Tổng kết Hội thảo khoa học "Văn hiến Vĩnh Phúc - Truyền thống và hiện đại"

08/12/2016 16:59

Theo dõi trên

Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam trân trọng giới thiệu bài phát biểu tổng kết Hội thảo khoa học "Văn hiến Vĩnh Phúc - Truyền thống và hiện đại" của Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch LH các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức sáng 25/11/2016.


Kính thưa các Đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc qua các thời kỳ,
 
Kính thưa Hội thảo,
 
Tôi đã đọc toàn bộ tập Kỷ yếu với 266 trang in khổ A4 về "Văn hiến Vĩnh Phúc - Truyền thống và hiện đại" và sáng nay lại được nghe thêm phát biểu của các đồng chí lãnh đạo với niềm phấn khích và cảm động sâu sắc. Là đứa con của quê hương, tôi chân thành cám ơn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các nhà văn hóa với những bài viết công phu và đầy trân trọng đã làm nổi bật giá trị về lịch sử, con người và tinh hoa văn hiến Vĩnh Phúc.
 
Xin nồng nhiệt chúc mừng thành công của cuộc Hội thảo, một sự mở đầu tốt đẹp và rất có ý nghĩa trước Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc thân yêu của chúng ta.
 
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo,
 
Kính thưa các quí vị,
 
Thảo luận về nền văn hiến của một vùng đất, thiết nghĩ trước khi tiếp cận các lĩnh vực chuyên môn cũng nên trở lại một nhận thức cơ bản Văn hiến là gì. Sách Từ điển bách khoa Việt Nam định nghĩa: Văn hiến là truyền thống văn hóa tốt đẹp và lâu đời. Trong sách Luận ngữ, Chu Hy đời Tống giải thích: Văn là điển tịch, hiến là tốt đẹp, tài giỏi. Còn văn hóa, thì trong hàng trăm các định nghĩa, tôi thấy định nghĩa của ngài Mayo, nguyên Tổng thư ký UNESCO sau đây là phù hợp nhất và gần gũi nhất với Hội thảo của chúng ta hôm nay. Ngài Mayo viết: "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại nhất đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động. Là toàn bộ những cái qua đó một dân tộc tự biểu hiện mình, tự nhận biết mình và giúp cho các dân tộc khác nhận biết về mình. Văn hóa thể hiện rõ nhất ở tinh thần và bản sắc..."
 
Như vậy, nhiệm vụ đặt ra cho cuộc Hội thảo của chúng ta là phải làm nổi bật các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp và lâu đời của Vĩnh Phúc, giúp cho người đọc nhận rõ gương mặt tinh thần dặc thù của Vĩnh Phúc, làm cho người ta nhận ra có một nền văn hiến Vĩnh Phúc vừa cụ thể, vừa độc đáo làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Trên tinh thần đó, cuộc Hội thảo của chúng ta với sự khảo sát và tiếp cận của rất nhiều ngành chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa, nhân văn đã làm nổi bật các giá trị tinh thần và bản sắc văn hóa Vĩnh Phúc thể hiện tập trung trong 5 giá trị tốt đẹp và lâu đời sau đây:
 
1.  Truyền thống thứ nhất Giá trị tinh hoa của các làng nghề, sớm phá vỡ thế thuần nông, tạo nên sự đa dạng, năng động trong kinh tế và cấu trúc xã hội.
 
Vĩnh Phúc là một vùng đất cổ với rất nhiều địa tầng văn hóa. Là một vùng đất nằm trong thung lũng rộng lớn giữa ba ngọn núi Nghĩa Lĩnh, Ba Vì, Tam Đảo, có ba con sông chảy qua: Sông Hồng, Sông Đà, Sông Lô, bao gồm ba tỉnh Phú Thọ, Sơn Tây cũ và Vĩnh Phúc. Ba ngọn núi, ba con sông, ba tỉnh thể hiện mối quan hệ Thiên Địa Nhân. Trong vùng đất ấy từ thuở lập nhà nước Văn Lang đầu tiên trong lịch sử, Vĩnh Phúc đã được đặt ở địa bàn chiến lược giữa hai trục Tây Đông -  Bắc Nam. Tây - Đông là từ rừng tiến ra biển, là sự dịch chuyển của trung tâm chính trị và hành chính từ  Việt Trì về Cổ Loa đến Hà Nội. Trục Bắc - Nam là từ đỉnh của đồng bằng Bắc Bộ tiến dần vào phương Nam với tiến trình mở mang bờ cõi oanh liệt của cha ông ta. Sống trong vùng đất chiến lược ấy, Vĩnh Phúc nhận trách nhiệm trước lịch sử làm mảnh đất bàn đạp lan tỏa các gia trị của thủ đô của nhà nước Văn Lang. Do đó, một trong những phẩm chất lâu đời làm nên nét đặc sắc của Văn hóa Vĩnh Phúc là sự kết tinh rất sớm giá trị nghệ thuật của các làng nghề.
 
Những tinh hoa của kiến trúc như Tháp Bình Sơn, đình Hương Canh, đình Thổ Tang, đình Phú Vinh, đình Bàn Giản, đình Tiên Lữ, Đền Phú Đa v.v... vô cùng tinh xảo về thổ, mộc, cho chúng ta khẳng định rằng các làng nghề của Vĩnh Phúc hình thành rất sớm và đã đưa các sản phẩm làm bằng tay thành đỉnh cao của kiến trúc và hội họa. Tính chất khéo tay, lành nghề này ngày nay chúng ta còn thấy tồn tại và phát triển tại làng mộc Bích Chu, Thanh Lanh, Minh Tân, làng gốm Hương Canh, làng đá Hải Lựu, làng rèn Lý Nhân, đan lát Triệu Đề, rượu Làng Vân. Nhiều người đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và thợ giỏi. Truyền thống của các làng nghề sớm nâng sự tinh xảo thành nghệ thuật là đòi hỏi của quy luật cung cầu trên một vùng đất có vị trí đặc biệt về địa văn hóa. Đó là yêu cầu với các tiêu chuẩn khắt khe của đời sống cung đình từ nhà nước Văn Lang dịch chuyển từ phía Tây của Vĩnh Phúc là Việt Trì đến phía đông của tỉnh là thành Cổ Loa dưới triều đại của vua An Dương Vương, và triều đại Ngô Quyền. Yêu cầu cung tiến những sản vật chất lượng cao là một đòi hỏi khách quan, và nói theo ngôn ngữ mà chúng ta quen dùng ngày nay là một động lực rất quan trọng. Lý do thứ hai là yêu cầu về tôn giáo, tín ngưỡng. Vĩnh Phúc có rất nhiều các đền thờ, và có thời trở thành trung tâm của tín ngưỡng quốc gia. Phật giáo, Nho giáo, đạo giáo, sau này là Thiên chúa giáo là những tôn giáo nhập ngoại, vào nước ta theo nhiều con đường. Nhưng tục thờ quốc mẫu, thờ các vị anh hùng dân tộc, thờ cha mẹ tổ tiên là tôn giáo bản địa của người Việt Nam có từ thời lập quốc. Quốc Mẫu Tam Đảo và Quốc Mẫu Tây Thiên là hai ví dụ điển hình. Ở vàoThời đại vương quyền và thần quyền có sự gắn kết chặt chẽ với nhau thì cái gì ngon nhất, đẹp nhất người ta cung tiến cho Vua, cái gì thiêng liêng nhất, quý nhất, tinh xảo nhất người ta dâng cho các vị tiên thánh. Vua và thánh là hai giá trị đồng thời là hai yêu cầu chất lượng cao của sản xuất vật chất. Cùng với kiến trúc vô cùng tài hoa và điệu nghệ là nghề khắc tượng và vẽ tranh thờ, hai thể loại tạo hình cổ xưa nhất của loài người. Vĩnh Phúc rất có truyền thống về hai loại hình nghệ thuật này. Hiện nay, chúng ta còn lưu giữ được bức tượng trăm mắt nghìn tay ở Chùa Cói (Hợp Thịnh Tam Dương) là một  trong những bức tượng đẹp nhất và cổ nhất về Phật Bà Quan Âm ở Việt Nam và 16 bức tranh thờ của xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài hai động lực chính tiến vua và thờ thánh chúng ta còn phải kể đến nhu yếu thiết yếu của đời sống hàng ngày của nhân dân và nhu cầu trao đổi, giao lưu hàng hóa của người Việt cổ.
 
Như vậy, sự xuất hiện của các làng nghề đã sớm phá vỡ thế thuần nông, tạo nên sự đa dạng, sống động trong kinh tế và cấu trúc xã hội của Vĩnh Phúc.
 
2. Truyền thống văn hiến thứ hai của Vĩnh Phúc là hiếu học.
 
Nhà thơ Bế Kiến Quốc có hai câu thơ rất hay:
 
Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng
 
Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông.
 
Như trên đã nói, Vĩnh Phúc ở vào vùng họp lưu của ba con sông lớn. Ngoài ra, còn có hai con sông liên tỉnh đó là sông Cà Lồ và sông Phó Đáy. Đường sông là giao thông huyết mạch của quốc gia đồng thời là con đường giao lưu văn hóa. Rất dễ hiểu những làng hay chữ nhất của Vĩnh Phúc, những nơi có nhiều vị đỗ đạt nhất đều ở bên các dòng sông. Theo sự thống kê của Thạc sĩ Nguyễn Thị Tân, nhà nước phong kiến có 2898 vị đại khoa, trong đó Vĩnh Phúc có 84 vị. Các huyện có nhiều người đỗ đạt nhất là Vĩnh Tường, Yên Lạc, Yên Lãng, Lập Thạch và Bình Xuyên. Vĩnh Phúc có quyền tự hào về các tên tuổi lớn như tiến sĩ đầu tiên của tỉnh Phạm Công Bình có bia ở Văn Miếu, là Đào Sư Tích đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, Hội, Đình, Trạng nguyên năm Giáp Dần niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374) đời vua Trần Duệ Tông, vị trạng nguyên duy nhất của Vĩnh Phúc trong tổng số 46 trạng nguyên của cả nước; đó là lưỡng quốc Trạng nguyện Triệu Thái, là Nguyễn Duy Thì nhà chính trị kiệt xuất ở thế kỷ thứ XVIII, vân vân.
 
Truyền thống hiếu học đó đã được phát huy mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong kháng chiến chống Pháp ác liệt, sau tiếng súng kháng chiến bùng nổ hơn một năm, Chính phủ kháng chiến đã ra Nghị định thành lập trường Phổ thông Nguyễn Thái Học, nay là trường Phổ thông trung học Trần Phú. 70 năm qua, nhà trường đã đào tạo hàng ngàn học sinh, trong đó có nhiều người trở thành giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia giỏi của nhiều lĩnh vực, tiêu biểu nhất là Đồng chí Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI. Trong chống Mỹ, dưới tầm bom đạn giặc và sơ tán triệt để phong trào dạy tốt học tốt phát triển sâu rộng, cung cấp nguồn nhân lực rộng lớn, đặc biệt là lớp học sinh lên đường nhập ngũ, trải qua khói lửa chiến trường, nhiều người trở thành những cán bộ lãnh đạo chỉ huy tài giỏi, tiêu biểu là Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Trong đổi mới, sự nghiệp giáo dục - đào tạo Vĩnh Phúc thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhất, có nhiều cháu đạt giải thưởng quốc gia và các kỳ thi quốc tế.
 
3. Truyền thống văn hóa thứ ba của Vĩnh Phúc là dám khai phá, mở đường; luôn luôn tự đổi mới, đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển.
 
Như trên đã nói, cùng với sự phát triển của làng nghề, từ rất sớm tổ tiên người Vĩnh Phúc đã phát hiện một quy luật làm giàu: đó là phá thế độc canh trong nông nghiệp. Đồng thời với các làng nghề, giao lưu phân phối trên các dòng sông rất tấp nập. Nhờ trao đổi, buôn bán phát triển, kinh tế trở nên đa dạng, sống động vừa trao đổi vừa tiếp thu và phát triển, sức sản xuất không ngừng được mở rộng. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh sau 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn là đội quân thương nghiệp hùng hậu, chỉ sau một thời gian rất ngắn, người ta đã bắt gặp những người đồng hương Thổ Tang có mặt ở thành phố mang tên Bác với đủ các thứ hàng ở Miền Bắc mang vào.
 
Cha ông ta có câu nói trong cái khó ló cái khôn. Mô hình hợp tác xã là một chủ trương đúng đắn để Nhà nước tập trung cao độ mọi nguồn lực với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng. Đó là yêu cầu khách quan của lịch sử. Nhưng ưu điểm kéo dài thành khuyết điểm. Người phát hiện và dám tìm giải pháp đột phá khắc phục sức ì của Hợp tác xã, lề lối quản lý "Lắm vãi không ai đóng cửa chùa" đó là Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc. Mác đã từng nói, người sản xuất phải luôn luôn gắn với tư liệu sản xuất, nông dân phải gắn với đất, nông dân mà không gắn với đất, không còn yêu đất là báo động đỏ về vấn đề động lực. Khi động lực không còn thì sản xuất ở lĩnh vực nào cũng dẫn đến trì trệ. Chủ tương khoán của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đứng đầu là Đồng chí Kim Ngọc là sự tổng kết trí tuệ của nhân dân đã giúp Hợp tác xã thoát khỏi tình trạng "cha chung không ai khóc", trả lại động  lực cho sản xuất nông nghiệp. Đó là một hành động dũng cảm, khắc phục sự sơ cứng, trì trệ, duy ý chí và chủ nghĩa giáo điều trong chỉ đạo nông nghiệp. Dù có những thăng trầm, nhưng cuộc sống đã khẳng định chủ trương khoán của Vĩnh Phúc là hoàn toàn đúng, là cơ sở để Trung ương đề ra Nghị quyết 10 áp dụng cho cả nước. Tên tuổi Đồng chí Kim Ngọc đã đi vào lịch sử như một kiến trúc sư của những đổi mới trong nông nghiệp, một mẫu mực đáng kính của người cộng sản đặt đời sống của nhân dân lên trên sự an toàn cho chiếc ghế của mình.
 
Bước vào Đổi mới, Vĩnh Phúc tách tỉnh chậm, điểm xuất phát rất thấp, nhưng sớm tìm được hướng đi đúng, biết phát huy những lợi thế so sánh của địa kinh tế, nên có tốc độ tăng trưởng nhanh. Chỉ sau năm năm tái lập, tỉnh đã trở thành thành viên của Câu lạc bộ 1000 tỉ, sau đó là 2000 tỉ. Vĩnh Phúc là nơi đề xuất và xử lý vấn đề tam nông nhiều sáng tạo nhất, chủ trương để một phần đất dịch vụ cho các hộ sau khi huy động đất cho công nghiệp là một chủ trương được lòng dân. Vĩnh Phúc cũng là địa phương đầu tiên xóa bỏ thuế thủy lợi cho dân, sớm quan tâm đến vấn đề quy hoạch, coi công tác quy hoạch là khâu then chốt, khâu đột phá để tỉnh về đích sớm một số chỉ tiêu về công nghiệp hóa. Vĩnh Phúc là tỉnh có tỉ lệ thu nội địa cao, có chính sách thu hút đầu tư mạnh bạo, thông thoáng và là tỉnh đầu tiên đưa ra mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc thành thành phố Vĩnh Phúc.
 
4. Truyền thống thứ tư của Vĩnh Phúc là đưa chủ nghĩa yêu nước đến đỉnh cao, quyết không chịu làm nô lệ, không bị mất nước.
 
Yêu nước là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, được hình thành qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Truyền thống đó đã được các thế hệ người Vĩnh Phúc phát huy đến đỉnh cao với những biểu tượng rực rỡ như những dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta.
 
Trước hết, đó là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, mở đầu cho ý chí quật cường "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" và là tiền thân của đội quân tóc dài trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại vừa qua. Cái điều mà sau này Hồ Xuân Hương đã từng mơ ước... Ví bằng đổi phận làm trai được, thì sự anh hùng há bấy nhiêu" đã được Hai Bà thực hiện chói sáng từ những năm 40 sau công nguyên. Đó là sự kết tinh rất sớm về tài năng quân sự, nghệ thuật điều binh lấy ít thắng nhiều, dựa vào đội ngũ dân binh hùng hậu làm nòng cốt, và khi cảm thấy không thể xoay chuyển được tình thế thì chọn cái chết để giữ chọn thanh danh, đúng như lời nguyền của Hoàng Văn Thụ "Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành". Một tấm gương của hai vị nữ tướng chống lại một đội quân hùng mạnh có ưu thế về mọi mặt cũng là một trường hợp hiếm hoi trong lịch sử quân sự thế giới.
 
Tên tuổi và sự nghiệp nghiêng trời lệch đất của Tả tướng quân Trần Nguyên Hãn được lịch sử ghi công như ngôi sáng nhất của Triều Lê. Trần Nguyên Hãn nghe theo lời khuyên của Nguyễn Trãi lặn lội từ đất Sơn Đông Lập Thạch tìm vào phò tá Lê Lợi và có mặt sớm ở Hội thề Lũng Nhai. Có Trần Nguyên Hãn phò tá trong một thời gian ngắn cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã có sự thay đổi cơ bản về chất lượng và số lượng, cuộc khởi nghĩa trở nên có bài bản về đường lối quân sự, về chiến lược, về sách lược, quân sĩ được tổ chức lại và được huấn luyện để trở thành một đội quân chính quy giành thế chủ động, đánh đâu thắng đó, mở rộng căn cứ địa, dời đại bản doanh từ miền núi Thanh Hóa vào Nghệ An, một vựa đất, vựa người, lương thực dồi dào, đủ cung cấp cho 2 vạn tinh binh. Trong cuộc phản công 15 vạn quân Minh kéo vào nước ta để cứu nguy cho Vương Thông bị vây hãm trong thành Đông Quan, Trần Nguyên Hãn với tư cách  thống lĩnh các lực lượng thủy binh chỉ huy cánh quân phía Đông, đã dùng mưu cao hạ Thành Xương Giang, khiến cho chủ tướng của quân Minh Lý Nhậm và Kim Dậu phải tự sát, và sau đó với đại thắng Chi Lăng Liễu Thăng chủ tướng của đạo quân viện binh bị chém đầu. Chiến thắng Xương Giang và Chi Lăng là hai trận quyết chiến chiến lược buộc Vương Thông phải ký Hội thề Đông Quan và kéo quân về nước. Viết đến đây, tôi bỗng có sự liên tưởng giữa chiến thuật đào giao thông hào chia cắt trung tâm Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với mưu cao đào hầm ngầm xuyên thành rồi bất thần đội đất xông lên dùng câu liêm và dáo mác xả tan tành đội quân Minh trong trận Xương Giang của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Tôi được nghe kể rằng, trong lần về viếng đền thờ Trần Nguyên Hãn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khấn đại ý rằng: Kính thưa Tả tướng quốc, em đã biết Tả tướng quốc từ lâu, nhưng do công việc, hôm nay mới về dâng lễ tạ ơn, xin tiền nhân chứng giám. Tuy bị chính người mà mình hết lòng phò tá bức hại vào năm 39 tuổi, nhưng danh tiếng và sự nghiệp lẫy lừng của Trần Nguyên Hãn mãi mãi đi vào sử sách như những thiên tài quân sự của Việt Nam.
 
Yêu nước và thương dân là hai cặp phạm trù của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, kết tinh thành các giá trị cao đẹp trong thời chiến và thời bình. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam đã có nhiều cuộc nổi dậy chống lại sự thống trị hà khắc của triều đình, trong đó cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương ở thế kỷ XVIII, xét về quy mô, thời gian và ảnh hưởng chỉ đứng sau cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Với tài thao lược, kiên quyết về chiến lược, mềm dẻo về sách lược, Nguyễn Danh Phương đã biến tàn quân của tướng Tề ở Sơn Tây thành một đội quân hùng mạnh biến hóa khôn lường, vẫy vùng cả Xứ Đoài, đánh bại nhiều tướng tài của vua Lê - Chúa Trịnh được học hành và đào tạo chính quy. Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương tuy đã bị đàn áp đẫm máu nhưng đã nêu một tấm gương chói ngời về tinh thần yêu nước của nhân dân, thể hiện khát vọng mạnh mẽ của nhân dân chống cường quyền và bạo chúa.
 
Người ta nói thế kỷ XX là thế kỷ của giải phóng dân tộc. Sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa do các sĩ phu cầm đầu, nhiều đường lối, phương án cứu nước được đề ra trong đó có Quốc dân Đảng do lãnh tụ Nguyễn Thái Học sáng lập. Trong khi Phan Chu Trinh chủ trương dựa vào Pháp, đẩy mạnh công nghệ đợi cho nước mạnh lên để thương lượng đòi lại độc lập, trong khi Phan Bội Châu vận động Đông Du dựa vào Nhật Bản đánh Pháp thì Quốc dân Đảng chủ trương dùng vũ lực để đánh đổ thực dân. Rất tiếc phong trào chỉ dựa vào giai cấp tư sản dân tộc, trí thức yêu nước và vận động binh lính nên cơ sở mỏng manh, dễ vỡ, thêm nữa tổ chức Đảng lại lỏng lẻo, kết nạp đảng viên xô bồ do đó không chống đỡ nổi sự đàn áp dã man của đạo quân xâm lược được trang bị và tổ chức tốt hơn. Tuy vậy tên tuổi và dũng khí của Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã có tác dụng to lớn thức tỉnh lòng yêu nước và có tiếng vang lớn sang tận nước Pháp.
 
Bước vào giai đoạn cách mạng mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ lãnh đạo, Vĩnh Phúc là một trong những nơi lập tổ chức cơ sở Đảng sớm, nhiều năm được Trung ương chọn làm vùng ATK (An toàn khu), đón nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng về hoạt động. Tấm gương treo lá cờ của Đảng và anh dũng hy sinh của đồng chí Lê Xoay trưởng ban cán sự Đảng của tỉnh có thể xem như sự mở đầu đầy hào khí của lịch sử cách mạng Vĩnh Phúc.
 
Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Vĩnh Phúc phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, là hậu phương vững chắc và quyết định mọi thắng lợi ở chiến trường. Vĩnh Phúc đã cống hiến cho đất nước hàng nghìn liệt sĩ, hàng trăm bà mẹ Việt Nam anh hùng và đã sinh ra những người con anh hùng tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là anh hùng Trần Cừ, người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai đầu tiên của toàn quân ta trong chiến dịch Biên giới 1950. Đó là anh hùng Lê Khâm trong kháng chiến chống Pháp, đó là Nguyễn Viết Xuân với khẩu hiệu đầy khí phách "nhìn thẳng quân thù mà bắn", là anh hùng Lê Xuân Tấu, anh hùng đầu tiên của Binh chủng tăng thiết giáp. Tổng cộng Vĩnh Phúc có 24 anh hùng lực lượng vũ trang và 4 anh hùng lao động và hàng chục đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang. Nhân dân anh hùng sinh ra những người con anh hùng. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đang chuyển chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh thành chủ nghĩa anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh giàu đẹp nhất như lời Bác Hồ dạy.
 
5. Truyền thống thứ 5 của Vĩnh Phúc là tinh thần chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài.
 
Là đất Cố đô, tinh thần hội tụ, kết tinh nhân tài của Vĩnh Phúc hình thành từ rất sớm. Thu hút được tinh hoa của thiên hạ vì Vĩnh Phúc là đất lành, đất mở với tinh thần khoan dung văn hóa và thu nạp trí tuệ rất cao. Đó là sự khôn ngoan của lịch sử. Chúng ta đều biết quê gốc của Trần Nguyên Hãn là Đất Nhị Khê thuộc Hà Đông trước kia, Hà Nội ngày nay. Mẹ ông mang thai rồi buộc phải rời quê để trốn chạy sự truy bức của Hồ Quý Ly tìm cách hãm hại các tôn thất hậu duệ đời Trần. May mắn thay lịch sử đã chọn Vĩnh Phúc là quê hương thứ hai của ông. Nguyễn Khắc Trung, Nguyễn Duy Thì cũng là người từ vùng xuôi lên lập nghiệp tại Vĩnh Phúc. Gần chúng ta hơn, các nhà thơ Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Bàng Bá Lân, Hoàng Lộc, Cầm Giang cũng đều lưu lại Vĩnh Phúc khá dài. Có người còn chọn nơi đây là nơi trao xương gửi cốt. Trong lịch sử tỉnh Đảng bộ Vĩnh Phúc, nhiều đồng chí cán bộ cốt cán được Đảng cử về lãnh đạo Vĩnh Phúc đều được nhân dân yêu mến, đùm bọc và ủng hộ hết lòng. Chúng ta có thể kể đến đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh, phu nhân đồng chí Hoàng Quốc Việt lãnh đạo nhân dân Vĩnh Tường vùng lên giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945. Trong xây dựng tỉnh sau này là các đồng chí Bùi Hữu Hải, Chu Văn Rị, Nguyễn Thế Hùng, nhiều cán bộ khoa học, kỹ thuật, thợ làm nghề từ nhiều nơi về giảng dạy, lập nghiệp, đóng góp tài năng trí tuệ vào sự phát triển của tỉnh nhà.
 
Vĩnh Phúc phát triển nhanh vì không có tư tưởng cục bộ, hẹp hòi, biết đón nhận mọi tài năng của cả nước.
 
Kiến nghị: Nhân kết quả tốt đẹp của cuộc Hội thảo này, chúng tôi có mấy kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc:
 
1/ Cần có đầu tư thích đáng cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, trong đó có vai trò của Bảo tồn, bảo tàng, phát triển văn học, nghệ thuật, nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống, đặc biệt là giáo dục, đào tạo. Tôi muốn trích dẫn ở đây câu nói của một viện sĩ nổi tiếng của Liên bang Nga: "Tiết kiệm trong văn hóa thì lại gây lãng phí trong việc bỏ tiền xây thêm các nhà tù".
 
2/ Về mặt phong thủy và lưu thông, tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh mạnh dạn cho xây dựng Đề án làm sống lại con sông Cà Lồ như Hà Nội đã làm với con sông Tô Lịch, Sông Cà Lồ nay là con sông chết, ô nhiễm rất nặng nề, công lao của nó vô cùng to lớn, từng bồi đắp lên biết bao làng xóm và cánh đồng trù mật, sầm uất. Nếu được làm sống lại, chúng ta sẽ có lợi rất nhiều mặt về kinh tế, giao thông, phong thủy và văn hóa.
 
3/ Tam Đảo là một danh thắng và địa chỉ tâm linh của cả nước. Tốc độ xây dựng ở đây rất mạnh, nhưng chưa có quy hoạch cụ thể, dẫn đến tình trạng kiến trúc không hòa hợp với thiên nhiên, hủy hoại môi trường. Đề nghị lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm vấn đề này.
 
Xin thay mặt Ban Tổ chức, tôi trân trọng cám ơn Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tạo điều kiện cho Hội thảo thành công.
 
Cám ơn các nhà khoa học, các nhà văn hóa, cám ơn Trung tâm Bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc đã đóng góp rất quan trọng vào thành công của cuộc hội thảo.
 
Xin cám ơn và chúc sức khỏe các quý vị.
 
Hà Nội 24/11/2016
Nhà thơ HỮU THỈNH
Chủ tịch LH các Hội Văn học nghệ thuật VN, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết "Tổng kết Hội thảo khoa học "Văn hiến Vĩnh Phúc - Truyền thống và hiện đại"" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.