Thủ lĩnh xuất sắc phong trào Cần Vương chống thực dân pháp

01/06/2018 22:24

Theo dõi trên

Nguyễn Văn Giáp (1837 -1887), tục gọi là Bố Giáp (vì ông từng làm chức Bố chính tỉnh Sơn Tây), là một lãnh tụ, một Danh tướng xuất sắc trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở vùng Tây Bắc cuối thế kỷ XIX. Nguyễn Văn Giáp, tên húy là Nguyễn Thường, tự Văn Giáp, hiệu Chu Cát, thụy Trang Lương, sinh năm Đinh Dậu (1837), mất ngày 25 tháng 9 năm Đinh Hợi (1887).

 
Mộ phần của Bố Giáp danh tướng thời Cần Vương có công lớn chống thực dân Pháp
 
Trong những ngày đầu hè năm 2018, chúng tôi có dịp về công tác huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), vùng đất có bề dày về truyền thống lịch sử và gắn liền với những vị tướng tài ba có công đánh giặc giữ nước như Nguyễn Viết Xuân, Đội Cấn, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Danh Thường … Ngoài ra phải kể đến danh tướng Nguyễn Văn Giáp một vị tướng tài trong phong trào Cần Vương.
 
 
 
Phần mộ của ông nằm ngoài cánh đồng Đình Lân, làng Xuân Húc, Vân Xuân Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đường đi vào mộ ông gặp nhiều khó khăn, lối đi duy nhất là đi phần bờ ruộng của người dân
 
Tư liệu về ông được nhắc đến ít, khiến việc tìm hiểu về ông gặp khó khăn. Đang loay hoay không biết tìm gặp ai để tìm tư liệu,  trong đầu bất chợt nghĩ tới anh nguyên Trưởng phòng văn hóa huyện Vĩnh Tường, Lê Nguyễn Thành Trung nay là Chủ tịch Mặt trận Vĩnh Tường. Tìm đến phòng làm việc anh, tôi đặt vấn đề ngay. Anh Trung hồ hởi, cởi mở tấm lòng chia sẻ, hiện nay tôi và các nhà nghiên cứu lịch sử cũng đang tìm hiểu về vị danh tướng thời Cần Vương này, theo tài liệu lịch sử ghi chép lại được và các tài liệu nghiên cứu của các nhà sử học thì được biết.
 
Ông quê gốc làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông trước kia (nay là xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội). Từ đời ông nội ông đã dời lên sinh sống và lập nghiệp tại làng Xuân Húc, tổng Lương Điền, huyện Yên Lạc (nay thuộc làng Xuân Húc, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Phần mộ của ông được đặt ở cánh đồng Đình Lân, khu Xuân Húc 1, làng Xuân Húc, Vân Xuân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, cách trung tâm huyện Vĩnh Tường khoảng 5km, nếu đi từ trung tâm tp Vĩnh Yên khoảng 10 km.
 
Vị tướng tài ba có tấm lòng thương dân
 

 
Văn bia ghi rõ thân thế và sự nghiệp của ông
 
Theo tài liệu ghi chép lại Nguyễn Văn Giáp đỗ cử nhân khoa Giáp Tý (1864) đời Tự Đức thứ 16, ra làm quan, lần lượt giữ các chức: Tri huyện Châu Lộc, Tri phủ Đoan Hùng và Bố chánh Sơn Tây. Trong bối cảnh chế độ phong kiến ngày càng suy tàn, bạc nhược, triều đình do dự, chủ định cầu hòa trước âm mưu xâm lược và ưu thế quân sự của thực dân Pháp, thì Nguyễn Văn Giáp nổi lên là một trong số không nhiều quan lại có tấm lòng thương dân, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm chống giặc đến cùng.
 
Nguyễn Văn Giáp giữ chức Bố chánh tỉnh Sơn Tây vào lúc thực dân Pháp đẩy mạnh xâm lược Việt Nam. Chiếm xong sáu tỉnh Nam Kỳ, chúng đưa quân ra Bắc đánh chiếm thành Hà Nội, rồi đánh lên Sơn Tây là trung tâm kháng chiến chống Pháp của Bắc Kỳ lúc bấy giờ. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Văn Giáp, quân và dân Sơn Tây đã chặn đánh quyết liệt bước tiến quân của kẻ thù và gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhưng với ưu thế về vũ khí, thực dân Pháp đã chiếm được thành Sơn Tây (16-12-1883).
 
Trước khi Sơn Tây thất thủ, Bố chánh Nguyễn Văn Giáp liệu sức không thể trụ nổi trước sự tấn công của giặc Pháp, đã rút quân về Lâm Thao (Phú Thọ), tập hợp nghĩa quân chống giặc trong lưu vực sông Thao. Cùng lúc ấy, thành Hưng Hóa cũng thất thủ vào tay giặc (12-4-1884). Tuần phủ kiêm Trấn thủ Hưng Hóa là Ngô Quang Bích đã rút quân sĩ lui về hai huyện Tam Nông và Cẩm Khê (Phú Thọ), phối hợp với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc và một số quân Thanh có mặt ở Bắc Kỳ lúc đó để chống giặc.
 
Biết được tin này, Nguyễn Văn Giáp đã kéo quân về hợp sức với quân của Ngô Quang Bích, cùng lãnh đạo phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp trong toàn vùng sông Đà, sông Thao, sông Chảy, từ Sơn Tây, Hưng Hóa lên tới biên giới phía Tây Bắc. Trong số tướng dưới quyền Ngô Quang Bích, vai trò của Nguyễn Văn Giáp với tinh thần chiến đấu dũng cảm và tài chỉ huy đã làm cho ông ngày càng nổi bật, trở thành trụ cột của nghĩa quân. Trong hai lần đánh lui quân Pháp khi chúng tiến công vào Cẩm Khê (28-01-1885) và Sơn Vi (02-02-1885), buộc chúng phải lui về Hưng Hóa cố thủ, Nguyễn Văn Giáp và đội nghĩa quân của ông đều có những đóng góp xuất sắc.
 
Ngày 13-7-1885, vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu cùng nhân dân cả nước đứng dậy chống xâm lược Pháp. Đồng thời, Hàm Nghi cũng xuống Dụ khôi phục chức cũ và thăng chức mới cho một số quan văn, quan võ ngoài Bắc bấy lâu nay vẫn kiên trì kháng chiến chống Pháp. Chính dịp này, cùng với Tuần phủ Hưng Hóa là Ngô Quang Bích được phong chức Thượng thư Bộ Lễ sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ Đại thần, Bố chánh Nguyễn Văn Giáp cũng được thăng chức Tuần phủ Sơn Tây kiêm chức Tham tán Hiệp đốc Bắc Kỳ quân vụ, hai người có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với nhau lãnh đạo phong trào kháng chiến toàn vùng. Vì vậy, ngay sau khi Ngô Quang Bích đi sứ Trung Quốc (19-8-1885), thì Nguyễn Văn Giáp trực tiếp nắm quyền chỉ huy tối cao.
 
Tình hình thời kỳ ấy, phái kháng chiến trong triều đình nhà Nguyễn đã bị loại bỏ, thực dân Pháp tập trung quân, đẩy mạnh hoạt động quân sự trên chiến trường Bắc Kỳ. Đầu tháng 10-1985, ba binh đoàn giặc do tướng Gia -mông (Jamont) chỉ huy đã tiến quân, bao vây ba mặt căn cứ Thanh Mai - một trung tâm kháng chiến do Nguyễn Văn Giáp đứng đầu, nằm giữa lưu vực hai con sông Thao và sông Lô, trên đường từ Việt Trì đi Hưng Hóa.
 
Trận đánh diễn ra liên tục trong các ngày 21, 22, 23 tháng 10-1985. Giặc Pháp bắn đại bác dọn đường rồi ồ ạt tổng công kích, nhưng khi vào trong căn cứ Thanh Mai chúng mới biết là đã tiến công vào chỗ không người, nghĩa quân đã rút đi khỏi căn cứ không biết từ lúc nào và bằng con đường  nào. Trước sức tiến công ồ ạt của kẻ địch, Nguyễn Văn Giáp đã kịp thời rút toàn bộ quân sĩ tiến lên phía Tây Bắc, về hướng Tuần Quán, dọc sông Thao, phía dưới Yên Bái độ vài dặm. Tháng 2-1986, giặc Pháp lại tập trung bốn binh đoàn  tiến đánh nghĩa quân ở Tuần Quán.
 
Dọc đường hành quân, chúng đã bị nghĩa quân bám sát, đánh mạnh, tiêu hao nặng nề lực lượng, làm chậm bước tiến. Nhưng cuối cùng, chúng vẫn chiếm được Tuần Quán, tiếp đó chiếm và đóng đồn ở Yên Bái, Trại Hút, Phố Lu, Văn Bàn, Lào Cai.
 
Các trận chiến đấu diễn ra liên tiếp và không cân sức đã làm cho lực lượng nghĩa quân bị giảm sút, nhưng thanh thế của nghĩa quân thì vẫn tiếp tục được mở rộng. Quân Pháp vẫn phải thừa nhận: "Năm 1887, Bố Giáp (tức Nguyễn Văn Giáp) vẫn tiếp tục cai trị cả vùng Thanh Hoa Đạo".
 
Tháng 11-1887, một toán địch liều lĩnh bí mật tìm đường vào Nghĩa Lộ rồi bất thần ấp đến, Nguyễn Văn Giáp và Ngô Quang Bích phải lánh vào ở nhà đồng bào dân tộc thiểu số gần đó. Mấy ngày sau, quân Pháp bị nghĩa quân đánh bật ra khỏi căn cứ và bị phục kích tiêu hao nặng nề trên đường rút chạy. Nghĩa quân giành lại được căn cứ, nhưng Nguyễn Văn Giáp lúc trở về đã bất ngờ lâm bệnh nặng, rồi mất. Hôm đó là ngày 25 tháng 9 năm Đinh Hợi.
 
Nguyễn Văn Giáp mất là một tổn thất lớn cho nghĩa quân. Ngô Quang Bích mất một người bạn tâm huyết với tài thao lược, chỉ huy, ngày đêm cùng bàn bạc quốc sự, tìm kế đánh giặc cứu nước. Trước các tướng lĩnh và nghĩa quân, Ngô Quang Bích đã tổ chức buổi tế lễ long trọng và đích thân đọc bài văn tế do chính tay ông viết, nhiệt liệt ca ngợi khí tiết hào hùng của Nguyễn Văn Giáp và tỏ lòng tiếc thương vô hạn người bạn chiến đấu. Bài văn tế có đoạn:
 
Mặc dù chủ tướng Nguyễn Văn Giáp đã mất, nhưng nghĩa quân dưới sự chỉ huy của các bộ tướng của ông vẫn tiếp tục chiến đấu, chặn đánh quyết liệt các đợt tiến công của giặc Pháp vào Nghĩa Lộ. Mãi đến nhiều năm sau, thực dân Pháp mới ổn định được tình hình ở vùng này.
 
Về sau này, một số nghĩa quân và anh em họ của Nguyễn Văn Giáp là Nguyễn Văn Tề và Nguyễn Văn Tập đã bí mật đưa hài cốt của ông về an táng tại làng Xuân Húc, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Năm 2007, gia đình và dòng họ đã tu sửa phần mộ, xây dựng lăng và dựng bia tưởng nhớ công trạng của ông.
 
Năm 2007, kỷ niệm 120 năm ngày mất của ông, ngày 04-11-2007 (tức 25 tháng 9 năm Đinh Hợi) tại làng Xuân Húc, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường đã long trọng diễn ra buổi lễ khánh thành bia và lăng mộ Hiệp đốc Quân vụ Đại thần Nguyễn Văn Giáp. Trên văn bia và các bức đại tự, câu đối được khắc trên lăng mộ Nguyễn Văn Giáp, là những lời ngợi ca hào sảng, tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ của mỗi người dân hôm nay trước tinh thần yêu nước, chiến đấu tiết liệt, hết lòng vì dân, vì nước của ông. Tên tuổi của Hiệp đốc Quân vụ Đại thần Nguyễn Văn Giáp thật đúng với tám chữ mà Giáo sư Vũ Khiêu kính soạn: "Báo Quốc Cần Vương - Lương Thần Danh Tướng".
 
Các trận đánh khiến thực dân Pháp khiếp sợ của Bố Giáp
 
Trận Thanh Mai: Sau khi điều tra tình hình, đầu tháng 10 năm 1885, khoảng 6.000 quân Pháp do tướng Jamont chỉ huy, tiến theo ba đường lên đánh căn cứ Thanh Mai của Bố Giáp. Quân Pháp chia thành ba binh đoàn, mỗi binh đoàn đều có 1 hoặc 2 đội trọng pháo, có đội công binh theo sửa chữa cầu đường. Ngoài ra, còn có một số pháo hạm nhỏ đi theo nhằm ngăn trở nghĩa quân vượt sông Thao.
 
Ngày 7 tháng 10, tướng Jamais dẫn binh đoàn từ Việt Trì, tiến theo tả ngạn sông Lô đến Phù Ninh thì tạt sang hữu ngạn để đến làng Cổ Tích ở dưới chân Đền Hùng, rồi tiến lên phía bắc Thanh Mai. Cũng từ Việt Trì, binh đoàn của tướng Munier tiến lên phía nam Thanh Mai theo đường Minh Nông. Dọc đường, Munier để lại một số quân ở Cầu Đo, để ngăn lối thoát của nghĩa quân từ Thanh Mai qua sông Thao về Ba Vì.
 
Còn binh đoàn thứ ba do Đại tá Mourlan chỉ huy sau khi tập trung ở Nam Cường (Hưng Hóa) bèn theo hữu ngạn sông Thao tiến lên Thanh Mai. Dọc đường, đoàn quân này chạm súng với lực lượng của Tán Dật (Lê Đình Dật) ở Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ). Sau nhiều giờ kịch chiến, thì Tán Dật đành phải cho quân rút về Lang Sơn (Hạ Hòa, Phú Thọ) vì không cân sức. Sau khi cả ba binh đoàn đã tiếp cận và bao vây Thanh Mai, ngày 21 tháng 10 năm 1885[3], các chỉ huy quân Pháp ra lệnh cho tất cả đại bác đều đồng loạt nổ súng vào mục tiêu.
 
Sau nhiều trận mưa pháo, đến ngày 24 tháng 10 thì bộ binh Pháp xông vào tấn công Thanh Mai. Nhưng vì gặp sức kháng cự mãnh liệt của quân khởi nghĩa, nên đến ngày hôm sau quân Pháp mới chiếm lĩnh được mục tiêu. Biết mình yếu sức hơn, trong lúc giao tranh, Bố Giáp đã cho quân lần lượt rút lên hướng Tuần Quán (Yên Bái). Nhờ vậy, mà lực lượng của ông được bảo toàn.
 
Trận Tuần Quán: Đầu năm 1886, Tướng Jamais dẫn bốn binh đoàn (nhưng số quân lần này ít hơn ở trận Thanh Mai). Theo kế hoạch, binh đoàn thứ nhất tập trung ở Tứ Mỹ bên hữu ngạn sông Thao, để qua sông đánh vào phía tây Tuần Quán và không cho nghĩa quân vượt sông. Binh đoàn thứ hai từ Phú Thọ theo tả ngạn sông Thao mà đi ngược lên Tuần Quán. Binh đoàn thứ ba từ Thanh Mai tiến lên có nhiệm vụ đánh chặn một khi nghĩa quân lui về phía nam. Còn binh đoàn thứ tư có nhiệm vụ đến phủ Yên Bình (Yên Bái) trên sông Chảy, có nhiệm vụ chận đường phía bắc và đánh vào phía đông Tuần Quán.
 
Trong cuộc hành quân lần này, đôi bên đã chạm súng nhau nhiều lần, nhất là tại làng Đông Viên (Phú Thọ) bên hữu ngạn sông Thao, khiến "binh đoàn thứ ba một giờ không tiến nổi một cây số". Sau khi chiếm được Tuần Quán, quân Pháp lần lượt chiếm lấy Yên Bái, Trại Hút, Phố Lu, Văn Bàn. Và đến ngày 29 tháng 3 năm 1886, thì họ làm chủ luôn Lào Cai. Trong lúc này, Bố Giáp cho quân rút sang Tiên Động (Tiên Lương, Cẩm Khê), trú đóng trong Rừng Già (gần sông Hồng, giữ Tu Ung và Cẩm Khê) rồi hợp với lực lượng của Nguyễn Quang Bích (lúc này ông đang đi cầu viện nhà Thanh và tìm mua súng đạn bên Trung Quốc).
 
Chống càn tại Tiên Động: Từ Tiên Động, quân của Bố Giáp đi hoạt động mạnh trên vùng sông Đà, sông Thao; và đã tập hợp và chỉ huy có hiệu quả với các đội nghĩa quân của Nguyễn Văn Ngữ (Đốc Ngữ), Hoàng Văn Thúy (Đề Kiều), Đèo Văn Thanh, Cầm Văn Toa,...trong công cuộc chung. Đồng bào các Dân tộc Thiểu số ở Tây Bắc đã tham gia rộng khắp, và trở thành lực lượng mạnh của Nghĩa quân.
 
Không thể để nghĩa quân cứ quấy phá mãi, viên chỉ huy quân sự vùng này là Đại úy Lebocot bèn dẫn quân đi tấn công Rừng Già mấy lần nhưng đều bị nghĩa quân đẩy lui. Ngày 18 tháng 6 năm 1886, đích thân tướng Jamais chỉ huy cuộc hành quân lớn vào Tiên Động. Sau khi mai phục, tiêu diệt được một số đối phương, Bố Giáp cho quân âm thầm rút lui. Đến khi, quân Pháp không chịu nổi cảnh rừng sâu nước độc phải bỏ đi, ông lại cho quân trở về căn cứ. Năm tháng sau (1 tháng 11), thiếu tá Bercand lại dẫn quân vào Tiên Động. Để đối phó lại, Bố Giáp lại cho quân áp dụng chiến thuật như lần trước, nên đối phương cũng không thu được kết quả gì.
 
Mặc dù đẩy lui được quân Pháp nhiều lần, thanh thế của quân khởi nghĩa lúc này đang lên rất cao; nhưng xét thấy địa thế Tiên Động khá hẹp, lại bị tàn phá sau mấy trận càn, nên Nguyễn Quang Bích (lúc này vừa từ Trung Quốc trở về) và Bố Giáp bèn đem quân lên Nghĩa Lộ (trước thuộc châu Văn Chấn, nay là thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái) xây dựng căn cứ mới.
 
Chống càn tại Nghĩa Lộ: Cuối năm 1886, tướng Brissaud nhận lệnh đưa quân đến càn quét hai châu là Văn Bàn (Lào Cai) và Văn Chấn (Yên Bái). Đoàn quân Pháp tiến theo lưu vực ngòi Vân, đến đèo Gỗ (gần bờ sông Thao, giữa Cẩm Khê và Yên Lương) thì nổ ra cuộc giao tranh ác liệt vào ngày 2 tháng 1 năm 1887.
 
Mặc dù chịu một số thiệt hại (trong số đó có Trung úy Bodin bị thương nặng), quân Pháp vẫn vượt được đèo Gỗ và đèo Hạn Bái. Lại xảy ra một trận kịch chiến nữa, nhưng đến ngày 3 tháng 4 năm 1887, thì quân Pháp vào được Đại Lịch (Văn Chấn, Yên Bái).
 
Kể từ đó cho đến gần cuối năm 1887, quân Pháp vẫn không tiến thêm được chút nào, vì tinh thần và sức lực của nghĩa quân lúc này hãy còn khá mạnh mẽ. Tháng 11 năm 1887, Đại úy Frayssines dẫn quân xông vào Nghĩa Lộ thì bị nghĩa quân đánh chận ngay từ đầu nên phải lui về.
 
Trong khoảng thời gian này (cuối năm 1887) vì bệnh nặng và vì gian lao quá đỗi, Bố Giáp qua đời tại căn cứ Nghĩa Lộ vào ngày 25 tháng 9 năm Đinh Dậu (1887).
 
Phúc Vĩnh

Bạn đang đọc bài viết "Thủ lĩnh xuất sắc phong trào Cần Vương chống thực dân pháp" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.