Hội thảo thu hút được sự tham gia của đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế. Trong số 200 đại biểu dự kiến tham dự có 20 đại biểu quốc tế đến từ các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học nổi tiếng ở 4 quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức; khoảng 40 đại biểu đại diện cho các cơ quan nghiên cứu của Bộ VHTT&DL, Cục Di sản văn hóa, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia, các nhà nghiên cứu trong nước đến từ các viện, tổ chức nghiên cứu khác.
Hội thảo sẽ chủ yếu tập trung vào 5 di sản liên quan đến triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận và một số di sản khác như: Di sản vật thể: Quần thể di tích cố đô Huế, hệ thống cổ vật cung đình; Di sản phi vật thể: Nhã nhạc, nghệ thuật diễn xướng cung đình, hệ thống lễ hội cung đình, ẩm thực cung đình, hệ thống nghề truyền thống… ; Di sản tư liệu: Mộc bản, Châu bản, Thơ văn trên kiến trúc cung đình; các tư liệu của triều Nguyễn và của Huế xưa…
Trong thời gian diễn ra Hội thảo, còn có các hoạt động chia sẻ thông tin giữa các đại biểu và những người quan tâm đến di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn cùng các hoạt động đồng hành bao gồm: Triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô đất nước qua các thời kỳ lịch sử (từ khởi thủy đến 1945); triển lãm “Một điểm đến - Năm Di sản”.
(Theo Làng Việt Online)