Tiếng thở dài nghề đan thúng

26/11/2014 21:18

Theo dõi trên

Làng chài nghèo xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam những ngày gần đây vẫn nhộn nhịp từng lượt tàu thuyền vươn khơi bám biển.

Những cụ già thì vẫn cứ thế cặm cụi với công việc làm thúng, một nghề đã có truyền thống lâu đời ở nơi đây.
 


Ông Trần Công Phong đang vót nan tre làm thúng

Thúng đi biển, vật bất ly thân với ngư dân

Nghề đan thúng luôn gắn bó với biển cả của người dân làng chài nghèo này. Theo nhiều cụ lớn tuổi cho biết, ngay cả họ cũng chẳng biết nghề này ra đời từ khi nào, họ chỉ biết lúc sinh ra và lớn lên thì đã nhìn thấy ông bà, cha mẹ mình đang cặm cụi với công việc đan thúng.

Theo tìm hiểu, trong nghề đi biển có nhiều nghề riêng biệt, trong đó có đánh bắt gần bờ, xa bờ hay câu mực… và nhiều nghề trong số ấy luôn gắn liền với một vật dụng không thể thiếu, đó là những chiếc thúng. Những chiếc thúng là vật dụng chuyên chở lưới cụ, gắn bó mật thiết với nghề câu mực hay đánh bắt gần bờ.

Ông Trần Công Phong (SN 1948), người lâu năm hành nghề đan thúng tại địa phương cho biết: “Với những chiếc thúng di chuyển trên biển, có thể chịu đựng được gió cấp 5 và có thời hạn tồn tại trong công việc là 3 - 4 năm”.

Ông Phong cũng cho biết, trong thực tế thì di chuyển trên biển với những chiếc thúng sẽ là nguy hiểm hơn nhiều so với tàu thuyền, bởi lẽ tính chắc chắn của nó vẫn còn kém, có thể bị sóng biển đánh chìm bất cứ lúc nào. Những người câu mực xa bờ, thường hay bị lật thúng nếu như có tàu thuyền chạy bên cạnh gây sóng nhấp nhô bất ngờ.

Anh Trần Công Hiếu (SN 1978), con trai ông Phong cho biết: ”Tôi hay đi biển và biết được, với những chiếc thúng này thì nếu đánh bắt gần bờ chúng tôi chỉ di chuyển không quá 1 hải lý so với đất liền. Còn nếu đi câu mực xa bờ, thì chúng tôi cũng không được di chuyển quá xa tàu của mình”.

Mai một nghề làm thúng…

Theo ghi nhận, tại làng chài nghèo xã Bình Minh hiện nay chỉ còn chưa tới 6 người hành nghề đan thúng. Nghề đan thúng thường gắn liền với công việc sửa chữa thúng. Cứ sau mỗi chuyến đi biển, nhiều chiếc thúng bị hỏng lại được ngư dân gánh vào đất liền, tìm người sửa chữa.

Ông Trần Công Phong cho biết, tôi làm nghề đan thúng nhưng cũng thường xuyên đi sửa chữa thúng cho bà con ngư dân ở làng. Vì thông thường, những ngư dân không biết đan thúng thì họ sẽ khó biết sửa chữa thúng.

Nhiều người hành nghề đan thúng tại địa phương cho biết, nghề này rất vất vả vì mất rất nhiều thời gian và công sức. Một chiếc thúng được tạo ra phải qua nhiều công đoạn như đan nan tre, rồi cùng kéo chuyên dụng, tạo thành hình tròn. Có những cụ già tuổi đã cao vẫn cố gắn cặm cụi làm thúng. Những cụ khác, sức khoẻ đã suy giảm thì không thể tiếp tục gắn bó với nghề và đành bỏ dỡ.

Ông Phong, nhìn vào chiếc thúng vừa làm xong, ông than thở: “Nghề đan thúng này chỉ có những người già như chúng tôi làm thôi, tụi trẻ nó không thích làm vì mất thời gian và công sức, hơn nữa một chiếc thúng làm ra và bán lại với giá chỉ từ 2 triệu đồng đến cao nhất cũng chỉ 4 hoặc 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, thời gian làm ra một chiếc thúng với một người làm phải mất đến 1 tháng hoặc hơn thế nữa.

Những khó khăn của nghề đan thúng được người dân nơi đây ví von trong câu nói: “Cùng nghề thì mới đan mê”. Nghĩa câu nói này ý muốn nói, khi nào không còn nghề nào để làm thì họ mới chọn đến nghề đan thúng bởi những khó khăn trăm bề của nghề này.

Cạnh nhà ông phong là ông Trần Văn Có (66 tuổi) với kinh nghiệm trong hơn 20 năm đan thúng, ông cho biết: “Nghề này chỉ có tôi già, không nghề nghiệp mới làm, còn nhiều lớp trai trẻ họ không quan tâm đến nghề. Ngay cả 5 đứa con của tôi cũng chẳng có đứa nào mặn mà với nghề đan thúng này.

Nhìn vào chiếc thúng làm du lịch vừa đan xong ông cũng cho biết thêm: “Tôi chỉ sợ một mai lớp già như tôi yếu đi và bỏ nghề thì nghề này sẽ trở nên mai mục vì trong thực tế, để biết được và làm được nghề này cũng cần có thời gian lâu học tập, tìm hiểu và thực hành.

Nhiều thanh niên trẻ tại đây cho biết, nghề này gồm nhiều công đoạn nhưng chỉ là làm thủ công nên họ không thích. Nếu có được những chiếc máy chẻ tre, đan vót thì công việc sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.

Chiếc thúng, vật bất ly thân với những người dân hành nghề đi biển đang dần dần trở nên xa lạ với những thế hệ trẻ. Nhiều người làm nghề đan thúng nơi đây luôn than thở và lo sợ một mai không xa nghề này sẽ vĩnh viễn biến mất tại làng chài nghèo này.
 
Bình Phú

Bạn đang đọc bài viết "Tiếng thở dài nghề đan thúng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.