Tìm lại dấu tích Thánh quan Hoàng Mười trên đất Nghệ - Tĩnh (Kỳ 2)

26/10/2016 17:25

Theo dõi trên

Ngoài các di tích thờ Quan Hoàng Mười ở tỉnh Hà Tĩnh, cách đền Chợ Củi khoảng 2km theo đường chim bay về phía Bắc còn tồn tại một ngôi đền thờ Quan Hoàng Mười (Quê nhà của Ông) tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An tên chữ là “ Mỏ Hạc Linh Từ”.



Hạ điện đền Mỏ Hạc Linh Từ 

>> Tìm lại dấu tích Thánh quan Hoàng Mười trên đất Nghệ - Tĩnh (Kỳ 1)

Đầu đội Lam Giang mỏ chầu Đồng Trụ


Đền được xây dựng năm 1634 (thời hậu Lê), thờ các vị phúc thần như Song đồng Ngọc Nữ, thờ ông Nguyễn Duy Lạc (một võ tướng thời Lê, quê ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh), thờ hệ thống đạo Mẫu tứ phủ Liễu Hạnh. Vị thần chính của ngôi đền này là ông Hoàng Mười.

Khi nhắc đến ông Hoàng Mười, không chỉ những người theo đạo Tứ phủ (Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam Thánh mẫu và Đệ tứ khâm sai) mà người dân từ Bắc chí Nam ai cũng ngưỡng mộ và nhiều nơi lập đền thờ vọng Ngài. Trong một bài hát chầu văn có câu "Đền thờ Mỏ Hạc ngã ba Tam Kỳ". Một bài ca dao cũng có đoạn: "Đường về xứ Nghệ nghĩa tình, sông Lam núi Quyết địa linh bao đời, Tam Kỳ Mỏ Hạc là nơi, Đền thờ lăng mộ đời đời khói nhang...".

Làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt. Địa thế của làng giống như đầu một con Hạc đẹp tuyệt vời do sông Mộc, sông Vĩnh tạo thành, đầu con Hạc đội Lam Giang, mỏ chầu về Đồng Trụ Sơn. Đấy là nơi có đền thờ ông Hoàng Mười linh thiêng. “Mỏ Hạc Linh Từ” là tên chữ của đền, có ý nghĩa là ngôi đền linh thiêng tọa trên vùng đất có hình “con Hạc” mà đền lại nằm về phía “mỏ”.

Đền nằm ở vị trí cảnh quan đẹp, với phong cảnh non xanh nước biếc thật hữu tình. Trước mặt trền là dòng Lam Giang như một dải lụa xanh trải rộng, thuyền bè tấp nập ngược xuôi, sông Cồn Mộc quanh co, uốn khúc mềm mại bao quanh ngôi đền, đôi bờ là những cánh đồng lúa xanh tươi  bát ngát. Phía sau, bên kia sông Cồn Mộc là núi Kỳ Lân, núi Dũng Quyết, và Phượng Hoàng Trung Đô với những dấu tích lịch sử, những rừng thông, bạch đàn bạt ngàn tươi tốt.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đền đã xuống cấp, năm 1995, thể theo nguyện vọng của nhân dân, đền đã được tôn tạo lại dựa trên cơ sở khung nhà cũ gồm hạ điện, thượng điện, tả vu, hữu vu, Cửu Trùng đài, điện Cô Chính và khu mộ quan Hoàng Mười.

Dựa trên các tài liệu nghiên mà phóng viên PhuongNamPlus thu thập được thì hiện tại thần Hoàng Mười được thờ chính trong đền là nhân vật có thật. Ông là Đại tướng họ Nguyễn tên tự Duy Lạc, là người có tài thao lược, đã từng phò tá vua Lê, được phong đến chức Đô chỉ huy sứ. Là vị anh hùng cầm hàng vạn quân đi dẹp giặc. Về sau lại có công lao rất lớn trong việc đánh đuổi quân nhà Nguyễn cướp 7 huyện Nam Hà, nay là vùng đất Hà Tĩnh và tả ngạn sông Lam bao gồm Thanh Chương, Nam Đàn nên được phong chức Đặc Tiến phụ quốc Thượng tướng quân, cẩm y vệ.

Theo gia phả họ Nguyễn tại thôn Xuân Am thì Nguyễn Duy Lạc sinh năm Mậu Ngọ và mất ngày 12/2 năm Kỷ Mão, có công giúp làng 100 quan tiền, 2 mẫu ruộng nên được thờ cúng trong đền. Ông là con trai thứ năm của Nguyễn Phúc Tâm. Khi Nguyễn Duy Lạc được sắc phong là Vị quốc công, người cha được sắc phong Phúc quốc công, còn người con cả Nguyễn Duy Nhân cũng được phong Đặc tiến hộ quốc thượng tướng quân. Cả ba cha con họ Nguyễn đều được sắc phong và được nhân dân thờ cúng tại đền Xuân Am. Đức Hoàng Mười được thờ trong hệ thống đạo Mẫu, Tứ Phủ nghĩa là đã được thần thánh hóa. Ngày nay tại đền Hoàng Mười vẫn còn lăng mộ Nguyễn Duy Lạc. Trên án thờ có đắp thanh gươm và cây bút lớn vươn thẳng lên trời xanh.

Đền Hoàng Mười ngôi đền linh thiêng xứ Nghệ, hằng năm, vào những dịp lễ hội, các ngày rằm, mùng 1, hàng vạn người dân xứ Nghệ và du khách thập phương đến kính cẩn thắp nén hương bày tỏ lòng thành kính, cầu cho gia đình ấm no hạnh phúc, cầu cho quốc thái dân an. Trong những năm qua, đền cũng nhận được sự quan tâm đầu tư tôn tạo từ lãnh đạo các cấp để ngôi đền ngày càng khang trang hơn, phục vụ đời sống tâm linh của người dân.

Có nhiều điển tích nói về xuất thân của ông Hoàng Mười, mỗi đền thờ, mỗi di tích trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An đều có một sự tích riêng. Tuy vậy đồng nhất theo ý kiến, ông Hoàng Mười là “Nhân thần hiển thánh” có công trạng to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giúp dân giúp nước và khi ông mất thì trời nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời.

Vị trí và vai trò Quan Hoàng Mười trong Đạo thờ Mẫu

Trong Tính ngưỡng thờ Tam Phủ, Tứ Phủ nói riêng và Tính ngưỡng thờ Mẫu nói chung của dân tộc Việt. Thánh Quan Hoàng Mười  nằm trong hệ thống thờ tự Tứ phủ Quan Hoàng hay còn gọi là Tứ Phủ Thánh Hoàng hặc Thập vị quan Hoàng hầu hết được quy về làm con Đức Vua cha Bát Hải Động Đình. Các Quan Hoàng hầu hết là nhân thần được phong Thánh.

Tuy là Thập vị Quan hoàng nhưng trong mỗi giá đồng của Tính ngưỡng thờ Mẫu chỉ ‘‘Thỉnh bóng’’ hai Ông Hoàng đó là Quan Hoàng Bảy và Quan Hoàng Mười, các Ông Hoàng còn lại đều ‘‘Loan giá hồi cung’’. Cùng với Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười cũng là một trong hai vị Ông Hoàng luôn về ngự đồng, cũng bởi vì ông còn được coi là người được Vua Cha, Mẫu Mẹ giao cho đi chấm lính nhận đồng khác với Ông Hoàng Bảy, những người nào mà sát căn Ông Hoàng Mười thì thường hay hào hoa phong nhã, giỏi thi phú văn chương. 

Khi ngự về đồng Ông Mười thường mặc áo màu vàng, có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ, đầu đội khăn xếp có thắt lét vàng, cài chiếc kim lệch màu vàng kim. Ông ngự về tấu hương rồi khai quang, có khi ông múa cờ xông pha chinh chiến, có khi lại lấy quạt làm quyển thư, lấy bút gài đầu để đi bách bộ vịnh phú ngâm thơ, có khi ông lại cầm dải lụa vàng như đang cùng người dân lao động kéo lưới trên sông Lam, quan niệm cho rằng đó cũng là ông kéo tài kéo lộc về cho bản đền và ông cầm hèo lên ngựa đi chấm đồng, người ta cũng thường dâng tờ tiền 10.000đ màu đỏ vàng để làm lá cờ, cài lên đầu ông kèm theo đó là một con ngựa bằng giấy, tất cả y áo, hài, ngai, mũ dâng Quan Hoàng Mười tất cả đều màu vàng, nó biểu trưng cho sự hưng thịnh, tài lộc, người dân dâng lên để nhờ ông ban tài, ban lộc cho con dân trăm họ. Khi ông ngự vui, thường có dâng bát chè xanh, miếng trầu vàng cau đậu, thuốc lá là những đặc sản của quê hương ông rồi cung văn tấu những điệu Hò Xứ Nghệ, Xứ Huế rất mượt mà, êm tai.

Ngày ông giáng sinh 10/10 âm lịch được coi là ngày tiệc chính của ông, vào ngày này, du khách thập phương nô nức đến chiêm bái cửa đền ông thật là tấp nập, trải dải đến tận đôi bờ sông Lam, người ta dâng ông: cờ quạt bút sách... để cầu tài cầu lộc cũng là cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tiên.

Quan Hoàng mười là hiện thân của của các vị nhân thần đều có thực tại Nghệ An, những vị tướng tài giỏi giúp nhà Lê đánh tan quân giặc xâm lược, bình định thiên hạ đồng thời giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn hoạn nạn. Ông Hoàng Mười còn về ‘‘Ngự đồng’’ ban tài, ban lộc cho muôn dân trăm họ.Thể hiện lòng khoan dung, độ lượng và giá trị nhân văn của những người con Dân tộc Việt Nam. 
 
Ngô Sinh 

Bạn đang đọc bài viết "Tìm lại dấu tích Thánh quan Hoàng Mười trên đất Nghệ - Tĩnh (Kỳ 2)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.