Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn giá trị DSVHPVT Quốc gia Nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

27/11/2022 22:06

Theo dõi trên

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022.

dt2-9-1669561550.jpg
Ảnh minh họa/Nguồn: Báo Đồng Tháp

Được sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của UBND Tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các sở, ngành và UBND huyện, thành phố, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh ngày càng đạt được hiệu quả.

Ngày 26/7/2021, Sở VHTT&DL đã ban hành Kế hoạch số 758/KH-SVHTTDL về việc Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 và Uỷ ban nhân dân (UBND) các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan cũng đã chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện, cụ thể hoá từng nội dung, phần việc trong kế hoạch. Qua đó, đã tổ chức thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề dệt chiếu xã Định Yên, Định An, huyện Lấp Vò và Nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu, huyện Lai Vung góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng và hệ thống chính trị đối với Di sản, nhất là đối với thế hệ trẻ, từng bước xây dựng phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ Di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh được thực hiện gắn kết với dịch vụ du lịch phát triển mạnh mẽ. Công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu, quảng bá với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng dân cư, chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quốc gia của tỉnh. Tổ chức trưng bày sản phẩm, triển lãm hình ảnh, trình diễn thực hành nghề, không gian làng nghề thủ công truyền thống phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quít, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu du lịch Văn hóa Phương Nam, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc nhân dịp tổ chức kỷ niệm các các sự kiện, lễ hội tiêu biểu của tỉnh trong năm 2022.

Đã ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường được chính quyền các cấp, các ngành và địa phương có di sản quan tâm. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chiếu Định Yên”; hỗ trợ xây dựng 01 tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm “Chiếu cói” xã Định Yên (Lấp Vò); hỗ trợ xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-TNMT ngày 14/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho Làng nghề truyền thống đóng xuồng, ghe ấp Long Hòa, ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, 04 Làng nghề dệt chiếu xã Định Yên, 04 Làng nghề dệt chiếu xã Định An, huyện Lấp Vò.

Ngoài ra, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu, huyện Lai Vung cũng đã được đưa vào bản đồ số Du lịch Lai Vung tại địa chỉ tên miền: http://laivung.travel - Hiện có 02 cơ sở thủ công mỹ nghệ sản xuất xuồng ghe thu nhỏ làm quà tặng cung cấp cho khách tham quan làng nghề và theo đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài nước.

Sở VHTT&DL đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo kết nối, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao năng lực quản lý, tạo nguồn nhân lực cho cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, sản xuất. Ngoài ra, còn tổ chức cho các cơ sở sản xuất, làng nghề, nghề truyền thống tham gia các kỳ hội chợ xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh và quốc tế, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, giới thiệu quảng bá sản phẩm Làng nghề của địa phương. Đã tổ chức sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn thực hành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống để phục vụ du khách tìm hiểu, nghiên cứu.

Phát huy các kết quả đã đạt được, trong năm 2023, Sở VHTT&DL sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cộng đồng, của cả hệ thống chính trị về nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt đối với lực lượng cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và thế hệ trẻ tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, từng bước xây dựng phong trào quần chúng tích cực tham gia bảo vệ Di sản. Tăng cường công tác phổ biến, truyền dạy, thực hành đưa Di sản đến với đông đảo công chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất và sức sáng tạo của nhân dân trong việc tạo ra các mẫu mã sản phẩm mới trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn thực hành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống để phục vụ du khách tìm hiểu, nghiên cứu. Bên cạnh đó, Sở sẽ tăng cường công tác xã hội hóa trong cộng đồng, các nguồn lực tham gia hỗ trợ, đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Theo disanxanh.cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn giá trị DSVHPVT Quốc gia Nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.