Lèn Hai Vai là nơi diễn ra cuộc đánh nhau ác liệt giữa nhà Mạc và nhà Lê. Tiếp đến khi thấy vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương, nhiều nhà khoa bảng và nhân dân đã theo cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn đứng lên khởi nghĩa chống Pháp. Nghĩa quân thường luyện tập dưới chân lèn và để khí giới trong các hang động. Đến thời 1930 - 1931 và 1936 có rất nhiều cuộc mít tinh diễn ra dưới chân lèn Hai Vai. Ngoài ra trước cách mạng tháng 8 trong các hang động cũng là nơi diễn ra các cuộc họp Đảng bộ và kết nạp đảng viên...
Không chỉ là một danh thắng mang đậm dấu ấn lịch sử mà lèn Hai Vai còn trở thành đề tài trong văn học dân gian. Chỉ tính riêng ở các vùng xung quanh đã có hàng trăm bài thơ, hò, vè, chuyện kể… về lèn Hai Vai.
Với những giá trị vô giá đó, năm 1994 lèn Hai Vai đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên hiện nay những Di tích lịch sử, hang động trên lèn Hai Vai đều bị xuống cấp và hư hỏng.
Theo người dân địa phương do tình trạng khai thác đá trong những năm 80 đã khiến hầu hết hang động bị vùi lấp, trong đó có những hang mang đậm dấu ấn lịch sử như hang Thần Đồng, hang Khỏm... Nhiều người xót xa phải thốt lên rằng lèn Hai Vai giờ chỉ còn một vai.
“Thời gian đó người ta dùng mìn để khai thác đá khiến cho các cảnh quan trên núi bị tàn phá nghiêm trọng. Ngày xưa cứ đến mùa thi các cô các cậu học trò lại leo lên lèn vào hang Thần Đồng thắp hương xin thi cử đỗ đạt. Tuy nhiên từ khi hang bị lấp, tháp bút ngoài hang bị nổ tan tành thì phong tục đó cũng không còn nữa. Thế hệ trẻ hiện nay khi nghe những câu chuyện hay truyền thuyết về lèn Hai Vai cũng chỉ biết vậy chứ không còn được tận mắt xem các địa danh. Đó quả thực là một mất mát to lớn của quê hương”, ông Minh buồn bã chia sẻ với phóng viên.
Ông Minh chia sẻ về lèn Hai Vai với phóng viên: "Nhìn lèn Hai Vai mà tui buồn lắm" - Ảnh: P.V
Hiện việc khai thác đá đã bị dừng lại nhưng hậu quả của nó vẫn vô cùng lớn.
Điều khiến người dân nơi đây trăn trở nhất là công tác bảo tồn, tu bổ lèn Hai Vai chưa được quan tâm của chính quyền địa phương, mà đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước là Sở văn hóa, thể thao và du lịch Nghệ An (?!)
Phóng viên đã đi quanh ba xã là Diễn Minh, Diễn Bình và Diễn Thắng cũng không hề thấy có một biển chỉ dẫn hay biển báo đến lèn Hai Vai, di tích lịch sử cấp quốc gia (?)
Giờ đây ngọn núi huyền thoại một thời trở nên xơ xác chỉ như một hòn đá trơ trụi. Hầu hết các cây cổ thụ đều bị đốn hạ chỉ còn những cây cỏ dại mọc um tùm. Diện tích núi cũng bị thu hẹp đi rất nhiều. Các di tích lịch sử hang động bị vùi lấp gần hết. Thậm chí xung quanh chân núi còn là nơi để người ta vứt rác thải. Những bãi rác kéo dài cộng với ruồi nhặng bay tứ tung khiến không khí bị ô nhiễm cũng như mất cảnh quan di tích. Ngoài ra do không có ai bảo vệ nên nhiều người không có ý thức tự ý đến đào đất ở chân núi về đắp nền nhà, đắp nương vườn tạo thành những hố lớn nhỏ xung quanh lèn Hai Vai.
Người dân địa phương cho biết: Ngày xưa các trường học trong huyện thường tổ chức đưa học sinh lên lèn Hai Vai để thăm quan. Học sinh rất phấn khởi. Thế nhưng do không được tu bổ nên cảnh quan đã xuống cấp nghiêm trọng cộng với việc đường sá bị hư hỏng khiến việc leo trèo nguy hiểm nên dần dần không ai đến thăm quan nữa.
Bà Đoàn Thị Tú - Cán bộ văn hóa xã Diễn Bình cho biết: "Tuy là di tích cấp quốc gia nhưng hằng năm lèn Hai Vai cũng chỉ được hỗ trợ trả lương cho 1 người bảo vệ mỗi tháng 150 ngàn đồng, ngoài ra không hề có khoản nào khác. Lèn Hai Vai lại nằm ở ba xã nên rất khó trong việc quản lý. Tuy rất trăn trở về việc bảo tồn lèn Hai Vai nhưng việc tôn tạo là quá sức với chính quyền xã. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa được giải quyết".
Hiện người dân địa phương đều mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp bảo vệ và tôn tạo lại các hang động, di tích trên lèn Hai Vai để thế hệ sau có cơ hội được chiêm ngưỡng và tự hào về truyền thống quê hương đất nước.
Còn tiếp...