Một chung cư cũ ở TP HCM.
Nhà dột nát, xuống cấp, ô nhiễm môi trường, mất trật tự.. là những vấn đề mà hàng chục ngàn hộ dân đang sống trong những khu chung cư cũ tại TP HCM phải đối mặt. Thậm chí, hàng ngàn người ở 44 chung cư bị xuống cấp nghiêm trọng đang sống trong sợ hãi vì nơi họ ở không biết sẽ sập lúc nào.
Bà Trần Thị Bích Hương, tổ trưởng tổ dân phố 10, Cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh nói: “Người dân chúng tôi ở đây rất mong muốn Chính quyền cho biết cụ thể kế hoạch di dời, giải tỏa, kế hoạch đền bù, tái định cư và kế hoạch xử lý như thế nào để bà con yên tâm. Hiện nay, người dân ở Cư xá Thanh Đa này nằm trong diện vừa di dời, vừa giải tỏa, không biết sẽ đi đâu hay ở lại nên đời sống rất khó khăn và tâm lý rất hoang mang”.
Quan điểm của Thành ủy, UBND TP HCM là phải nhanh chóng xử lý nhà chung cư hư hỏng, xuống cấp để đảm bảo an toàn cho người dân và chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, hiện thực hóa chủ trương này đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả chính quyền và người dân. Mặc dù Chính phủ đã chấp thuận chủ trương tạo cơ chế đặc thù cho TP HCM, nhưng vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn những “đặc thù” về phân cấp, ủy quyền, quy hoạch, tái định cư.
Nghị định 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ quy định thẩm quyền kiểm định chung cư cũ thuộc Sở Xây dựng. Tuy nhiên, nếu giao cho Sở này kiểm định 474 chung cư hư hỏng trên địa bàn thành phố là khó thực hiện. Vì vậy, Sở Xây dựng nên chịu trách nhiệm xây dựng quy chế, tiêu chuẩn kỹ thuật, ra quyết định tháo dỡ và cấp phép xây dựng.
Còn việc kiểm định, xây dựng, quản lý sẽ phân cấp, ủy quyền cho quận, huyện để thực hiện nhanh hơn.
Ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4, TP HCM cho biết: “Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng chung cư. Trên cơ sở đó, đề xuất với Sở Xây dựng thành phố tháo gỡ khó khăn từng dự án một, để làm sao thực hiện trong thời gian sớm nhất. Cố gắng thực hiện trong năm 2016 và 2017. Đặc biệt, đối với những chung cư sắp sập hoặc có nguy cơ thì chúng ta phải triển khai ngay”.
Đối với việc quy hoạch 1/500 cho những dự án xây dựng lại chung cư cũ, UBND TP HCM nên giao cho cấp quận, huyện thực hiện. Trước khi thực hiện phải có ý kiến của Sở Quy hoạch, kiến trúc. Khi có dự án, có kinh phí thì việc lập kế hoạch, phương án di dời, tạm cư, cưỡng chế, phá dỡ khẩn cấp mới khả thi.
Để việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đạt hiệu quả cao hơn, thành phố cũng nên giao cho quận, huyện thẩm định và lựa chọn chủ đầu tư dự án. Trong đó, phải có tiêu chí rõ ràng để công bằng với các doanh nghiệp như: Doanh nghiệp nào là uy tín, có năng lực, có kinh nghiệm. Chung cư khi xây dựng lại phải hài hòa phần tái định cư cho người dân và phần nhà thương mại để sinh lời cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Quản lý nhà Toàn Cầu cho biết: “Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khi tham gia cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ thì họ cần có lợi nhuận. Để có lợi nhuận thì doanh nghiệp phải được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, cụ thể như: Quy hoạch, tầng cao, mật độ xây dựng, mật độ dân số. Việc tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới chung cư”.
Việc cải tạo chung cư cũ hư hỏng nặng, chính quyền cấp quận, huyện cần bố trí tạm cư cho người dân. Trong những trường hợp cụ thể, nhà đầu tư có thể được chỉ định để các dự án không bị quy hoạch “treo”, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân. Bên cạnh đó, TP HCM cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là để đảm bảo cho họ có chỗ ở khang trang, an toàn và ổn định cuộc sống. Người dân cần hợp tác, chia sẻ khó khăn để cùng với chính quyền địa phương và doanh nghiệp thực hiện công tác này./.
(Theo VOV)