dạ / Mấy gian lao con chớ sai nguyền / Tuốt gươm thề với vương thiên / Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu”.  Tác giả dùng  nhiều từ Hán Việt và hình ảnh  trang trọng, gợi không khí thiêng liêng và thống thiết nhất để khuyên con  “Gan tráng sĩ vững sau như trước/ Chí nam nhi lấy nước làm nhà” và “Phải tính sao vẹn cả đôi đường”. Con theo đuổi chí hướng cứu nước lúc này là con đường duy nhất đúng, vừa ích nước, vừa lợi nhà, thực hiện  được chí lớn của đấng nam nhi. Có như vậy, cha dù cho gửi xương nơi đất khách quê người cũng mát mặt cam lòng. Kết thúc bài thơ chí thiết này  là một câu thơ độc đáo vừa  như một tiếng kêu thống thiết lại vừa như một tiếng khóc bi thương, đứng riêng cả một khổ thơ “Con ơi! Hai chữ nước nhà”.

Ở câu thơ có ý nghĩa chốt lại áng thơ này, một lần nữa tác giả viết hoa hai chữ nước nhà, từ dùng thuần Việt này gợi sắc thái bình dị, gần gũi hoàn toàn khác ở phần trên. Có lẽ đối tượng tác giả muốn thức tỉnh lòng yêu nước và chí hướng cứu nước ở cả hai tầng lớp trí thức và bình dân chăng? Lối kết bài thơ như thế thêm khắc sâu trong tâm khảm người con – cũng là với bạn đọc ý thức trách nhiệm đối với đất nước, nhân dân.
 
Để hiểu đúng thi phẩm này, cần đặt trong hoàn cảnh mà nó ra đời là thuộc dòng văn học công khai  hợp pháp. Muốn tránh được màng lưới kiểm duyệt gắt gao của chính quyền đương thời, tác giả phải khéo léo và rất kín đáo bài thơ mới có thể đến được với bạn đọc và đông đảo quần chúng. Nếu không yêu nước, yêu dân thiết tha, không cháy bỏng tâm nguyện cứu nước, thi sỹ không thể có được những bài thơ lay động, thức tỉnh lòng người đến như vậy. Đúng như cách nhà thơ Nguyễn Đình Thi cảm nhận: “... Tôi nghĩ thơ của cụ Á Nam như là khí phách của dân tộc, như ngọn lửa nghìn năm thấm vào lớp sĩ phu ở cái thời chúng ta mới mất nước. Và trong thơ ca của cụ Á Nam vừa có cái văn hiến uyên bác đã nhiều đời của dân tộc, nhưng lại có cái hồn dân gian của người dân rất bình thường...”.  Đọc thi phẩm này cùng với các bài thơ khác như  “Gánh nước đêm”, “Tiễn chân anh Khóa xuống tàu”, “Mong anh Khóa”, “ Gửi thư cho anh Khóa”… ta càng thêm ngưỡng mộ và cảm phục  một người thiết tha yêu nước thương nòi như cụ Á nam Trần Tuấn Khải.
 
Thạc sỹ Nguyễn Thị Thiện

Bạn đang đọc bài viết "Trần Tuấn Khải qua bài thơ "Hai chữ nước nhà"" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.