“Thổi hồn” vào các câu lạc bộ đờn ca tài tử

26/06/2017 10:19

Theo dõi trên

Phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) đang phát triển rộng khắp là chuyện đáng mừng. Song, chất lượng thật đằng sau mỗi câu lạc bộ (CLB) ĐCTT được thành lập lại là chuyện đáng quan tâm. Nếu không có luồng gió mới “thổi hồn” vào các CLB ĐCTT thì e rằng phong trào chỉ dừng lại ở tính tự phát!

Những khó khăn

Theo ngành Văn hóa, hầu hết các xã, ấp trong tỉnh đều có thành lập CLB ĐCTT. Như vậy, Bạc Liêu đang có đến hàng trăm CLB ĐCTT. Nếu con số “khủng” này đi đôi với việc hoạt động đạt chất lượng, thì quả là chuyện đáng mừng đối với vùng đất được mệnh danh là “chiếc nôi” quan trọng của ĐCTT. Tuy nhiên, số CLB ĐCTT hoạt động thật sự hiệu quả thì… đếm trên đầu ngón tay.

Câu chuyện “hợp - tan” của các CLB ĐCTT đã trở thành đề tài muôn thuở. Thực trạng này tồn tại nhiều năm qua, từ khi ĐCTT vẫn còn là hình thức sinh hoạt tự phát. Song, cho đến khi loại hình này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, mà ĐCTT vẫn còn sinh hoạt kiểu “chắp vá” như hiện tại, quả thật rất chạnh lòng! Nghệ nhân đờn và nghệ nhân ca có mấy ai làm giàu từ ĐCTT. Cuộc sống của rất nhiều nghệ nhân không khá như bao người, cho nên chất lượng sinh hoạt của các CLB đều bị ảnh hưởng bởi câu chuyện “kẹt sô”! Ông Trần Ngọc Giỏi, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT TX. Giá Rai, tỏ bày: “Đa số nghệ nhân ĐCTT có hoàn cảnh khó khăn. Họ phải kiếm sống từng bữa nên nhiều CLB thường rơi vào cảnh hợp - tan. Nhiều lắm cũng sinh hoạt chỉ được 1 lần/tháng, vì công tác tập hợp anh em rất khó khăn”. Chính vì thế, chất lượng sinh hoạt của nhiều CLB ĐCTT đã bị ảnh hưởng do không duy trì được tính ổn định.

Bên cạnh đó, “chướng ngại vật” lớn nhất cản trở sự phát triển lớn mạnh của phong trào ĐCTT chính là nguồn kinh phí hạn hẹp. Vài chục thành viên trong CLB ĐCTT có gắn với phục vụ du lịch mới được nhận hỗ trợ 6 triệu đồng/năm; còn những CLB ĐCTT không có gắn phục vụ du lịch thì địa phương tự cân đối ngân sách để hỗ trợ cho hoạt động (Sở VH-TT&DL không hỗ trợ). Thế nhưng, “Nguồn hỗ trợ này cũng đã ngưng rót về cơ sở khoảng 2 năm nay, mà chúng tôi cũng không nhận được thông báo vì sao không tiếp tục hỗ trợ nữa”, ông Dương Tấn Khương, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Phước Long, cho biết.




Một buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT TX. Giá Rai. Ảnh: N.V.

 
...Và nỗ lực

Tuy vậy, đáng mừng là vẫn còn nhiều người cho rằng, chỉ cần có niềm đam mê là có thể theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Cho nên, dù có hỗ trợ hay không thì các thành viên của nhiều CLB ĐCTT trong tỉnh vẫn cố gắng duy trì sinh hoạt. Bởi suy cho cùng, hình thức sinh hoạt này chủ yếu dựa vào tinh thần. Họ tự nguyện đến với nhau để hòa quyện lời ca tiếng đờn, nỗ lực vượt qua khó khăn để thỏa niềm đam mê tài tử. Cô Út Tám (TX. Giá Rai) đã ngoài 50 tuổi, nhưng trót để tâm hồn mình mắc nợ tiếng đờn nên đã xin gia nhập vào CLB ĐCTT của huyện. Cô Út Tám chia sẻ: “Tôi đang tập tành các bài bản vắn để hòa nhập cùng với các thành viên của CLB. Thấy mọi người sinh hoạt vui quá nên tôi xin vào sinh hoạt chung bởi tôi mê ĐCTT đã từ lâu rồi”. Sức hút của ĐCTT cũng khiến nhiều người trẻ xin gia nhập, dẫu ý thức được khó khăn của các CLB hiện tại. Bạn Trần Văn Kha (giáo viên ở phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) bộc bạch: “Trước khi tham gia sinh hoạt cùng các cô chú trong CLB ĐCTT, tôi đã hiểu được những khó khăn chung. Nhưng vì niềm đam mê tài tử, tôi vẫn quyết định xin gia nhập để cùng mọi người giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT nói riêng, phong trào văn nghệ của TX. Giá Rai nói chung”.

Mới hay, dù có nhiều khó khăn, thử thách thì những trái tim “nóng” vẫn sẽ không để cho CLB ĐCTT “chết yểu”. Nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt của các CLB ĐCTT, ông Dương Tấn Khương đề xuất: nên lựa chọn chủ đề sinh hoạt định kỳ để làm mới nội dung sinh hoạt. Chẳng hạn như tháng này sinh hoạt theo chủ đề “các bản Nam”, tháng kế tiếp sẽ là “các bản Bắc”… cho đến khi giáp các bài bản trong 20 bản Tổ của ĐCTT; sau đó thì sinh hoạt tự do. Từ hình thức này, các thành viên có thể trau dồi kỹ năng đờn, ca theo các bài bản nhằm chuẩn hóa trình độ theo quy định của Bộ VH-TT&DL”. Như vậy, làn gió mới thổi vào các CLB ĐCTT là tùy thuộc vào sự sáng tạo, kiên trì của lãnh đạo địa phương và bản thân mỗi nghệ nhân!


Ngọc Vũ

Nguồn: baobaclieu.vn
Bạn đang đọc bài viết "“Thổi hồn” vào các câu lạc bộ đờn ca tài tử" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.