Tôn vinh Di sản của người Cor

04/10/2015 15:17

Theo dõi trên

Đồng bào Cor cho đến nay vẫn bảo lưu, giữ gìn nhiều tinh hoa di sản văn hóa tộc người, trong đó tiêu biểu là nghệ thuật trang trí trên cây nêu và bộ gu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tinh hoa di sản

Trong lễ hội ăn trâu dứt khoát phải có cây nêu (gấk). Cây nêu là tâm điểm của lễ hội. Việc chuẩn bị làm cây nêu là một công đoạn quan trọng trong lễ hội ăn trâu, là hình thức cho thấy lễ hội to hay nhỏ, nội dung lễ ăn trâu sẽ như thế nào. Cây nêu trong lễ hội ăn trâu của người Cor không phải một loại mà khá nhiều loại: nêu phướn (xa glák), nêu thượng (xa cô), nêu xa cóh, nêu lá (xa xje), nêu cót kjá, nêu dù (gâk đlu), nêu đu đủ (pa-lay đu)...



Bộ gu dân tộc Cor trưng bày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Trong các loại nêu dùng trong lễ hội ăn trâu, nêu phướn là lớn nhất, đây là loại nêu tròn có hình vẽ hoa văn, được dựng cao. Đồng bào gọi là nêu phướn vì có đan lá phướn treo từ đỉnh nêu thòng xuống, có đẽo hình chim chèo bẻo treo trên đầu nêu. Cây nêu thượng giống như nêu phướn nhưng không có lá phướn, phải có gu trong nhà, có chim chèo bẻo trên đầu nêu. Nêu lá làm từ cây chò, chặt về để nguyên lá, không khắc vạch hoa văn, đầu nêu không có hình chim chèo bẻo. Nêu bắp chuối là cây nêu dựng trong lễ cúng ông bà, cao khoảng 6 mét, đầu nêu có hình bắp chuối chỉa thẳng lên trời. Nêu dù là cây nêu dùng trong lễ ăn trâu cúng giải hạn, cao độ 5 mét, có tán như cái dù (lọng) và có hình tia mặt trời trên đỉnh nêu. Loại nêu này chỉ thấy có ở vùng người Cor Đường Rừng. Nêu đu đủ là cây nêu tạo dựng trong lễ ăn trâu để cầu an và cầu phước lộc, cao khoảng trên 4 mét, đỉnh nêu có tia mặt trời, gần đỉnh có những quả đu đủ đẽo khắc bằng gỗ.

Bên cạnh cây nêu cao vút ở ngoài sân, đồng bào Cor còn chế tác, tạo dựng một vài cái gu bla (gu tròn) và lavan (gu dẹt) để treo phía trong ngôi nhà dài trong các lễ hội truyền thống. Gu và lavan được làm bằng gỗ cây pút. Cây này có thịt gỗ mềm rất dễ khắc, vạch để tạo hoa văn, hình vẽ trang trí. Bộ gu có nền màu đen được tạo ra từ muội khói và nhựa cây rau lang. Gu nổi bật lên giữa nhà nhờ màu sắc và hoa văn. Màu đỏ gạch lấy từ củ nghệ và hạt cau, màu trắng từ vôi. Một số màu khác lấy từ đá núi. Không chỉ có màu sắc, hoa văn kỳ bí, mỗi loại gu còn có cách tạo hình, kiểu dáng, trang trí riêng biệt, làm cho nó thực sự là điểm nhấn bắt mắt trong cả không gian nhà dài. Có nhiều loại gu khác nhau: gu bla treo lửng ở giữa nhà; lavan chỉ trang trí một mặt gồm có gu mók a-tưl treo ở vách nhà hay phía trên khung cửa ra vào phía trước của ngôi nhà dài, gu mók tum treo trên cửa ra vào bếp và gu tum treo lửng trên bếp. Gu bla là kiểu gu khá đặc biệt, gồm có thân gu và 4 lá gu.

Phát huy di sản

Việc tạo dựng cây nêu và bộ gu trong các lễ hội ăn trâu được nghệ nhân, già làng luôn đầu tư rất nhiều thời gian, công sức. Việc này đòi hỏi có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trước lễ hội ăn trâu chính thức vài mươi ngày hoặc cả tháng trời. Nghệ nhân, dân làng được phân công thực hiện từng việc tùy theo năng khiếu, sở trường của họ. Ai biết vạch vẽ thì trang trí hoa văn, hình họa, đan các dây tua, đan cái nài trâu, lập đàn cúng bằng cây nứa… Đây là công trình sáng tạo tập thể của dân tộc Cor, toát lên nét đẹp trong đời sống tâm linh, sự tinh tế trong sáng tạo văn hoá tộc người.



Các già làng, nghệ nhân dân tộc Cor xã Trà Cót đón nhận Bằng Di sản.    Ảnh: Tấn Vịnh


Với những giá trị nghệ thuật độc đáo, cây nêu và bộ gu của dân tộc Cor đã được phục dựng tại một số nơi quan trọng. Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cũng lưu giữ bộ gu đẹp nhất trong ngôi nhà dài của đồng bào Cor. Gần đây, cây nêu của dân tộc Cor đã được phục dựng tại Quảng trường văn hóa huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam trong quần thể nhà truyền thống và kiến trúc của các dân tộc cư trú trong huyện.

Đặc biệt, khi nghe tin di sản của mình được vinh danh, đồng bào Cor ở Bắc Trà My rất phấn khởi. Một số nghệ nhân, già làng tại Trà Cót, Trà Nú đã gặp gỡ các nghệ nhân tại Trà Thủy (Trà Bồng, Quảng Ngãi) để động viên nhau giữ gìn, phát huy di sản nghệ thuật tạo hình của dân tộc mình. Với sự giúp đỡ, khuyến khích của lãnh đạo huyện, các nghệ nhân dân tộc Cor đã tạo tác nên 2 cái gu mới mang đậm dấu ấn, phong cách nghệ thuật của dân tộc Cor, đó là gu bla (gu tròn) và lavan (gu dẹt) để trưng bày tại Nhà truyền thống huyện Bắc Trà My. Đặc biệt, chiếc gu tròn nơi đây thật là ấn tượng, gây thích thú cho người dân và du khách khi đến tham quan Phòng trưng bày về văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My.

Cây nêu và bộ gu là đoá hoa tuyệt mỹ được tạo tác bởi tập thể nghệ nhân dân tộc Cor. Nó chẳng những là vật phẩm để dâng lên các vị thần linh trong mùa lễ hội mà còn là vật dụng trang trí có giá trị thẩm mỹ cao làm đẹp cho không gian ngôi nhà dài. Đây là tác phẩm dân gian đã được vinh danh, công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. Điều trăn trở nhất của các nghệ nhân là sau khi công nhận, họ có được tiếp tục hỗ trợ về tinh thần, vật chất để sáng tạo, trao truyền di sản. Những “báu vật nhân văn sống” về dự lễ được vinh dự nâng niu trên tay tấm Bằng di sản, nhưng phần lớn họ đã già, tuổi cao sức yếu, liệu có kịp gửi trao hết những tinh hoa di sản cho thế hệ trẻ, để họ sáng tạo, kế thừa nhiều di sản khác, không chỉ cây nêu và bộ gu, góp phần làm đẹp cho làng bản, quê hương.

Theo Làng việt

Bạn đang đọc bài viết "Tôn vinh Di sản của người Cor" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.