Tìm hiểu một số địa danh lịch sử - văn hoá ở Bình Định

11/11/2016 10:01

Theo dõi trên

Hệ thống địa danh ở tỉnh Bình Định khá phức tạp, phong phú và đa dạng. Mặt khác, trong quá trình tồn tại của lịch sử, do chịu áp lực của các quy luật, quá trình diên cách hành chính, địa danh ở khu vực này cũng có những biến đổi nhất định và chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của hệ thống ngôn ngữ và văn hoá của các dân tộc anh em đã từng cộng cư trên mảnh đất giàu truyền thống văn hoá.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đi tìm hiểu, giải thích một số địa danh văn hoá, lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bình Định.

Về tên gọi Bình Định

Theo các tài liệu cổ sử, tên gọi Bình Định xuất hiện kể từ khi vua Gia Long chiếm lại vùng đất này từ nhà Tây Sơn. Theo Đại Nam thực lục, đệ nhất kỉ, quyển X, thực lục về Thế tổ cao hoàng đế, đã ghi chép về thời điểm thành Quy Nhơn được đổi thành Thành Bình Định, chúng tôi xin lược ghi như sau:

Kỷ mùi (1799) [tức năm thứ 4 đời Thanh Gia Khánh], vào tháng 5, quân Nguyễn Ánh đã tập kết và tiến sát đến thành Quy Nhơn. Tháng 6, Nguyễn Văn Thành đem quân qua song Đào Lô (Sông Lò Gốm?), đánh phá bảo Ưu Đàm của Tây Sơn… Quân ta (tức quân Nguyễn Ánh - NV) đã lấy lại được thành Quy Nhơn. Thái phủ của Tây Sơn là Lê Văn Ứng đã thua, trong thành quân ít, lương cạn. Đại Tổng quan Lê Văn Thanh, Binh bộ thượng thư Nguyễn Đại Phác, Thiếu uý Trương Tiến Thuý của nhà Tây Sơn dâng biểu xin hàng. Vua sai Lại bộ tham tri Nguyễn Bảo Tiến và Tham mưu Trần Quang Thái đưa chỉ dụ rằng: “Bọn ngươi đã biết quy thuận, ta cũng lấy lòng thành mà tiếp đại, ngày trước lài cừu địch, ngày nay là vua tôi, đều không nên ngờ sợ gì”. Bèn cho xa giá vào thành. Bọn Thành cùng tướng tốt 1 vạn 3 trăm người đều tự trói cổ lạy phục. Vua sai tuyên chỉ an ủi, ban cho 5000 quan tiền để chia nhau. Đổi tên thành làm thành Bình Định. [Viện sử học dịch, Nxb Giáo dục, tập 1, tr.388].


 
Hành cung ở thành Bình Định, nơi đón tiếp nhà vua về nghỉ ngơi, làm việc khi xa giá đến Bình Định vào thời Nguyễn - Ảnh: N.T.Q chụp lại.

Vì sao Nguyễn Ánh đặt tên vùng đất này là Bình Định. Thời Tây Sơn, khu vực này là kinh đô của Thái Đức trung ương hoàng đế nên có tên gọi là thành Hoàng đế. Đến tháng 6.1799, sau khi hạ được thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh bèn cho đổi tên Bình Định, có lẽ dụng ý của ông muốn thể hiện tư thế ngạo nghễ của người chiến thắng. Ngoài ra, cần lưu ý một điểm, đây là đất thang mộc của nhà Tây Sơn. Phan Huy Ích đã cho rằng Quy Nhơn là ấp thang mộc (Quy Nhơn thang mộc địa. Thang mộc ấp là một điển cố xuất phát từ trong cổ văn. Từ này được dùng đầu tiên trong Công Dương truyện, mục Ẩn Công bát niên, ban đầu nó có nghĩa là nơi các vua tắm gội để giữ mình thanh khiết trước khi cúng thiên tế địa. Về sau được dùng để chỉ cho vùng đất phát tích ra một triều đại, một vị vua nào đó. Với ý nghĩa sâu xa ấy, sau khi đã trấn áp được vùng đất này, Nguyễn Ánh đã cho là mình đã vào tận đất phát tích của nhà Tây Sơn, là bình định được loạn đảng “nguỵ Tây” (theo cách nói của các vua triều Nguyễn trước đây). Vì thế, tên gọi Bình Định có thể được ra đời với ý nghĩa là đã dẹp yên vùng đất của loạn đảng.

Như vậy, tên gọi Bình Định chính thức được sử dụng từ tháng 6 năm 1799. Năm 1808, dinh Bình Định chuyển thành trấn Bình Định và năm 1816 đặt Tri phủ Quy Nhơn trông coi ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn. Đến thời vua Minh Mạng được nâng cấp và đổi tên thành tỉnh Bình Định (1832) và đặt chức Tổng đốc Bình Phú kiêm quản hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Từ đó về hành chính tỉnh Bình Định tiếp tục có nhiều thay đổi cho đến ngày nay.

Tên gọi Hoài Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Viễn, Tuy Phước

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, tháng 3 năm 1471, sau khi đánh chiếm Đồ Bàn, Lê Thánh Tông sát nhập vùng đất mới chiếm vào đạo Quảng Nam. Nhà Lê cho thành lập phủ Hoài Nhơn có nghĩa là nhớ mong về đức Nhân. Hai chữ này vốn được đọc là Hoài Nhân, kể từ đời vua Thiệu Trị trở về sau, vì kị huý Thánh Tổ Nhân hoàng đế Minh Mạng nên phải đọc trại âm Nhân thành âm Nhơn. Do đó tên gọi Hoài Nhơn được chính thức sử dụng. Địa phận của phủ này gồm đất của ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, năm 1570, ông được giao thống lĩnh cả Quảng Nam, vùng đất ấy càng về sau càng được chú ý nhiều hơn.

Địa danh Quy Nhân (kị huý đọc thành Nhơn) bắt đầu xuất hiện vào năm 1602. Vào thời gian này, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn (nơi quy tụ đức nhân hoặc đức Nhân được quy tụ về). Năm 1651, chúa Nguyễn Phúc Tần đổi làm phủ Quy Ninh (nơi quy tụ sự yên ổn, sự yên ổn được quy tụ về). Sau đó, năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát khôi phục lại tên cũ là phủ Quy Nhơn. Ngày 20.10.1898, vua Thành Thái ra Chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn, đô thị tỉnh lỵ, là một trong những đô thị hoạt động thương mại với nước ngoài khá sầm uất lúc bây giờ.

- Địa danh Tuy Viễn: Về nguồn gốc, vào thời Hậu Lệ, địa danh Tuy Viễn được chính thức sử dụng vào năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông đánh chiếm vùng Đồ Bàn của Chiêm Thành tới vùng núi Thạch Bi và cho thành lập 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn thuộc phủ Hoài Nhơn. Những tư liệu đầu tiên ghi nhận về Tuy Viễn gồm tập sách Thiên Nam Dư Hạ Tập nói về cương vực Đại Việt dưới triều Hồng Đức có ghi rằng: Quảng Nam thừa tuyên sứ ty kiêm quản 3 phủ, 9 huyện, trong đó có huyện Tuy Viễn. Trong tập Hồng Đức Bản Đồ do vua Lê Thánh Tông cho vẽ phần thừa tuyên Quảng Nam cũng có ghi nhận về Tuy Viễn là cận Đông Nam trong tứ cận của thừa tuyên. Về ý nghĩa, Tuy Viễn có nghĩa tiếp nối vùng biên viễn. Có lẽ với ước vọng có thể tiếp tục mở rộng về phía Nam, Lê Thánh Tông đã định danh tên gọi này.

- Tuy Phước: Về mặt Hán tự, địa danh này có nghĩa là sự tiếp nối, kéo dài sự hạnh phúc, may mắn. Điều này cũng đã phản ánh những ý niệm về văn hoá, phản ánh xu thế lịch sử của người dân vùng miền này đối với môi trường, hoàn cảnh sống của cộng đồng mình. Thời kì phong kiến, khu vực huyện Tuy Phước ngày nay được gọi là phủ Tuy Viễn, phủ Tuy Phước. Dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà, nó được gọi là quận Tuy Phước. Sau năm 1975, chính quyền có chủ trương thống nhất tên gọi từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh, huyện xã phường…, do đó tên gọi căn bản từ năm 1975 đến nay là huyện Tuy Phước.

Căn cứ vào tự dạng Hán văn, tên gọi đầu tiên của vùng đất này đều có liên quan đến chủ trương Nhân trị, Đức trị của các tiên chúa triều Nguyễn. Những ước nguyện về một vùng đất trù phú được mở rộng về phía Nam (Quảng Nam), giàu đức Nhân (Quy Nhơn), yên ổn và giàu thịnh (Phú Yên, Quy Ninh) và có thể kéo dài thêm nữa (Tuy Viễn, Tuy Phước)… Với những tên gọi này, các bậc tiền nhân trên con đường Nam tiến luôn thể hiện một niềm khát khao đến một đất nước bình yên, vui vẻ, an hoà (An Lão, Hoài Ân, Khánh Hoà)…

Địa danh Đồ Bàn (Chà Bàn, Trà Bàn), Thi Nại

- Địa danh Đồ Bàn hay còn gọi là Trà Bàn, Chà Bàn:  Đồ Bàn hay còn gọi là Trà Bàn, Chà Bàn, có lúc gọi là Xà Bàn, tên dân gian là thành Lồi. Những tên gọi này là địa danh Hán văn được các học giả phiên âm từ một từ gốc tiếng Chăm là Vijiaya, vốn là kinh đô cũ của Champa, hiện nay nằm trên địa phận hai thôn Nam Tân, Bắc Thuận (xã Nhơn Hậu) và thôn Bả Canh thị trấn Đập Đá.

Sở dĩ có sai biệt trong tên gọi này là do sự nhầm lẫn trong cách viết chữ Hán. Có lẽ tên chữ Hán đầu tiên của nó là Trà Bàn. Vì chữ Đồ và chữ Trà có tự dạng giống nhau, cụ thể phần dưới của chữ Đồ là bộ Hoà, phần dưới của chữ Trà là bộ Mộc, chỉ khác nhau một dấu phẩy. Còn cách gọi Chà Bàn hay Xà Bàn là do đọc trại âm Trà mà ra. Theo Hoàng Xuân Hãn, chữ Trà và chữ Đồ trong chữ Hán rất dễ lẫn lộn nên trong bộ Đại Việt sử kí toàn thư (viết vào niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) thời vua Lê Hy Tông) chép là Đồ Bàn nhưng sách phương Tây thời kỳ đó đã phiên âm theo chữ Latin là Chaban nên giáo sư kết luận là tên của Đồ Bàn thực ra là Chà Bàn. Trong nghiên cứu của Tâm Quách - Langlet cũng dựa trên đó mà cho rằng thủ đô của Vijaya là thành Chà Bàn. Toà thành này gần như đã bị phá huỷ vào năm 1471 cùng với sự kiện vua Lê Thánh Tông đưa quân vào đánh chiếm kinh đô của vua Champa. Đồ Bàn dưới thời Tây Sơn là thành Hoàng đế. Năm 1799, Nguyễn Ánh đánh chiếm thành Hoàng đế và đổi tên thành thành Bình Định. Nay di chỉ của toà thành này vẫn còn ở địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.  
 


 
Cửa Đông thành Bình Định (ảnh tư liệu của gia đình ông Thái Doãn Cổn ở thôn An Ngãi, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) - Ảnh: N.T.Q chụp lại.

- Về địa danh Thi Nại (Thị Nại): Dọc theo khu vực duyên hải miền Trung, nhất là vùng Nam Trung bộ, chúng ta tìm thấy khá nhiều địa danh mang tên Thi Nại hoặc Nại. Vậy, Thi Nại hay Nại có nguồn gốc ở đâu?

Theo một số tài liệu cổ sử như Việt Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư , Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Thi Nại tên tiếng Phạn là Criviaya hoặc Cri-Banoi là tên hải cảng của Vương quốc Champa. Việt Sử Lược gọi là Thì Lị Bì Nại (1069), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì gọi là Tì Ni hay Pini (1303), Cương Mục thì gọi là Thi Nại Cảng. Một số tài liệu của Trung Hoa thì gọi là Thiết Tỉ Nại, Chiêm Thành Cảng; Tân Châu Cảng.

Cũng có tài liệu cho rằng, xưa kia, người Chăm sinh sống dọc bờ biển thường làm nghề bắt cá. Mỗi ngày đều có ghe thuyền về tấp nập vào một vài nơi nhất định, về lâu dài những nơi này phát triển thành những chợ nhỏ, chủ yếu mua bán cá tươi cho người địa phương và lái buôn. “Chợ nhỏ” trong tiếng Chăm là Darak naih (Darak là chợ, naih là nhỏ), đọc âm là “tà rạk neh”. Người Việt dịch chữ Darak là Thị, còn chữ naih thì cho là danh từ riêng nên đọc thành Né hay Thị Né, về sau chữ Né đọc trại thành Nại nên chúng ta có địa danh mang tên Thị Nại hoặc là Nại.

Ngày nay, tên gọi Thị Nại được dùng để chỉ cho 1 một đầm nước mặn nằm trên địa phận thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định, có diện tích hơn 5.000 ha. Một phần nhỏ của đầm Thị Nại được sử dụng làm cảng biển (Cảng Quy Nhơn) và 1 cây vượt biển dài nhất Việt Nam. Cầu Thị Nại còn được gọi là cầu Nhơn Hội, nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội, gồm cầu chính vượt đầm Thị Nại, 5 cầu nhỏ qua sông Hà Thanh và đường dẫn 2 đầu cầu. Công trình xây dựng cầu Thị Nại được khởi công vào ngày 3 tháng 11 năm 2002 và hoàn thành vào ngày 12 tháng 12 năm 2006. Phần chính của cầu dài 2.477, 3 mét, rộng 14,5 mét. Cầu gồm 54 nhịp có khẩu độ mỗi nhịp là 120 mét. Tính cả phần đường dẫn, cây cầu  này dài tổng cộng là 6960 m với 5 cầu phụ kèm theo.        

Gành Ránh hay Ghềnh Ráng?

Gành Ráng hay còn gọi là Ghềnh Ráng, tên chữ là Nhạn Châu, là quần thể du lịch ở Đông Nam thành phố Quy Nhơn, cách thành phố khoảng 3 km. Theo học giả An Chi, từ Gành vốn xuất phát từ "Hành > hình có nghĩa là chỗ gián đoạn trong mạch núi; khi chuyển thành gành trong tiếng Việt thì mang nghĩa là “chỗ lòng sông thu hẹp và nông khiến cho dòng nước bị dồn lại nên chảy xiết” (Từ điển từ ngữ Nam Bộ). Ngày nay, trong tiếng Việt văn học và tiếng Việt toàn dân thì nó đã biến thành ghềnh (trong thác ghềnh) nhưng trước đó thì nó là ghình như còn có thể thấy trong phương ngữ Nam Bộ. Như vậy, Gành hay Ghềnh là một từ chung chỉ cho một dạng địa hình dương, nằm sát mé biển.

Từ Ráng hiểu theo nghĩa của người dân đi biển là "đổ gió" từ trong buồm ra, xoay mũi theo. Thuyền qua gành này thường phải đổ gió nên người đi biển gọi là "Gành Ráng". Gành Ráng có diện tích rộng 35ha, là thắng cảnh đẹp với bãi cát trắng chạy dài hàng km, nước biển trong xanh. Gành cao, sóng vỗ, phong cảnh thật kì vĩ, góp phần tạo nên cảnh quan hấp dẫn cho bãi biển Quy Nhơn. Nơi đây có bãi đá do có nhiều viên đá hình quả trứng, dân gian gọi là Bãi Trứng. Ngoài ra, khu vực bài biển này còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu, xuất phát từ sựu kiện Nam Phương hoàng hậu đã từng đến nghỉ dưỡng và tắm biển nên có tên gọi này. Bãi tắm kì thú này nằm bên cạnh một gò đồi khá cao, là nơi toạ lạc của khuôn viên mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940), do đó người dân nơi đây gọi bằng một cái tên khá mĩ miều là đồi Thi Nhân.



Danh thắng Gành Ráng

Ngày nay, Gành Ráng đã trở thành một khu du lịch nổi tiếng với những hang động đa dạng, những tượng đá mặt người, đầu sư tử, đầu voi, hòn Vọng phu, hòn Chồng, hòn Vợ... do thiên nhiên tạo dáng dọc gành đá bờ biển. Do đó, Gành Ráng - Tiên Sa được đánh giá là khu an dưỡng lý tưởng. Từ đồi Gành Ráng, du khách có thể phóng tầm nhìn bao quát bờ Đông của thành phố và bán đảo Phương Mai. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của thành phố Quy Nhơn, là những điểm đến không thể thiếu đối với những ai đến với thành phố thi ca này.

Nhìn chung, với những địa danh được tìm hiểu như trên, chúng tôi mong muốn có thể đạt được một sự giải thích trọn vẹn và hợp lý nhất. Song, do hạn chế về tư liệu, những trình bày trên đây là một số nghiên cứu bước đầu. Rất mong các bậc thức giả xa gần chỉ chính và bổ sung thêm.

(Theo Báo Bình Định)

Võ Minh Hải (Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Quy Nhơn)
Bạn đang đọc bài viết "Tìm hiểu một số địa danh lịch sử - văn hoá ở Bình Định" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.