TP.HCM lên kế hoạch xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp

19/10/2021 20:41

Theo dõi trên

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, từ nay đến năm 2025, thành phố có kế hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.

quan-1-1634650955.jpg
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân. Ảnh: P.V

Sáng 19/10, kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa X tiếp tục với phiên thảo luận với nhiều nội dung quan trọng. 

Báo cáo về chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến xây dựng 50 triệu m2 sàn, với 366.00 căn. Trong đó, có 30.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp trên địa bàn. 

Theo số liệu khảo sát, hiện trên địa bàn thành phố có 99.106 căn nhà cho thuê, 723.000 phòng cho thuê, số người thuê là 1.699.000 người. Trong đó, gần 900.000 là công nhân, số còn lại là những người thu nhập thấp khác. 

Theo ông Quân, trong năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành hướng dẫn cho hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở. Thời điểm đó chưa bùng phát dịch Covid-19 nên tiêu chí quan trọng nhất là thoát hiểm, cứu hộ - cứu nạn và phòng cháy chữa cháy. 

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành kế hoạch kiểm tra từng khu nhà trọ để xác định những nơi không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, mức độ thông thoáng để phòng, chống lây lan dịch bệnh. 

Cụ thể, Sở Xây dựng đã đề xuất những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các chủ nhà trọ cũng như công nhân thuê trọ để có nơi ở tốt hơn.

Về chương trình chỉnh trang đô thị, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM có chương trình chỉnh trang chung cư hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn. Qua kiểm định 474 chung cư cũ có 14 chung cư cấp D, tức cấp nguy hiểm và có khả năng sụp đổ. 

Sở đã tham mưu cho UBND TP.HCM lên kế hoạch và cụ thể thành phố đã hoàn tất các thủ tục khi Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn, tạo điều kiện thông thoáng hơn về cơ chế, chính sách cho nhà đầu tư tham gia xây mới chung cư cũ. 

Dự kiến trong quý 1/2022, TP.HCM sẽ triển khai xây mới những chung cư cũ đã đủ điều kiện xây dựng lại, tiếp tục rà soát để kiểm định các chung cư cũ còn lại theo kế hoạch. 

Với chương trình giải toả nhà ở trên và ven kênh rạch, giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đã giải toả hơn 2.000 căn nhà, hiện vẫn còn 20.000 căn cần giải toả. UBND TP.HCM cũng đã có những cơ chế, chính sách kêu gọi nhà đầu tư tham gia chương trình này. 

“Trong chương trình phát triển nhà ở, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM kết hợp nhà ở xã hội trong các khu dân cư và dự án để phục vụ việc giải toả nhà ở trên và ven kênh rạch”, ông Quân cho biết.

tt-1634651011.jpg
Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua hàng chục năm vẫn còn dang dỡ vì vướng khiếu kiện. Ảnh: P.V

Đấu giá gần 4.000 căn nhà tại Thủ Thiêm để thu ngân sách

Cũng tại kỳ họp, Chủ tịch TP.HCM yêu cầu cần tập trung vào 3 nhóm vấn đề để tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thứ nhất, nguồn vốn và nguồn lao động; cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, TP vừa tập trung hỗ trợ khu vực sản xuất, dịch vụ chủ lực có giá trị sản xuất, xuất khẩu lớn và đóng góp vào ngân sách. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm bị tổn thương nặng sau thời gian giãn cách. UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát từng dự án, công trình, đảm bảo tiến độ, khối lượng, phấn đấu giải ngân 95% vốn đầu tư công.

Thứ hai, triển khai các nhóm giải pháp thu ngân sách hợp lý, đảm bảo tỷ lệ thu cao nhất có thể. "Trong tháng 11 và 12, TP sẽ tiến hành đấu giá 3.970 căn nhà và 8 lô đất của Khu đô thị mới Thủ Thiêm để thực hiện kết luận, chỉ đạo của Trung ương", ông Mãi thông tin.

Về văn hóa - xã hội, TP sẽ đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người già neo đơn, trẻ mồ côi; có kế hoạch tri ân những đóng góp và mất mát, hy sinh trong đại dịch; tổ chức khen thưởng cho các cá nhân, đơn vị có đóng góp trong đại dịch.

Đồng thời, tổ chức các đoàn đi đến địa phương, bộ, ngành đã hỗ trợ thành phố, trực tiếp gửi lời cảm ơn.

Thứ 3, UBND TP sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất cải thiện nhà trọ, nhà trên kênh rạch, nhà thay thế chung cư cũ... để đảm bảo đời sống cho người dân.

Cuối cùng, UBND TP tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, gắn với kế hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

“Lẽ ra TP sẽ trình sớm cho HĐND TP, tuy nhiên do diễn biến dịch cũng như cập nhật thêm các định hướng về kinh tế - xã hội cũng như các chính sách. TP đã chỉ đạo các sở, ngành sẽ khẩn trương hoàn thiện để trình HĐND kỳ họp tới”, ông Mãi nói lý do./.

Thuận Hòa
Bạn đang đọc bài viết "TP.HCM lên kế hoạch xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.