TP. Hồ Chí Minh: Cần gắn liên kết phát triển các tour du lịch đến với các bảo tàng

06/10/2022 11:17

Theo dõi trên

Đoàn giám sát của HĐND TPHCM do đồng chí Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát Sở Văn hoá và Thể thao TP về tình hình thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-HĐND của HĐND TP về kết quả giám sát việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP và Khảo sát công tác chuẩn bị nội dung chương trình Dân hỏi Chính quyền trả lời tháng 10 chủ đề “Phát huy giá trị Lịch sử - Văn hóa trong phát triển Du lịch tại TPHCM”.

04-10-2022vhoa-2-1665029779.jpg
Quang cảnh buổi giám sát.

Từ khi thực hiện Nghị quyết 52 của HĐND TP, các di tích được quản lý, bảo vệ ngày một hiệu quả hơn, hạn chế tối đa tình trạng xâm hại di tích, lấn chiếm di tích và tu bổ di tích trái quy định, công tác an ninh, an toàn tại di tích được đảm bảo. Đồng thời, phối hợp tốt các sở, ban, ngành TP có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn quản lý theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Chủ động tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Không để xảy ra tình trạng mất an ninh trận tự, xâm hại, lấn chiếm di tích; tu bổ, tôn tạo di tích trái quy định.

Tính đến hết tháng 7/2022, trên địa bàn TP có 185 di tích được xếp hạng; công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích đang đẩy nhanh với kế hoạch hàng năm xếp hạng di tích là 5 di tích. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn TP đã xếp hạng các di tích: Trụ sở UBND TP, đình Linh Đông, đình Thái Bình, đình Bình Trị Đông, đình Tân Thới, chùa Từ Quang, “Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hy sinh tại vùng bưng Láng Sấu”...

Về công tác điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích và kiểm kê hiện vật thuộc di tích được xếp hạng trước năm 2001 để phù hợp với tình hình thực tế và quy định hiện hành, như di tích Hội quán Nghĩa Nhuận, Hội quán Ôn Lăng, Hội quán Tuệ Thành, Hội quán Nghĩa An, Lò gốm cổ Hưng Lợi, Địa đạo Phú Thọ Hòa, chùa Phước Tường...

Hiện nay, nhiều dự án tu bổ di tích đang hoàn chỉnh để sớm khởi công như: di tích Giồng Cá Vồ, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP, chùa Giác Viên (giai đoạn 2), đình Chí Hòa, đình Tân Túc, đình Phú Lạc, đình Bình Trường... Việc bố trí nguồn ngân sách tu bổ khoảng 35 di tích đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất trong giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, nhiều di tích đang được thi công tu bổ, phục hồi như: Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP, Viện Pasteur, chùa Phụng Sơn, chùa Sắc Tứ Trường Thọ, đình Xuân Hiệp, đình Linh Đông, chùa Phước Tường...

Ngoài ra, công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích được đẩy mạnh, các di tích có giá trị về lịch sử - văn hóa đang được lập hồ sơ như: Trụ sở UBND Quận 1, chợ Bến Thành, chợ Tân Định, nhà Thiếu nhi TP, Trường Đại học Sài Gòn, Bệnh viện Mắt...

gs-34675467-1665029831.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thúy phát biểu tại buổi giám sát.

Trao đổi thêm về xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với di tích lịch sử, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa phi vật thể, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thuý cho rằng, đây chính là nền kinh tế không khói, công nghiệp phân phối và nền kinh tế tổng hợp đó là du lịch. Do đó, du lịch phải gắn chặt với tất cả các ban, ngành khác.

“Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá trên địa bàn TP”- đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thuý nhấn mạnh và cho rằng để triển khai cần những nguồn lực đầu tư và sự quan tâm của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, xây dựng một sản phẩm hướng đến đối tượng và cần có các công trình phụ trợ dịch vụ cho một điểm đến du lịch.

Trao đổi về hoạt động nghệ thuật sân khấu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Nguyễn Thị Thanh Thuý cho biết, Sở đã đề xuất UBND TP xây dựng Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tại Phú Thọ với diện tích 2,7ha, trong đó, có nhà truyền thống của cải lương. Bên cạnh đó, nơi đây sẽ còn là nơi diễn ra các hoạt động phục vụ du khách. Ngoài ra, sẽ có các hoạt động hỗ trợ từ tìm hiểu, học tập, giáo dục cho giới trẻ và giới thiệu cho du khách tất cả những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống.

Tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thuý kiến nghị cần sửa đổi Luật Di sản văn hoá để phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời, xem xét ban hành đơn giá áp dụng riêng đối với các dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục chế di tích; quy chuẩn về nguyên, vật liệu thực hiện trong tu bổ, tôn tạo di tích. Xem xét bổ sung quy định chế độ hỗ trợ cho các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú và điều chỉnh mức quy định hỗ trợ đối với các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, quan tâm bố trí nguồn vốn cho tu bổ, phục hồi di tích, do hiện nay, di tích đã xuống cấp nghiêm trong nhưng chưa được bố trí vốn để thực hiện. Xem xét bố trí nguồn ngân sách hàng năm để tu sửa cấp thiết khoảng 5 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sụp đổ, khoảng 1 tỷ/1 di tích.

Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Cao Thanh Bình cho rằng, Sở Văn hoá và Thể thao TP cần mạnh dạn đề xuất chính sách, miễn giảm cho sinh viên và học sinh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, quảng bá đến sinh viên, học sinh về các hoạt động bảo tàng trên địa bàn TPHCM.Ngoài ra, cần gắn liên kết phát triển các tour du lịch đến với các bảo tàng, hoặc trong 20 sự kiện lễ hội của TP hàng năm, các sự kiện cần gắn kết, phối hợp với các bảo tàng trên địa bàn TPHCM để hoạt động này ngày càng hiệu quả hơn, thu hút nhiều du khách đến với bảo tàng…

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "TP. Hồ Chí Minh: Cần gắn liên kết phát triển các tour du lịch đến với các bảo tàng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.