Nhạt nhòa bản sắc
Trước đây, người K’Ho sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên và theo tín ngưỡng đa thần, sống hòa mình và biết ứng xử hài hòa với môi trường tự nhiên. Theo quan niệm của người K’Ho Sre: Mỗi ngọn núi, khu rừng cho đến từng con sông, thung lũng, đất, trời… đều có các vị thần linh (Yàng) ngự trị. Vì vậy, người K’Ho Sre thường tổ chức các lễ hội cúng Yàng với mong muốn cầu thần linh che chở, bảo vệ, cho mưa thuận gió hòa, cây cối sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt, bội thu; cầu cho mọi nhà được no đủ và cuộc sống của cộng đồng ngày càng sung túc hơn.
Trong một năm, người K’Ho Sre thường tổ chức nhiều lễ hội cúng Yàng, như: cầu mưa, cúng bến nước, cúng rừng núi… cho đến các lễ hội cầu mùa, như gieo sạ lúa, cúng dưỡng lúa (Nhô wèr) và Mừng lúa mới (Nhô lir bong hay còn gọi là Tết của người K’Ho Sre). Mỗi lễ hội tuy có tầm quan trọng và qui mô khác nhau nhưng bà con đều tổ chức một cách bài bản, trang nghiêm thể hiện tính linh thiêng.
Nhìn chung, các lễ hội này tuy chỉ mang tính chất nông nghiệp nhưng thông qua nó, các nét đẹp văn hóa truyền thống có dịp được thể hiện và phô diễn, như: hội họa, dân ca dân vũ, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, hát kể sử thi… cho đến ẩm thực.
“Thường thì lễ hội luôn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người K’Ho Sre, là nơi khơi dậy, làm sống lại không gian thiêng liêng và đưa con người trở về với cội nguồn, nơi đó không chỉ tôn lên những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mà nó còn đề cao các giá trị nhân văn sâu sắc; khơi dậy đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, duy trì và phát huy tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng, niềm lạc quan và lòng tự hào của dân tộc” - già K’Tiếuh, xã Đinh Lạc nói.
Nếu như trước đây, các buôn làng K’Ho ở Di Linh đều duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc thì ngày nay chỉ còn lại một số thôn còn duy trì và tổ chức một số lễ hội, như lễ hội Nhô Wèr, nhưng việc tổ chức cũng không còn bài bản như trước kia.
Nghệ nhân K’Brel ở thôn Kròt Dờng, xã Bảo Thuận cho biết: “Muốn duy trì tổ chức lễ hội đã khó, mà muốn thực hiện theo nghi thức, bản sắc truyền thống thì lại càng khó hơn. Đây là trăn trở chung của các nghệ nhân nói riêng và những người tâm huyết với văn hóa truyền thống K’Ho Sre nói chung.
Ngày nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên người K’Ho không thể duy trì tổ chức các lễ hội theo nghi thức và bản sắc truyền thống, như: Cuộc sống ngày càng phát triển, đổi mới; có sự tiếp nhận, giao thoa văn hóa ngoại lai; những người có tâm huyết, các bô lão ở các buôn làng nay không còn nhiều như trước kia…, những người am hiểu sâu sắc về văn hóa K’Ho Sre nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, theo từng năm, công tác tổ chức cũng khá hời hợt và sơ sài, thiếu bản sắc, kém phần trang nghiêm và tính linh thiêng của lễ hội”.
Qua tìm hiểu ngoài yếu tố khách quan, như dưới sự tác động nhiều mặt của sự phát triển xã hội, hội nhập giao thoa văn hóa, môi trường tự nhiên bị xâm hại, kinh phí tổ chức khá cao… thì ý thức trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc ít người của các vị già làng, trưởng bản cho đến các cấp chính quyền địa phương nơi sở tại còn nhiều hạn chế.
Trước đây, trong một năm, người K’Ho Sre thường tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, như gieo sạ, rửa chân trâu, nhô wèr (cúng dưỡng lúa) và mừng lúa mới… nhưng ngày nay, các lễ hội này đều “vắng bóng” và chỉ có lễ hội Nhô wèr còn được một số buôn duy trì tổ chức.
Là một trong những người có tâm huyết với văn hóa K’Ho Sre, già K’Krêng ở xã Bảo Thuận, trăn trở: “Hằng năm, tôi đều duy trì tổ chức những lễ hội truyền thống thuộc phạm vi gia đình. Hiện nay, vẫn biết việc tổ chức lễ hội truyền thống không còn bản sắc như trước kia; các giá trị văn hóa đã bị mai một nhiều, thật khó để có thể gìn giữ, bảo tồn. Hơn nữa, hiện nay do đời sống của bà con ngày càng nâng cao, việc canh tác lúa đều dùng máy móc, không còn dùng sức kéo của con trâu nữa; những người già tâm huyết với văn hóa truyền thống nay cũng không còn nhiều. Còn những thế hệ trẻ bây giờ chỉ làm cho có và không còn bài bản như trước kia”.
Trăn trở công tác bảo tồn
Phải khẳng định rằng, các lễ hội truyền thống có vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa của người K’Ho Sre nói riêng. Hiện nay, các lễ hội này đã và đang có nguy cơ biến mất, một số lễ hội tuy còn duy trì nhưng việc tổ chức còn quá hời hợt, sơ sài, thiếu bản sắc và tính linh thiêng. Bên cạnh đó, nhiều bà con có vẻ thờ ơ, kém mặn mà với lễ hội văn hóa truyền thống; các thế hệ trẻ ngày nay cũng chưa thật sự hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa của các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc mình…
Để bản sắc văn hóa lễ hội truyền thống không bị mai một, trước tiên việc triển khai tổ chức cần bàn bạc cụ thể, nghiêm túc; mỗi người dân, nhất là thế hệ đi trước cũng cần nâng cao ý thức truyền dạy, kể lại những ý nghĩa, giá trị văn hóa của các lễ hội cho thế hệ trẻ hiểu biết… Có như vậy, việc giữ gìn bản sắc lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào K’Ho Sre ở Di Linh mới được bảo tồn và phát huy.
(Theo Báo Lâm Đồng)