Trà Vinh quan tâm chăm lo đời sống vật chất, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer

13/11/2022 14:37

Theo dõi trên

Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer, với hơn 390.000 người, chiếm trên 31% dân số toàn tỉnh. Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

btkhmertravinh-1668324959.jpg
Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh được khánh thành vào năm 1995, lưu giữ rất nhiều hiện vật phong phú về đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn: travinh.gov.vn

Xây dựng nơi bảo tồn về các giá trị di sản văn hóa

Năm 1992, ngay khi được tái thành lập, Tỉnh ủy Trà Vinh đã đề ra Nghị quyết số 01-NQ/TU về chương trình phát triển toàn diện vùng đồng vào dân tộc Khmer trong tỉnh. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thực hiện nhiều hoạt động, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương, ngân sách tỉnh cùng nguồn vốn hợp pháp khác tập trung đầu tư hàng ngàn công trình, dự án…nhằm nâng cao cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bàoKhmer.

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, song song với việc quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí, tỉnh chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer. Cụ thể, năm 1995, tỉnh xây dựng Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh. Đây là Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long được đưa vào hoạt động lúc bấy giờ.

Đến nay, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh đã sưu tầm, hệ thống hóa và trưng bày khoảng trên 1.000 hiện vật thể hiện rõ nét đời sống văn hóa, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán của đồng bào... Hiện, toàn tỉnh có 40 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được công nhận là các cơ sở thờ tự. Riêng lễ hội Ok-Om-Bok do Trà Vinh tổ chức hàng năm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đặc biệt, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh hiện lưu giữ một bảo vật quốc gia được công nhận vào năm 2016. Đó là ngẫu tượng Linga - Yoni (tượng trưng cho bộ phận sinh thực khí Nam - Nữ) chất liệu bằng đá thủy tinh trong suốt (Crystal rock). Bảo vật này được các nhà khảo cổ học thuộc Viện khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện trong quá trình khai quật di chỉ khảo cổ học Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú vào năm 1986.

Bà Sơn Thị Hiền, viên chức Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh bày tỏ sự tự hào mỗi khi được hướng dẫn, thuyết minh cho khách đến tham quan, tìm hiểu hiện vật, nét độc đáo về văn hóa của dân tộc Khmer Trà Vinh nói riêng và đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung.

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh thường đón nhiều khách tham quan vào các dịp lễ, Tết và ngày nghỉ cuối tuần… Những ngày bình thường, Bảo tàng tiếp đón khoảng 100 khách/ngày. Ngoài khách du lịch, Bảo tàng đón nhiều nhất là đoàn học sinh đến từ các trường dân tộc nội trú, khách nước ngoài tới tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa dân tộc Khmer.

Những tháng cuối năm 2022, Bảo tàng sẽ hoàn chỉnh thêm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của dân tộc Khmer để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, đơn vị xây dựng dự toán, kế hoạch, tờ trình xin chủ trương xây dựng hồ sơ văn hóa phi vật thể về nghề dệt chiếu Cà Hom - Bến Bạ của đồng bào Khmer tại xã Hàm Tân, huyện Trà Cú để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong năm 2023.

2011baotang-1668325003.jpg
Một số hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Trà Vinh. Nguồn: travinh.gov.vn

Bảo tồn chữ viết và nâng cao nguồn nhân lực

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer, nhiều năm qua, Trà Vinh không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, triển khai hiệu quả việc giảng dạy, học tập chữ Khmer cho con em đồng bào trong tỉnh.

Ông Thạch Mu Ni, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh có 8 trường dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, với khoảng 3.000 học sinh theo học mỗi năm. Trên địa bàn tỉnh có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer đều tổ chức giảng dạy chữ Khmer tại điểm chùa. Đây là hoạt động thường niên luôn nhận được sự ủng hộ, khuyến khích từ chính quyền địa phương và Phật tử, trở thành phong trào học tập mạnh mẽ, góp phần quan trọng gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer.

Đưa tiếng Khmer vào giảng dạy tại một số trường phổ thông, tại điểm chùa giúp con, em đồng bào hình thành, phát triển kỹ năng sử dụng chữ Khmer, mở rộng hiểu biết về văn hóa dân tộc của mình, bồi dưỡng tinh thần đoàn kết dân tộc, nâng cao ý thức tự hào công dân Việt Nam.

Cùng với việc dạy chữ Khmer ở các trường phổ thông, Trà Vinh là tỉnh duy nhất trong cả nước đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer ở bậc đại học tại Trường Đại học Trà Vinh.

Hơn 10 năm nay, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ của Trường Đại học Trà Vinh đào tạo đa ngành, đa cấp, cung cấp nguồn nhân lực dân tộc Khmer trí thức cho tỉnh, ở Nam Bộ cũng như cả nước.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm như làm phiên dịch viên, công tác trong cơ quan Nhà nước, công ty của Việt Nam đang hoạt động tại Campuchia… Ngoài miễn học phí, sinh viên còn được hỗ trợ sinh hoạt phí…

Cùng với đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer ở bậc đại học, năm 2014, Trà Vinh thành lập Trường Trung cấp Pali Khmer. Đây trường nội trú với các chế độ chính sách tương tự các trường dân tộc nội trú hiện hành. Ngôi trường đặc thù này dành cho tăng sinh (chủ yếu theo hệ phái Nam tông Khmer) được đào tạo tổng hợp chương trình giáo dục thường xuyên, tiếng Pali, Ngữ văn Khmer và giáo lý Phật giáo.

Thầy Lâm So Rone, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Pali Khmer cho biết, việc thành lập trường là nguyện vọng lớn nhất của các vị cao tăng, các vị lão thành cách mạng người Khmer trên địa bàn tỉnh. Bởi tăng sinh, sinh viên khi có bằng Trung cấp Pali Khmer sẽ đủ điều kiện học tiếp lên cao đẳng, đại học. Đến nay, Trường Trung cấp Pali Khmer Trà Vinh đã đào tạo được 6 khóa với 176 tăng sinh; trong đó, có 75 vị tiếp tục học lên cao đẳng, đại học và 20 vị làm trụ trì, phó trụ trì các chùa Khmer trong tỉnh. Một số vị hoàn tục đi làm việc ở nước ngoài. Từ ngôi trường này, các vị sư có mong muốn học tập nâng cao hơn nữa sẽ đủ điều kiện để du học lên Tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ, Sri Lanka...

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, tỉnh đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn. Trong giai đoạn I (2022-2025), tỉnh thực hiện 10 dự án, với tổng kinh phí đầu tư trên 1.711 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 1.124 tỷ đồng.

Năm 2022, tỉnh bố trí hơn 400 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng chính sách và vốn huy động hợp pháp khác tập trung đầu tư vào các dự án thiết yếu phục vụ dân sinh. Trong đó, tỉnh ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh.

Theo TTXVN
Bạn đang đọc bài viết "Trà Vinh quan tâm chăm lo đời sống vật chất, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.