Tìm về không gian văn hóa xứ Lạng

12/01/2016 08:31

Theo dõi trên

Trong không gian xưa và nay khi nhắc đến xứ Lạng nhiều người nhớ ngay đến câu: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh…”. Câu ca dao lưu truyền từ bao đời ấy như lời mời gọi du khách đến với vùng cao xứ Lạng để cùng khám phá vẻ đẹp non nước hữu tình, khám phá những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Xứ Lạng vùng quê miền Đông Bắc Tổ quốc quần tụ nhiều dân tộc anh em cư trú lâu đời. Người Nùng, người Tày chiếm số đông, sau đó đến người Kinh, người Dao. Người Sán Chay, người Hoa, người Mông chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng đóng góp đậm nét vào dấu ấn bản sắc văn hóa trong vùng.


Di tích núi Phai Vệ.
Vùng đất cổ xưa

Cách ngày nay hàng ba bốn vạn năm, xứ Lạng đã có đủ bằng chứng về sự sống của con người thời kỳ đồ đá cũ. Đây thực sự là một trong những chiếc nôi của loài người từ buổi bình minh sơ khai của lịch sử. Vào thời dựng nước mở cõi xứ Lạng đã là nơi địa đầu của nhà nước Văn Lang thời cổ sử. Khi Hùng Vương trị vì đóng đô ở Phong Châu - Phú Thọ, miền xứ Lạng thuộc bộ Lục Hải hiểm trở, hoang vu, phên dậu, địa đầu cửa ngõ của Tổ quốc. Có tới vài ngàn năm kẻ thù phương Bắc từ lúc hung hăng tàn bạo mở cuộc xâm lăng đến khi ôm đầu máu rút chạy về bên kia biên ải đều phải qua ngả đường xứ Lạng. Xứ Lạng trở thành vùng đất hào hùng oai linh trong dựng nước, giữ nước suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Những di sản văn hóa lưỡi rìu đá tìm thấy ở Bắc Sơn, Lạng Sơn ẩn chứa kinh nghiệm, vốn sống tri thức con người tiền sử. Họ sớm biết mài, đẽo, ghè, tước các mảnh đá thành công cụ chặt cây rừng rậm và săn bắt muông thú.




Chùa Tiên ở Chi Lăng, Lạng Sơn.
Danh thắng xứ Lạng

Tri thức tín ngưỡng thờ Phật gửi gắm vào văn hóa chùa Tam Thanh nổi tiếng. Đó là sự hòa đồng giữa tâm linh với đời sống thực tại, giữa con người với thiên nhiên, siêu nhiên gửi vào đó những tri thức văn hóa tín ngưỡng.

Nàng Tô Thị, mỏm đá thiên tạo hình dáng Vọng Phu xứ Lạng đã vượt qua khỏi biểu tượng văn hóa vùng trở thành biểu tượng của đức thủy chung chờ chồng son sắt của người phụ nữ nước Nam ta trong mọi thời đại. Người Việt Nam khi nhắc đến lòng chung thủy của người vợ, người mẹ đều liên tưởng đến khối đá tựa người mẹ bồng con xứ Lạng. Hình tượng nàng Tô Thị, hòn đá chờ chồng đã trở thành di sản văn hóa bất tử trong lòng người Việt.




“Hòn vọng phu” trên núi Tô Thị.

Ải Chi Lăng, núi Mã Yên ở Lạng Sơn nơi ghi dấu những chiến tích bất tử trong nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thần thánh của dân tộc. Nơi ấy kẻ thù sâm lược bao phen thây chất thành núi, máu chảy thành sông, kinh hồn bạt vía, tàn quân tháo chạy về bên kia biên giới còn tim đập chân run.

Xứ Lạng còn nổi tiếng bởi các danh thắng như quần thể núi mẹ Mẫu Sơn, bến đá bến nước sông Kỳ Cùng, quần thể hang động Bắc Sơn, Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng, rừng nguyên sinh khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Sơn, Hữu Lũng. Các di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ chiến thắng Biên giới kháng chiến chống Pháp, chiến thắng quân xâm lược Bành trướng năm 1979... luôn là dấu son ngời sáng của miền quê xứ Lạng anh hùng.

Dấu ấn bản sắc văn hóa

Văn hóa phi vật thể xứ Lạng vô cùng phong phú giàu sắc màu bản địa của các dân tộc anh em gắn bó chung sống hòa hợp lâu đời mà nổi bật là không gian văn hóa Tày - Nùng. Người xứ Lạng coi trọng tín ngưỡng tâm linh, hướng niềm tin vào tổ tiên, thần linh. Hệ thống thần linh trong tiềm thức xứ Lạng gồm thiên thần, nhiên thần, phúc thần, thần bản mệnh, thần đất đai, thần núi, sông, cây, đá, nguồn nước, những danh nhân có công với làng nước.




Xứ Lạng nơi quần cư của các dân tộc Tày, Nùng…

Văn hóa dân gian xứ Lạng có bề dày thần thoại, cổ tích truyền thuyết, trường ca, ca dao tục ngữ, hát ví, đồng dao, dân ca, câu đố. Thể loại sli, lượm là hình thức hát có không gian văn hóa giao tiếp giao đãi đặc sắc, đậm đà chất nhân văn, dân tộc làm say đắm lòng người.

Lễ hội xứ Lạng phong phú, hàm xúc mang tính cộng đồng bản địa rất cao. Người dân xứ Lạng coi trọng Tết nguyên đán, nguyên tiêu, thanh minh, đoan ngọ, trung thu. Tết vừa được tổ chức trong nhà vừa được tổ chức trong cộng đồng với sự mến khách chân thật, thành tâm.

Lồng Tồng là lễ hội tiêu biểu đặc sắc nhất ở xứ Lạng. Ngày khai lễ diễn ra sau Tết nguyên đán, trước Tết nguyên tiêu. Nghi thức rước lễ là đưa kiệu thần linh từ nơi thờ tự ra ngoài đồng mở hội. Khi ấy bà con làm lễ cầu mùa mong mưa thuận gió hòa vạn vật sinh sôi, cây cối tốt tươi vật nuôi đông đàn dài lũ, con người sức khỏe no đủ. Sau khai hội là các trò chơi, trò diễn dân gian, ném còn, võ vật, đánh quay, kéo co, kéo cua, đua thuyền độc mộc. Trong lễ hội xứ Lạng không thể thiếu múa sư tử gồm có từ hai tới nhiều sư tử mèo cùng nhảy múa nhào lộn.

Xứ Lạng còn độc đáo các phiên chợ vùng cao. Chợ là tụ điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống với hình thức chơi chợ là chính, thưởng ngoạn là chính mua bán là cái cớ để thêm đông vui. Nơi ấy nam nữ xuống chợ giao duyên tỏ tình. Những buổi hát đối sli, lượm kéo dài tới thâu đêm suốt sáng đến say lòng.

Xứ Lạng ngày nay mời gọi khai thác tiềm năng du lịch rộng mở. Nơi đây có nhiều sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng độc đáo đang chờ đón du khách gần xa tìm về xứ sở Nàng Tô Thị, chợ Kỳ Lừa.

Theo Làng Việt Online

Bạn đang đọc bài viết "Tìm về không gian văn hóa xứ Lạng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.