Tiếp lửa tình yêu văn hoá dân tộc

13/06/2018 15:50

Theo dõi trên

Hai bạn trẻ ấy cuốn hút tôi bởi ý thức gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Khmer. Họ là những người tiếp lửa với mong muốn nối dài tình yêu nghệ thuật truyền thống trong thế hệ trẻ.

Danh Thị Rót là cô gái nhẹ nhàng, tinh tế, yêu điệu múa Khmer từ những buổi lễ chùa. Ngày nhỏ, mỗi lần theo mẹ đi lễ, Rót mê mẩn nhìn vũ công uyển chuyển trong các điệu múa. Bàn tay non nớt cũng uốn cong theo điệu nhạc: “Mọi người khen tay em múa dẻo. Em rất thích. Em tự hào vì bản thân đã góp phần giữ gìn điệu múa dân tộc. Lúc đầu chỉ là tình yêu dành cho điệu múa truyền thống. Nhưng để giữ gìn và phát huy những giá trị ấy đòi hỏi thử thách và trách nhiệm”, Rót tâm sự.

Yêu điệu múa rô băm

Năm học lớp 11, Rót được trường chọn vào đội văn nghệ để tham gia hội thi văn hoá thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc. Lúc đó, trường mời các anh chị bên Đội Thông tin Văn nghệ Khmer dàn dựng 2 tiết mục múa cổ điển và múa dân gian. Rót được chọn múa chính. Lần đó, cả hai tiết mục đều đoạt giải Bạc. “Em rất phấn khích. Em nghĩ mình đã làm được, mà còn làm tốt nên có tình cảm đặc biệt với nghệ thuật múa”, Rót kể.

Sau khi ra trường, Rót lại có duyên vào công tác ở Đội Thông tin Văn nghệ Khmer (nay là Đoàn Nghệ thuật Khmer của tỉnh). Ở đây, cô được tiếp xúc với các điệu múa và được truyền nghề nhiều hơn. Tuổi còn trẻ, hoá thân trong các điệu múa Rô băm, mặc trang phục truyền thống, mỗi tiết mục đều tạo cho cô sự say mê. Múa Rô băm diễn tả bằng đôi mắt, động tác uyển chuyển của hình thể và đặc biệt là sự cảm nhạc để thể hiện đúng nội dung muốn truyền tải. Rô băm là nghệ thuật sân khấu điển hình của người Khmer. Sân khấu Rô băm gồm có múa, hát, trang phục… Múa Rô băm mang đến nhiều giá trị văn hoá, tín ngưỡng, hội hoạ, âm nhạc. Đây là điệu múa cổ điển, xuất xứ từ cung đình, phục vụ tầng lớp vua chúa ngày xưa. Rô băm thường do nữ múa với những động tác rất khoan thai, uyển chuyển của hình thể, tiết tấu nhẹ nhàng bay bổng, trang phục lấp lánh.

Rót tâm sự: “Giá trị văn hoá từ điệu múa tác động lớn đến nhận thức, tư tưởng, làm cho em thêm yêu và có trách nhiệm giữ gìn và phát huy văn hoá dân tộc mình”.

 
Danh Thị Rót và Danh Thanh Luân - hai bạn trẻ với niềm đam mê bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Đam mê nhạc cụ dân tộc

Từ khi còn rất nhỏ, những điệu đàn, lời ca của các chú, bác trong phum, sóc đã quyến rũ Danh Thanh Luân. Cậu thần tượng những người tạo nên thanh âm trầm bổng: “Em cảm thấy họ chơi nhạc rất giỏi. Nghệ nhân biết chơi nhạc rất có uy tín trong phum, sóc. Em cũng muốn được vậy nên thích học nhạc”. Học nhạc bập bõm, chừng 10 tuổi, Luân đã biết chơi đàn cò. Được vài năm, Luân tạm xa dây đàn vì xuất gia trong chùa không được đánh đàn, nhưng sau giờ học đạo, cậu vẫn hay nghe các bài nhạc truyền thống. Sau khi hoàn tục, Luân cố công tìm thầy để học đờn nhị, đờn gáo, đánh trống lớn, trống nhỏ… Những nhạc cụ nào thuộc môn nghệ thuật truyền thống Luân đều muốn học. Người thầy dạy cậu đánh trống lớn, trống nhỏ là một nghệ nhân thổi kèn Pầy-o, đến khi lớn tuổi bị nặng tai, thầy chuyển sang đánh trống cho ban nhạc. Thầy truyền cho Luân tình cảm gắn bó với âm nhạc dân tộc.

Khi biết sử dụng các nhạc cụ truyền thống, Luân có thời gian đi học nhạc tân theo nguyện vọng của cha mẹ. Vừa biết nhạc tân, vừa phục vụ nhạc truyền thống, lại có thể khắc, vẽ hoa văn… nhờ có tài hoa về các môn nghệ thuật truyền thống, ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, Luân đã làm nhiều việc có thu nhập, trở thành trụ cột tài chính của gia đình.

Nhưng dòng chảy âm nhạc truyền thống luôn thôi thúc nên Luân tiếp tục tìm thầy học nhạc. Chữ nhạc đã khá nhưng âm nhạc cổ truyền kiến thức sâu rộng, Luân muốn tìm một nơi am hiểu để tiếp thu nhiều hơn. Lúc đầu cha mẹ ngăn cản vì không muốn con trai từ bỏ một công việc có thu nhập tốt. Luân bảo: “Nhiều người khuyên em muốn đổi nghề sao không đi học sửa xe hay sửa điện tử, nhưng em nghĩ, nếu con cháu người Khmer ai cũng đi học nghề để có thu nhập thì bản sắc văn hoá dân tộc ai là người gìn giữ”.

Lửa đam mê được nhen nhóm cho khát khao trở thành người truyền dẫn âm nhạc dân gian. Người thầy truyền nghề cho Luân là nghệ nhân Chơne Sôphara (Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, Trà Vinh). Luân chọn học đàn Tà khê vì như cậu nói: “Hiện nay còn rất ít người biết chơi loại nhạc cụ này”. Chưa tròn đôi mươi, Luân đã thuần thục nhiều nhạc cụ dân tộc như: Tà-khê, T,rô (đàn cò), T,rô U (đàn gáo), Skô Thum (trống lớn), Skô đay (trống tay), Rô-net-kông…

Những ngón đờn càng giúp Danh Thanh Luân thêm yêu văn hoá dân tộc mình. Ngồi đối diện tôi là cậu trai chưa tròn đôi mươi nhưng cách nói đầy trăn trở: “Các thầy dạy em hay lo lắng rằng: Sợ khi hết một lớp nghệ nhân đi trước thì thế hệ trẻ sau này trong phum, sóc không còn ai biết sử dụng nhạc cụ cổ truyền, có khi sẽ mất đi bản sắc dân tộc”.

Có những khi không vững lòng, Luân lại nghĩ về tâm huyết của bà con quê mình. Ở địa phương bây giờ nhiều người vẫn có tâm giữ gìn nhạc cụ dân tộc. Các ông lão tự làm đờn để chơi. Điều kiện không có nhưng họ vẫn chơi đàn theo cách dân gian. “Em thấy tự hào vì mình đang góp phần giữ gìn nét văn hoá truyền thống của dân tộc”, Luân vui vẻ nói.

Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa đang miệt mài với mạng xã hội, đắm chìm vào thế giới ảo thì hai bạn trẻ Danh Thị Rót và Danh Thanh Luân đã dấn thân theo đuổi một tình yêu lớn đối với nghệ thuật dân tộc. Dẫu biết để đi trọn con đường ấy không phải là việc dễ dàng, song, sự lựa chọn của họ đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác.


Trúc Thi
Theo Báo Cà Mau

Bạn đang đọc bài viết "Tiếp lửa tình yêu văn hoá dân tộc" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.