Tìm hiểu về Đền ông Hoàng Mười (*)

17/06/2017 11:21

Theo dõi trên

Hưng Nguyên là một huyện có bề dày lịch sử, văn hóa, là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, như: Đinh Bạt Tụy, Nguyễn Trường Tộ, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng...

Truyền thống quê hương và đời sống tinh thần phong phú của nhân dân đã góp phần tạo nên một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa ở Hưng Nguyên tương đối đa dạng, trong đó có đền Ông Hoàng Mười. Vị thần chính được tôn thờ tại ngôi đền này là ông Hoàng Mười - một nhân vật quan trọng trong thờ hệ thống đạo Mẫu Tứ phủ ở Việt Nam. Ngôi đền là một địa chỉ tâm linh nổi tiếng cả nước - mà hầu như ai đi qua xứ Nghệ cũng một lần viếng thăm.
 


Đền ông Hoàng Mười (ảnh trên) tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (còn được gọi là Mỏ Hạc linh từ, hay Đền Xuân Am) được xây dựng vào thế kỉ XVII, dưới thời hậu Lê.

1. Vài nét về di tích Đền Ông Hoàng Mười

Đền được dựng lên để thể hiện sự tôn thờ, ngưỡng vọng đối với Đức Thánh Hoàng Mười nên có nhiều nét đặc trưng của một công trình thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu. Xuất phát từ cội nguồn của việc tôn thờ trong đạo Mẫu là sự tri ân công lao của mẹ thiên nhiên vĩ đại hay của người mẹ cụ thể, đó là công tạo tác, sinh thành, nuôi dưỡng. Mẹ là âm nên các yếu tố gần như không thiếu trong một kiến trúc thờ Mẫu là nước. Đền thờ phải được dựng nơi có núi non hữu tình, có nước làm “minh đường”. Nếu không có sông, suối thiên tạo thì con người phải tự tạo ra các hồ nước. Nhân dân Nghệ An đã chọn một vị trí đắc địa để thể hiện sự tôn thờ của mình. Đền ông Hoàng Mười ở Hưng Thịnh được chọn ở vị trí gần các dòng sông: Sông Vĩnh, sông Mộc, xa hơn là dòng Lam giang uốn quanh. Địa thế đó càng trở nên đắc địa vì tọa lạc nơi có hình tượng đầu một con Hạc khổng lồ do sông Mộc, sông Vĩnh tạo thành. Đầu Hạc đội Lam giang, mỏ chầu về Đồng Trụ Sơn. Ngôi đền càng thêm linh thiêng vì nằm trong vùng địa linh, nơi có núi Dũng Quyết, Phượng Hoàng - Trung Đô... gắn với sự nghiệp của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ thế kỉ XVIII. Phía nam ngôi đền là con đê 42 được lập từ thời Lý để bảo vệ các ngôi làng khu vực này, trong đó có làng Xuân Am. “Nếu đứng trên núi Dũng Quyết nhìn về hướng Tây Bắc, du khách dễ mềm lòng trước cảnh trời, mây, sông, núi. Nhờ vị trí cảnh quan này mà ngôi đền có sức hấp dẫn bao tao nhân mặc khách” [1].
 
Hiện nay, đền có các công trình kiến trúc: tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu, sân đền, nhà khách, tòa Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, khu vực miếu mộ.   
 
Tam quan của đền nhìn ra hướng Nam, ngay trước dòng sông Mộc. Tam quan gồm 2 cột nanh, mỗi cột cao 6 m, đế chân choãi, thân cột vuông tạo thành cổng chính đi vào đền. Trên cột nanh đắp nổi hình tượng hai con nghê chầu, cao chót vót lẫn trong sắc xanh của lá bàng, lá phượng cùng các cây khác. Hai cột trụ thấp hơn tạo hai cửa tả, hữu.
 
Qua tam quan là tắc môn hình cuốn thư mềm mại. Tắc môn tạo bình phong để tránh đi trực diện vào thần điện của ngôi đền. Tắc môn được chạm khắc hai mặt. Mặt trước nghệ nhân dân gian chạm hình hổ phục, phía trên có hai con rồng chầu. Mặt sau của tắc môn được chạm hình rồng vàng uốn lượn, miệng phun nước. Hai chú hạc cắp cành hoa được đắp nổi hai bên của mặt sau cùng họa tiết hoa cúc.  

Nhìn sang nhà tả vu và hữa vu, hai tượng hổ được đặt uy nghi trong tủ kính. Hình tượng con hổ được đưa vào phổ biến tại các cơ sở thờ tự nói chung với tư cách là linh vật. Sự oai nghiêm, dữ tợn của chúa sơn lâm làm cho linh vật này đóng vai trò bảo vệ thần điện, Phật điện. Tại các đền, phủ thờ Mẫu, ngoài ý nghĩa chung là linh vật, hình tượng con hổ là động vật có lông mao, mang tính âm nên hiện diện ở những không gian của đạo Mẫu. Đạo Mẫu thờ Ngũ Hổ với ý nghĩa đó là biểu tượng Sơn thần, cai quản rừng núi, trấn giữ Ngũ Phương.

Hai bên sân đền là lầu Cô, lầu Cậu. Lầu Cô thờ cô Chín và hai thị nữ. Bên trong lầu Cậu đặt khám thờ có tượng 4 cậu ở tư thế đứng.

Từ đài trung thiên thờ công đồng, trời đất, băng qua khoảng sân rộng là nhà Hạ điện. Nhà Hạ điện gồm ba gian hai hồi, có thiết kế vừa vững chãi, chắc chắn để chống chọi với sự khắc nghiệt của nắng, mưa, gió, bão miền Trung vừa tinh tế nghệ thuật bởi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân. Các vì kèo được chạm trổ tinh vi: “Toàn bộ phần khung gỗ như quá giang, đầu, xà thượng, xà hạ đều được chuốt cạnh khế” [2]. Các hình tượng rồng trong mây, cá vượt vũ môn trong hội thề tháng Ba... được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo. [3]

Gian giữa của Hạ điện thờ Vua cha Bát Hải đại vương và Ngũ vị tôn ông. Gian trái là cung sơn trang. Gian phải thờ Ngũ vị quan Hoàng - trong đó Quan Hoàng Cả ngồi trong ngai chính giữa.

Trung điện có ba gian với hệ thống xà gỗ, vì, kèo... được thiết kế tinh xảo, chắc chắn. Các chủ đề trang trí quen thuộc như: long, ly, quy, phượng; lưỡng long chầu nhật... được nghệ nhân chạm khắc đẹp đẽ. Trung điện có ba án thờ. Gian giữa, hàng thứ nhất thờ 3 bức tượng Phật trong khung kính; hàng thứ hai thờ Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu - là những vị thần nắm giữ sổ sinh, sổ tử. Đây là những nhân vật liên quan đến Đạo giáo. Hàng thứ ba thờ tam tòa thánh Mẫu. Phía trước có bàn thờ ngũ hổ với 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành.
 
Gian trái của Trung điện thờ Tứ vị chầu bà. Gian phải thờ Trần triều với tượng Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) và tượng thờ Hồ Chủ tịch.
 
Thượng điện gồm 3 gian 2 hồi, là nơi thờ chính của đền. Gian chính giữa trang trọng nhất là nơi thờ đức Thánh Hoàng Mười. Phía trong cùng của thượng điện là cung cấm nơi có tượng của Ngài, được ngăn cách với cung ngoài bởi một lớp cửa thượng song hạ bản, chỉ được mở vào những dịp lễ trọng để nhân dân chiêm bái. Tượng Hoàng Mười đặt trên long ngai của án thờ: “Tượng ở tư thế ngồi, hai lòng bàn tay úp nhẹ lên hai đầu gối, mắt nhìn thẳng, miệng thoáng nụ cười, tai to dày, đầu đội khăn xếp vàng. Tất cả toát lên phần uy nghi, linh thiêng nhưng lại gần gũi, ấm áp tình người” [4].
 
Ở hai gian trái, phải của thượng điện còn là nơi thờ bà Chúa bản đền Song đồng Ngọc nữ và các vị phúc thần có nhiều đóng góp cho nhân dân địa phương là hai anh em: Nguyễn Duy Lạc, Nguyễn Duy Nhân.

Điểm đặc biệt là tại di tích thờ ông Hoàng Mười còn có lăng mộ của Ngài, làm cho ngôi đền càng thêm sự linh thiêng. Gần mộ Ngài có thờ tượng Phật bà.

Sinh hoạt tín ngưỡng tại đền diễn ra quanh năm. Các dịch vụ hành lễ tâm linh của dân địa phương và khách thập phương tại đền chủ yếu là các hoạt động: lễ tạ, lễ cầu yên, giải hạn, lễ tôn bát nhang, lễ bán khoán, lễ cầu duyên, lễ cầu tự, lễ cắt tiền duyên, lễ giải phong long, giải nợ tào quan, lễ di cung hoán số, lễ cầu siêu, lễ hầu văn và lễ cúng xe ô tô...

Vào dịp đầu năm, vào các ngày sóc vọng... lượng khách đổ về đây rất đông. Các lễ trọng tại đền 10/02 giỗ tướng quân Nguyễn Duy Lạc - vị tướng thời Lê, họ Nguyễn có công trong kháng chiến chống quân Minh; giỗ Mẫu tháng 3 âm lịch; giỗ ông Hoàng Mười tháng 10 âm lịch. Vào những dịp này, nhân dân, các thanh đồng nhiều nơi đổ về hầu đồng, hầu Thánh hoặc để gửi gắm niềm tin của mình vào các thần, thánh... để vượt qua những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống đời thường.
 
2. Một số nét đặc trưng về tín ngưỡng của Đền Ông Hoàng Mười
 
Về giá trị lịch sử, văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và di tích đền Ông Hoàng Mười nói riêng đã có nhiều tư liệu nghiên cứu, đánh giá. Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở những giá trị ấy, tác giả muốn làm rõ hơn những nét đặc trưng, nổi bật của đền Ông Hoàng Mười - sự hỗn dung văn hóa và địa phương hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu. 
 
2.1. Thứ nhất, đền Hoàng Mười có sự hỗn dung văn hóa - tín ngưỡng giữa Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu
 
Cũng như các đền, phủ trong hệ thống tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, đền Hoàng Mười ở Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Nghệ An cũng tôn thờ các nhân vật như: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; Tam tòa thánh Mẫu; ngũ vị vương quan; tứ vị chầu bà; ngũ vị hoàng tử; thập nhị vương cô; thập nhị vương cậu; quan Ngũ hổ; quan lớn Tuần Tranh (ông Lốt - thần Rắn)... Trong bài trí thờ tự tại di tích có đầy đủ các lớp thờ cơ bản theo đúng tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống.
 
Tuy nhiên, cũng như các đền, chùa khác ở nước ta, việc thờ tự có một đặc điểm là tính hỗn dung tín ngưỡng. Tại đền ông Hoàng Mười cũng vậy, ở đây chúng ta không chỉ thấy sự hiện diện của các nhân vật trong đạo Mẫu Tứ phủ mà nhân dân còn phối thờ Phật; tôn thờ các anh hùng dân tộc như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Duy Lạc, Hồ Chí Minh... Như vậy, mặc dù là công trình để tôn vinh nhân vật ông Hoàng Mười nhưng tại đây cũng thể hiện đầy đủ sự pha trộn giữa các tôn giáo lớn như: Phật giáo, Đạo giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu. Việc tôn thờ các vị anh hùng, người có công với đất nước, với dân tộc cũng là một điểm dễ nhận thấy.
 
Trong bài trí thờ tự tại đền, sự hỗn dung tín ngưỡng thể hiện rõ khi bên cạnh các cung thờ của các vị thần thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu như Vua cha Bát Hải, Ngũ vị Quan Hoàng, Tứ vị Chầu Bà… thì tại gian giữa Trung điện còn có bài trí thờ Phật. Tại cung thờ này, 03 tượng Phật được đặt ở cấp cao nhất, ở cấp thấp hơn là Ngọc Hoàng và hai vị Nam Tào - Bắc Đẩu hai bên và cấp ngoài cùng là 03 tượng Tam tòa Thánh Mẫu.
 
Ở gian bên phải của Trung điện, theo xu thế hiện nay, ở cung thờ này ngoài bài trí thờ Đức thánh Trần còn có thêm tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, du khách.
 
Sự hỗn dung của tôn giáo, tín ngưỡng tại di tích đền Hoàng Mười cũng là một đặc điểm dễ nhận thấy ở nhiều di tích khác ở Nghệ An cũng như trong cả nước. Đó là xu thế tất yếu của sự tiếp xúc, tiếp biến văn hóa trong quá trình phát triển của lịch sử.  
 
2.2. Thứ hai, đền Hoàng Mười có sự lịch sử hóa và địa phương hóa tín ngưỡng thờ Mẫu
 
Ở mỗi địa phương khác nhau, tín ngưỡng thờ Mẫu có sắc thái riêng, do ảnh hưởng của quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hoá. Theo tác giả Vũ Ngọc Khánh: “Có một điểm khá nổi bật trong tín ngưỡng Tứ phủ ở nước ta là khuynh hướng lịch sử hóa, địa phương hóa các vị thần được tôn thờ trong hệ thống, sự kiện này thường thấy ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong các dã sử, các tài liệu văn học dân gian” [5]. Và đền Hoàng Mười ở Nghệ An cũng nằm trong xu thế chung đó.
 
Trong hệ thống đạo Mẫu, ông Hoàng Mười là một nhân vật huyền thoại, con của Vua cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên, tức là một thiên thần. Ở nơi nào có điện thờ Mẫu thì nơi đó có tượng thờ quan Hoàng Mười. Theo sự phân công của Vua cha Bát Hải Long Thần Bát Hải Đại vương và Đệ nhất Thánh Mẫu Thiên tiên công chúa thì Ông Hoàng Mười được giáng trần để giúp đời, được giao trấn thủ, coi sóc việc tâm linh ở vùng đất Nghệ An.
 
“Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An
 
Ở huyện Thiên Bản, làm quan Phủ Giầy”
 
Tuy nhiên khi về đến xứ Nghệ, trong đời sống tâm linh của nhân dân, Ông Hoàng Mười đã được nhân thế hóa, trở thành những vị nhân thần có thật trong lịch sử Việt Nam, có tên tuổi, lai lịch rõ ràng.
 
Với nhân dân vùng đất này, có khi Thánh ông Hoàng Mười là con của Đức vua cha Bát Hải Động Đình đầu thai thành vị tướng tên Lê Khôi dưới triều Lê, giúp Lê Lợi đánh tan giặc Minh. Khi đất nước thái bình, theo lệnh vua cha, ông hóa thân về trời. Từ đó, người dân vùng Nghệ An gọi ông là “Đức thánh minh”, lập nên đền thờ để hậu thế đời đời tưởng nhớ. Cũng có nơi cho rằng rằng: Ông Hoàng Mười chính là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai của Lý Công Uẩn, cai quản châu Nghệ An. Và một giả thuyết khác về xuất thân Thánh ông Hoàng Mười lại cho rằng ông chính là danh nhân Nguyễn Xí, sống ở thời Hậu Lê. Ông là bậc đại công thần, là võ tướng, chính trị gia lỗi lạc giúp Lê Lợi chiến đấu chống giặc Minh xâm lược. Sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược, ông được Lê Lợi phân công cai quản đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, ông đã dạy dân trồng lúa nước, đắp đê ngăn lũ, thủy lợi nội đồng, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo… Ba nhân vật Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Xí đều là những nhân vật có thật trong lịch sử. Nếu Lý Nhật Quang và Lê Khôi đều là Hoàng tử dưới triều Lý, hậu Lê, đã làm trấn thủ, tri châu Nghệ An, nhiều công trạng gắn với vùng đất này thì Nguyễn Xí lại chính là một người con xuất thân từ xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ngày nay, là một tướng lĩnh xuất chúng triều Hậu Lê và cuộc đời lừng lẫy của ông cũng gắn bó với vùng đất này.
 
Và với nhân dân làng Xuân Am, Hưng Thịnh, Hưng Nguyên - nơi có đền Hoàng Mười tọa lạc thì đức Thánh Hoàng Mười có khi lại hóa thân thành thành hoàng làng Nguyễn Duy Lạc. Người dân địa phương không thấy ông Hoàng Mười là con của vua cha Bát Hải Long Vương  mà coi Hoàng Mười là một nhân vật của quê hương này, có công lao được dân làng thờ phụng và triều đình ban sắc. Theo thần tích của thôn Xuân Am, tổng Đổ Yêm, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An còn lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, đầu đề là “Tuấn sảng siêu loại  hiển đức đại vương sự tích” có ghi: “Đại vương họ Nguyễn, tự là Duy Lạc. Ngài thích lược thao, giỏi võ nghệ, giúp vua Lê chúa Trịnh, giữ chức Đô chỉ huy sứ, được lệnh đi dẹp loạn ở vùng Thuận Quảng, lập được chiến công, được thăng Đô chỉ huy sứ phiêu kỵ tướng quân”.
 
Cả hai vị Hoàng Mười và Nguyễn Duy Lạc đều có những sự tương đồng trong lý lịch trần thế, đều là những người vì dân vì nước, hết lòng giúp dân giúp đời nên sự đồng nhất giữa đức Thánh Hoàng Mười với thành hoàng làng Nguyễn Duy Lạc của nhân dân làng Xuân Am cũng là điều dễ hiểu.
 
Mặc dù là một nơi thờ ông Hoàng Mười thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng rõ ràng các vị thần, thánh đã được thế tục hóa, địa phương hóa, vừa xa xôi, huyền diệu song vẫn gần gũi cuộc sống của nhân dân, giúp đỡ, đồng hành cùng nhân dân. “Như vậy thì tuy là Thánh đấy, nhưng thực sự đó là con người. Con người đã được nâng lên, được đi vào cõi thiêng chứ không phải là từ một cõi thiêng liêng nào hiện về”[6].
 
Tuy trong tâm thức của nhân dân, có khi đã có sự đồng nhất thánh Hoàng Mười với thành hoàng Nguyễn Duy Lạc, coi Nguyễn Duy Lạc là hóa thân của Hoàng Mười nhưng trong bài trí thờ tự lại vẫn có sự phân định khá rõ ràng, khi chính cung Thượng điện vẫn dành vị trí trang trọng nhất để thờ Quan Hoàng Mười và vị trí của gian bên để thờ thành hoàng Nguyễn Duy Lạc.
 
Việc Ông Hoàng Mười - một nhân vật trong hệ thống tín ngưỡng Tứ phủ của Việt Nam nhưng khi về đến đất Nghệ An thì đã hoá thân thành các vị Uy  Minh Vương Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Xí hay Nguyễn Duy Lạc... là một nét rất riêng của di tích đền Hoàng Mười nhưng cũng rất phù hợp với xu thế lịch sử hóa, địa phương hóa của văn hóa dân tộc.
 
Cùng với sự lịch sử hóa, địa phương hóa nhân vật Hoàng Mười thì hình tượng Song Đồng Ngọc Nữ của tín ngưỡng thờ Mẫu cũng đã có sự biến đổi trong tín ngưỡng và bài trí thờ tự tại đền Hoàng Mười.
 
Theo tín ngưỡng dân gian, Song Đồng Ngọc Nữ là con của Ngọc Hoàng thượng đế, luôn được hầu hạ bên cạnh Thượng đế, khi họ đầu thai xuống trần gian thì thường được gửi vào nhà quyền quý để làm vua, làm tướng hoặc làm công chúa. Song Đồng Ngọc Nữ cũng là hai nhân vật thuộc một lớp thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung.
 
Với nhân dân làng Xuân Am, Song Đồng Ngọc Nữ đã vượt ra khỏi tư duy chỉ là một vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu mà trở thành là một thần linh cụ thể, là đương cảnh thành hoàng của làng Xuân Am, đã có công cứu giúp nhân dân khỏi mưa bão, lụt lội, cuồng phong và làm cho mùa màng sinh sôi, nảy nở. Chính vì thế, nhân dân làng Xuân Am chỉ coi Song Đồng Ngọc Nữ là một vị thần, chỉ có một tượng thờ và được bài trí thờ trang trọng trong Thượng điện, cùng với đức Thánh Hoàng Mười và thành hoàng Nguyễn Duy Lạc. Điều này cũngmột lần nữa cho thấy sự địa phương hóa khá rõ của tín ngưỡng thờ Mẫu tại di tích đền Hoàng Mười.

Tháng 4/2017, UNESCO đã chính thức công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của cho Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Cũng như các địa điểm thờ Mẫu trong toàn quốc, việc được thế giới công nhận là bước đầu để chúng ta phát huy các giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng này trong đời sống hiện tại. Đền Hoàng Mười ở Hưng Nguyên, Nghệ An cũng vậy, là một minh chứng cho giá trị và sức sống của đạo Mẫu trong đời sống của nhân dân địa phương và cả nước. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền và mỗi người dân cần phải giữ gìn những giá trị văn hóa đặc biệt của ngôi đền nhằm phát huy mặt tích cực của nó trong đời sống các tầng lớp nhân dân.
 
-------------------------------
 
* Tham luận tại Hội thảo “Giá trị lịch sử - văn hóa của di tích đền Ông Hoàng Mười huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An” do UBND huyện Hưng Nguyên phối hợp với Viện Nghiên cứu Truyền thông Văn hóa Dân tộc và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức ngày 10/6/2017 tại Hà Nội.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
Nguyễn Đăng Duy: Văn hóa tâm linh, NXB Văn hóa thông tin, 2001. 

Ủy ban nhân dân xã Hưng Thịnh, Ban Quản lí đền ông Hoàng Mười: Đền ông Hoàng Mười, NXB Nghệ An, 2009.


Sở Văn hóa thông tin tỉnh Nghệ An, Ban Quản lí di tích - danh thắng: Lý lịch di tích đền ông Hoàng Mười, 2002. Người lập: Kiều Thị Quý.

Nguyễn Minh San: Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1998.

Đặng Văn Lung: Văn hóa Thánh Mẫu, NXB Văn hóa thông tin, 2004.

Vũ Ngọc Khánh: Đạo Thánh ở Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.

Sở Văn hóa thông tin tỉnh Nghệ An: Nghệ An di tích danh thắng, 2001.
 
[1] Hồ sơ Di tích đền ông Hoàng Mười, Ban QLDTDT Nghệ An, người lập hồ sơ: Kiều Thị Quý
 
[2] Sở Văn hóa thông tin tỉnh Nghệ An, Ban Quản lí di tích - danh thắng: Lý lịch di tích đền ông Hoàng Mười, 2002. Người lập: Kiều Thị Quý, Tr.12.
 
[3] Hồ sơ Di tích đền ông Hoàng Mười, Ban QLDTDT Nghệ An, người lập hồ sơ: Kiều Thị Quý
 
[4] Sở Văn hóa thông tin tỉnh Nghệ An, Ban Quản lí di tích - danh thắng: Lý lịch di tích đền ông Hoàng Mười, 2002. Người lập: Kiều Thị Quý, Tr.17.
 
[5] Sở Văn hóa thông tin tỉnh Nghệ An: Nghệ An di tích danh thắng, 2001, Tr.134.
 
[6] Vũ Ngọc Khánh: Đạo Thánh ở Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001, Tr.105.
 
ThS. Nguyễn Thị Duyên
Khoa Lịch sử, Đại học Vinh và ThS. Phan Thị Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý DSVH, Sở VH&TT Nghệ An 

Bạn đang đọc bài viết "Tìm hiểu về Đền ông Hoàng Mười (*)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.